Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Thách thức nợ xấu chưa qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nợ xấu đã cải thiện hơn trong quý IV/2020, nhưng vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong năm 2021 khi con số thực sự còn ở phía sau.

Nợ xấu đã giảm…

Tại buổi công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam cuối năm 2020, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, hệ thống ngân hàng của Việt Nam nhìn chung vẫn lành mạnh, nhưng chất lượng vốn vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng.

Theo chuyên gia này, nguy cơ nằm ở mối quan hệ tín dụng của những ngân hàng này với những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 như du lịch, hàng không, bất động sản... Tỷ lệ vốn vay có vấn đề (nợ xấu) trong danh mục của các ngân hàng tăng lên mức 2,01% trong tháng 8/2020 so với mức 1,63% trong tháng 12/2019.

Trong một nhận định trước đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đưa ra dự báo, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng có thể tăng lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% cuối năm 2019 vì 3 lý do: Một là, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp; hai là, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm; thứ ba, Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực khiến quy mô nợ xấu tăng lên (chiếm khoảng 23% tổng dư nợ).

Thực tế, tác động của Covid-19 dần được phản ánh trong số dư nợ xấu của các ngân hàng. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng lên 1,77% trong quý III/2020 từ mức 1,68% trong quý II/2020, cho dù chi phí dự phòng quý III tăng 18% so với quý II, đưa tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu từ 90% nhích lên 90,6%. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại đều tăng trong khoảng 0,2-0,7%. Tổng nợ xấu tính đến cuối quý III là 91.200 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối quý II.

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới mức 2%. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ này đã tăng lên 2,01% vào cuối tháng 8/2020; 2,14% vào cuối tháng 9/2020 và 2,09% vào cuối tháng 10/2020.

Tuy nhiên, con số nợ xấu của các ngân hàng được công bố những ngày qua đã cho thấy sự cải thiện. Đơn cử, tại khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 0,61% tổng dư nợ, mức thấp nhất trong các tổ chức tín dụng và cũng thấp nhất trong lịch sử của Vietcombank. Trong khi trước đó, theo báo cáo tài chính quý III/2020, Vietcombank có 7.884 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,01% dư nợ cho vay, tăng đáng kể so với mức 0,79% hồi cuối năm 2019.

Tương tự, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank cũng giảm mạnh xuống dưới 1% - thấp hơn cả cuối năm 2019. Trước đó, đến cuối quý III/2020, nợ xấu nội bảng của VietinBank là 17.949 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối quý II và tăng 66% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý III/2020 là 1,87%, tăng đáng kể so với mức 1,16% hồi cuối năm 2019. Trong năm 2020, VietinBank đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) - vốn là con số khá lớn - hơn 13.000 tỷ đồng.

Ở khối ngân hàng cổ phần tư nhân, phân loại nợ được thực hiện dựa theo tình trạng nợ của khách hàng tại VIB theo báo cáo tài chính quý IV/2019 là 1,7%. Nếu phân loại dựa theo tình trạng nợ của khách hàng sau khi cập nhật thông tin toàn hệ thống từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) thì tỷ lệ nợ xấu tại VIB là 1,96%. Tuy nhiên, năm 2020, nợ xấu VIB giảm xuống dưới mức 1,5%.

Thông tin từ TPBank cho biết, mặc dù có những lo ngại về nợ xấu của ngành ngân hàng khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhưng kết thúc năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của TPBank chỉ ở mức 1,14%, thấp hơn con số năm 2019 là 1,3%, trong khi TPBank đã phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định.

… Nhưng vẫn là thách thức lớn

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng vừa được Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố cho biết, tình hình kinh doanh trong quý IV/2020 đã khởi sắc hơn 3 quý đầu năm. Cụ thể, 62% tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh quý IV/2020 “cải thiện” hơn so với quý III (tỷ lệ này ở quý III là 55%), số tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh quý IV “suy giảm” cũng giảm đáng kể, xuống còn 12,4% so với tỷ lệ 21,3% của quý III.

Mặc dù lạc quan với triển vọng kinh tế năm 2021 sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo: “Những rủi ro đang được trì hoãn bởi các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ thể hiện qua Thông tư 01/TT-NHNN có thể sớm quay trở lại”.

Thực tế, các ngân hàng cũng tự lo cho mình trước. Vietcombank cho biết, đã tăng mạnh quỹ dự phòng rủi ro, giúp tỷ lệ bao nợ xấu đến cuối năm 2020 đạt tới 380% - tức mỗi 100 đồng nợ xấu thì có 380 đồng dự phòng - con số cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Tại VietinBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng cũng được cải thiện, tăng lên 130%.

Bên cạnh việc liên tục trích lập dự phòng, đa phần các ngân hàng vẫn đặt kỳ vọng vào sự tích cực của diễn biến nợ xấu và động lực từ nguồn thu nhập ngoài lãi có thể bù đắp cho độ trễ của nợ xấu. Đối với năm 2021, do nền kinh tế được dự báo tăng trưởng tích hơn năm 2020, nên sự hình thành nợ xấu được kỳ vọng giảm mạnh hơn.

Theo Vụ Dự báo Thống kê, dự kiến trong thời gian tới, có 66,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh trong quý I/2020 cải thiện hơn so với quý IV/2020 và 81% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh trong năm 2021 cải thiện hơn so với năm 2020. Tuy vậy, chỉ số cân bằng ghi nhận ở mức 51,4% - thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay cho thấy các tổ chức tín dụng vẫn còn quan ngại về những khó khăn trong năm 2021 do tác động tiêu cực trong thời kỳ hậu Covid-19.

“Hiện tại, số liệu về nợ xấu tuy vẫn tương đối thấp (và được duy trì ở mức thấp giả tạo do Ngân hàng Nhà nước tạm thời cho phép hoãn nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn), nhưng tình trạng bất định và rủi ro nợ xấu tăng cao có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực tài chính về sau này do nhu cầu giảm, trong khi ngày càng nhiều cá nhân và doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của họ”, chuyên gia kinh tế của WB nhận định.

TS. Cấn Văn Lực tính toán, số lượng nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hiện ở mức 355.000 tỷ đồng, nếu chia cho tổng dư nợ hiện nay là 8,5 triệu tỷ đồng thì nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu là 4%.

“Dù hy vọng 50% số nợ cơ cấu sẽ quay lại nợ tốt, nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn vào khoảng 2%, cộng với tỷ lệ nợ xấu nội bảng hiện tại là hơn 2% thì nợ xấu có thể lên tới 4%. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng trong năm 2021”, ông Lực nhìn nhận.

Tin bài liên quan