Giai đoạn 1 Khu liên hợp gang thép Hải Dương của HPG đã vào hoạt động ổn định với công suất 350.000 tấn/năm từ năm 2010, giai đoạn 2 bắt đầu triển khai từ năm 2012 và đến cuối năm 2013, toàn bộ khu liên hợp đi vào hoạt động đồng bộ.
Kết quả kinh doanh năm 2014 của HPG khả quan với doanh thu thuần tăng 35%, lợi nhuận sau thuế tăng 61%, nổi bật là biên lãi gộp tăng từ 17% lên trên 20%. Những năm sau đó, ngành thép có diễn biến thăng trầm, nhưng kết quả kinh doanh của HPG tiếp tục tăng trưởng theo thị phần được mở rộng nhờ vào lợi thế giá thành thấp, sản phẩm chất lượng, khâu phân phối mạnh và dày đặc.
Hoạt động kinh doanh của HPG kể từ năm 2008 tới nay có thể chia làm 3 giai đoạn.
Một là, giai đoạn ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế từ 2008 - 2012.
Hai là, thị trường thép phục hồi đúng giai đoạn Khu liên hợp Hải Dương vận hành đồng bộ kể từ năm 2013, thép HPG chiếm 17,8% thị phần toàn thị trường với lượng tiêu thụ gần 700.000 tấn (+14,2%). Nền kinh tế bắt đầu “vực dậy” kể từ năm 2014 với GDP tăng trưởng 5,98% và HPG kết thúc năm 2014 với thị phần cao nhất thị trường là 19,1%.
Năm 2015 - 2016, Trung Quốc xuất khẩu thép đạt mức kỷ lục do dư cung trầm trọng và nước này bắt đầu bán phá giá thép khiến Mỹ phải áp 14 loại thuế chống bán phá giá và 10 loại thuế tự vệ lên sắt thép Đại lục.
Năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu gần 110 triệu tấn thép, trong đó xuất sang Việt Nam hơn 12 triệu tấn, nhưng thép HPG thể hiện được tính cạnh tranh so với thép Trung Quốc khi tiêu thụ được hơn 1,8 triệu tấn (+30%). Bên cạnh đó, thị trường bất động sản “ấm” lên với nhiều dự án được triển khai và Việt Nam áp thuế tự vệ lên phôi thép và thép dài.
Ba là, giai đoạn 2017 - 2018, HPG củng cố xu thế dẫn đầu về thị phần với sự tham gia của nhà máy cán thép số 3, công suất 700.000 tấn/năm thuộc giai đoạn III Khu liên hợp thép Hải Dương, tổng công suất thiết kế là 1,8 triệu tấn thép xây dựng. Giai đoạn này, sản lượng thép thành phẩm tiêu thụ lần lượt là 3 triệu tấn và 3,16 triệu tấn các loại.
Một khía cạnh khác phải xét tới là ngành thép thâm dụng vốn lớn nên HPG mặc dù kiểm soát chi phí với công nghệ tốt nhất trong ngành nhưng để duy trì hoạt động kinh doanh và vị thế dài hạn, hàng năm, Công ty phải chi nhiều tiền vào đầu tư cơ bản, sửa chữa và nâng cấp. Thống kê giai đoạn 2008 - 2018, Công ty cần bỏ ra 1,2 đồng vốn để thu được 1 đồng lợi nhuận ròng. Giai đoạn tới, HPG tiếp tục cần nhiều vốn để đầu tư khi “đặt cược” vào một cuộc chơi rất lớn: phủ rộng toàn Việt Nam, “vẽ” lại bản đồ ngành thép.
Dự án Dung Quất đang được HPG triển khai với tiến độ nhanh, nhưng tốc độ “ngốn” tiền cũng rất lớn. Theo tiến độ dự án, tính tới cuối năm 2018, HPG cần vay thêm khoảng 8.000 tỷ đồng nợ dài hạn và 4.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn.
Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 vừa qua, Ban lãnh đạo Công ty chia sẻ, dự án sẽ bị đội vốn, tổng mức đầu tư tăng lên 65.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay dài hạn tăng lên 10.000 tỷ đồng và nợ vay ngắn tăng thêm 3.000 tỷ đồng.
Theo đó, số tiền cần vay thêm trong thời gian tới vào khoảng 25.000 tỷ đồng. Với tư cách cá nhân, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị HPG đã quyết định cầm cố 100 triệu cổ phiếu để vay vốn ngân hàng, với hạn mức 1.700 tỷ đồng, bổ sung vốn lưu động cho Công ty.
Theo kế hoạch của HPG, kết quả kinh doanh trong hai năm tới nhiều khả năng không cao, một phần là do chi phí khấu hao, lãi vay và giả định tình hình giá nguyên liệu vẫn tăng, nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn, hay ít nhất là ngành bất động sản chững lại, không tăng trưởng.
Hiện tại, giá than coke đang ở mức cao, giá quặng sắt có xu hướng tăng, dao động trong khoảng 85 - 90 USD/tấn do sự kiện vỡ đập của nhà sản xuất quặng lớn nhất thế giới là Vale, điều này khiến lượng cung ra thị trường sụt giảm trong ngắn hạn. Trung Quốc đã bỏ thuế xuất khẩu phôi thép từ đầu năm 2019 và thuế tự vệ của Việt Nam sẽ hết hạn vào tháng 3/2020.
HPG đang đứng trước một bài toán lớn hơn trong quá khứ rất nhiều và nhà đầu tư muốn hưởng thành quả có thể phải đồng hành rất lâu.