Thách thức đang chờ NHNN năm 2013

Thách thức đang chờ NHNN năm 2013

(ĐTCK) Nhiệm vụ đặt ra cho nền kinh tế trong năm 2013 là khá nặng nề và trách nhiệm đặt lên vai NHNN rất lớn, vừa lo kiềm chế lạm phát, vừa phải hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng với trọng tâm kiềm chế lạm phát và xử lý nợ xấu. Đây chắc chắn sẽ là một thách thức không nhỏ của NHNN.

Thách thức đang chờ NHNN năm 2013 ảnh 1

Thành quả và thách thức

Điểm đáng nói nhất của ngành ngân hàng năm 2012 là điều hành lãi suất. Diễn biến lãi suất đã theo đúng những gì mà NHNN mong muốn. Tất nhiên, vẫn đâu đó có tình trạng lách trần lãi suất, nhưng không phải là phổ biến. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động VND theo năm giảm 3 - 6 điểm phần trăm, lãi suất cho vay giảm 5 - 9 điểm phần trăm so với cuối năm 2011 và đã trở về mức lãi suất cuối năm 2007. Thống đốc yêu cầu các ngân hàng phải sớm điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15%/năm và thực hiện ngay từ 15/7, tuy nhiên, hiện lãi suất cho vay chỉ khoảng 9 - 12%/năm.

Tỷ giá cũng được giữ gần như không đổi trong cả năm, khiến rủi ro tỷ giá được loại khỏi các công thức tính toán của doanh nghiệp. Nhưng đến cuối năm, tỷ giá lại thành đề tài gây chú ý khi xuất hiện một số ý kiến là tỷ giá được điều hành quá cứng, không hỗ trợ xuất khẩu. Tính cả năm 2012, tỷ giá bình quân liên ngân hàng không biến động, còn giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng chỉ dao động trong mức chưa đến 1%. Thậm chí, tỷ giá mua trung bình của các NHTM giảm 1% so với cuối năm 2011. NHNN mua một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.

Một vấn đề nổi cộm đối với hệ thống ngân hàng trong năm qua là nợ xấu. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đã và đang được xử lý tích cực. Theo đó, nợ xấu tăng phổ biến trên 8%/tháng trong quý I/2012, nhưng từ tháng 6/2012 trở lại đây, tăng bình quân khoảng 2%/tháng; nợ xấu được các tổ chức tín dụng xử lý ước đạt 45 nghìn tỷ đồng…

“So với các nước lớn như Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu đang chao đảo, chúng ta phải hãnh diện vì những thành quả của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn vừa qua mà trong đó có vai trò rất quan trọng của NHNN”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPost Bank nhận định.

 

Hành động thế nào?

Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra cho nền kinh tế trong năm 2013 là khá nặng nề và trách nhiệm đặt lên vai NHNN rất lớn, vừa lo kiềm chế lạm phát, vừa phải hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định: Năm nay sẽ là một năm khó khăn. Tôi nghĩ rằng, hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng danh nghĩa. Còn trên thực tế, đây có thể được coi là một sự suy giảm. Kể cả khi các vấn đề về bảng cân đối tài chính và nợ xấu được nhận biết đúng mức, tôi tin rằng, tín dụng cũng chỉ có thể tăng trưởng ở mức rất khiêm tốn.

Theo ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, NHNN nên hỗ trợ những ngân hàng mạnh tiếp tục phát triển, đồng thời phải có những hành động cụ thể và cương quyết đối với các ngân hàng yếu hơn vì họ đang cần rất nhiều vốn để tồn tại. NHNN đã công bố quy định về hợp nhất và sáp nhập và đang lên kế hoạch thành lập Công ty Quản lý tài sản (AMC) để mua lại một số khoản nợ xấu trong hệ thống, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tín dụng. Đây là những bước đi quan trọng.

“Chúng tôi tin rằng, Việt Nam sớm tìm ra giải pháp cho những vấn đề đó để thúc đẩy tăng trưởng và chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của NHNN”, ông Sumit Dutta nói.

Chủ tịch HĐQT VIB, ông Hàn Ngọc Vũ cho rằng, để hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, góp phần hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phục hồi vững chắc, cần giải quyết những tồn đọng nợ xấu. Tuy nhiên,  bên cạnh việc giải quyết nợ xấu, các ngân hàng cũng cần phải nâng cao năng lực quản trị, không chỉ quản trị ở cấp thượng tầng mà cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao năng lực quản trị ở cấp hạ tầng là các chi nhánh. “Trong bối cảnh nợ xấu như hiện nay, đặc biệt là các vấn đề gian lận ngày càng tăng, ngân hàng cần tập trung mạnh mẽ vào công tác quản trị để không chỉ giải quyết và giảm nợ xấu mà còn nhanh chóng hồi phục khi thị trường có xu hướng tốt lên”, ông Vũ nói.

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam phân tích, đối với các NHTM, việc phân loại các khoản nợ là vô cùng quan trọng, các tài sản thế chấp cũng phải được kiểm soát. Các khoản dự phòng cần phải được xem xét để giúp làm bảng cân đối tài khoản của ngân hàng hiệu quả hơn và cung cấp thêm vốn cho các nhu cầu tín dụng lành mạnh dựa trên dòng tiền và khả năng thanh toán nợ của từng doanh nghiệp (hơn là dựa vào tài sản thế chấp). Điều này có thể ảnh hưởng đến dòng vốn của các ngân hàng.

“Nếu chúng ta xử lý việc này đúng thì sẽ giúp giảm bớt và loại trừ được những bất ổn. Đối với các nhà chính sách, mức độ minh bạch của các báo cáo về ngành và việc xem xét lại chiến lược của các ngân hàng có vấn đề sẽ giúp ích cho quá trình này. Tuy nhiên, tôi thực sự thấy vai trò quan trọng của việc từng ngân hàng báo cáo các vấn đề của riêng mình một cách chính xác và trung thực”, ông Tareq Muhmood nhấn mạnh.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam , bà Victoria Kwakwa nhận định, kinh tế vĩ mô Việt Nam có nhiều thách thức: Thứ nhất, nguyên nhân từ cấu trúc và mô hình kinh tế. Nếu các vấn đề về cấu trúc được giải quyết thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho việc thực thi chính sách tiền tệ. Thứ hai, cần số liệu và sự minh bạch nhiều hơn trong quản lý kinh tế vĩ mô. Thứ ba, cần ủng hộ và xây dựng các thể chế cho quản lý kinh tế vĩ mô. Việt Nam đã quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế định hướng thị trường nhưng lại đang cố gắng quản lý nó theo hướng kế hoạch. Vì vậy, dù thừa nhận đã có một số tự do hóa, nhưng vai trò của các định chế liên quan đến quản lý kinh tế vĩ mô, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành... còn nhiều điều cần phải làm rõ, như việc NHNN liệu có thể trở thành một ngân hàng độc lập hay vẫn là một cơ quan thuộc chính phủ chẳng hạn.

“Đấy là những vấn đề cần được đặt ra bởi chúng đều mang theo những gợi ý sau đó để xem chúng ta quản lý kinh tế vĩ mô bằng cách nào. Và đó cũng là một phần trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường”, bà Victoria nhấn mạnh.