Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là thách thức lớn với nhiều ngành sản xuất, trong đó có dệt may.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là thách thức lớn với nhiều ngành sản xuất, trong đó có dệt may.

Thách thức của doanh nghiệp niêm yết: Lướt trên Covid, đụng sóng tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ghi nhận nhanh ở một số doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau cho thấy, doanh thu và lợi nhuận trong quý II/2021 chưa bị tác động nhiều, song thách thức, rủi ro mới mà doanh nghiệp phải quản trị là sóng tăng giá nguyên liệu đầu vào.

Kích hoạt chế độ chống dịch, lướt trên Covid-19

Ghi nhận nhanh tại một số doanh nghiệp là đợt dịch Covid-19 đang bùng phát trong nước chưa ảnh hưởng nhiều đến kết quả doanh thu và lợi nhuận tại thời điểm này. Điều này cho thấy, việc thị trường chứng khoán vẫn tăng từ đầu tháng 5 tới nay hoàn toàn có logic.

Trên nền tảng Chính phủ chỉ đạo kiểm soát dịch rất tốt, bản thân các doanh nghiệp đều học được cách lướt trên Covid-19 sau 4 lần dịch bệnh có nguy cơ bùng phát ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) cho biết, từ cấp quản lý đến từng nhân viên trong Công ty, đi công tác hay nghỉ phép cũng phải có phê duyệt của lãnh đạo về đăng ký lịch trình di chuyển, khai báo. Ban Phòng chống dịch Công ty Nhựa Bình Minh đã kích hoạt chế độ ứng phó với tình huống ngoài dự kiến, sẵn sàng áp dụng quy trình làm việc tại nhà, khử khuẩn khi dịch có thể ảnh hưởng đến các nhà máy.

“Thị trường miền Bắc đang chậm lại trong vài ba tuần gần đây khi dịch bệnh bùng phát mạnh, khiến các dự án không tiếp tục đẩy mạnh được, còn thị trường phía Nam tiêu thụ vẫn ổn do dịch chưa quá căng thẳng. Nhìn chung, ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành của Công ty thì chưa có gì đáng kể ở đợt dịch hiện nay”, ông Ngân nói.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, mã DBD) cho biết, do dịch bệnh nên nhu cầu tiêu thụ thuốc giảm vì bệnh nhân hạn chế đến bệnh viện. Sản xuất khó ổn định do các thuốc phục vụ phòng dịch không đủ cung ứng trong khi mặt hàng khác lại tồn kho nhiều.

Mặc dù vậy, Didiphar vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo cung ứng đầy đủ theo tiến độ các thuốc thiết yếu phục vụ công tác phòng và chống dịch của ngành y tế và đảm bảo 100% người lao động trong Công ty có việc làm ổn định.

Tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, Ban lãnh đạo luôn theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 ở những thị trường Thực phẩm Sao Ta đang theo đuổi và các cường quốc nuôi tôm như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Ecuador, Indonesia, Thái Lan… để đánh giá nguồn cung trên thị trường thế giới. Sau khi xem xét kỹ thực trạng trong nước và nguồn cung ở nhiều cường quốc, Sao Ta sẽ cân nhắc ký kết các hợp đồng mua bán phù hợp với điều kiện bình thường mới như hiện nay.

Các doanh nghiệp như Hoà Phát (mã HPG), Dệt may Thành Công (mã TCM), Sợi Thế Kỷ (mã STK), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ)… đều cho biết, đợt bùng phát dịch bệnh này chưa ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước.

“Mọi thứ vẫn như cũ, trong trạng thái bình thường mới”, ông Trần Như Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị Dệt may Thành Công chia sẻ.

Trong khi đó, Sợi Thế Kỷ kỳ vọng, triển vọng phục hồi nhu cầu các sản phẩm may mặc tại các thị trường Mỹ và EU sẽ sáng sủa hơn. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng thời trang thể thao, năng động và sản phẩm thân thiện môi trường của người tiêu dùng cũng sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh sản phẩm sợi của Công ty đang nhắm tới phục vụ phân khúc này.

Chiến thuật khôn ngoan của các nhà đầu tư là tìm kiếm các doanh nghiệp có điểm rơi lợi nhuận trong tương lai để xuống tiền.

Chiến thuật khôn ngoan của các nhà đầu tư là tìm kiếm các doanh nghiệp có điểm rơi lợi nhuận trong tương lai để xuống tiền.

Ngoài ra, xu hướng đơn hàng dệt may đổ sang Việt Nam để tận dụng các ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do và sự ổn định trong sản xuất nhờ thành tựu chống dịch hiệu quả trong khi các đối thủ cạnh tranh không có lợi thế bằng (Trung Quốc bị áp thuế bổ sung đối với hàng dệt may khi xuất khẩu sang Mỹ, Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nghiêm trọng, Myanmar bị khủng hoảng chính trị) cũng sẽ làm tăng nhu cầu sợi tại Việt Nam.

Thừa nhận Covid-19 tác động “không hề dễ chịu” đến hoạt động kinh doanh của Công ty, song ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cho biết, Công ty luôn trong tâm thế sẵn sàng thích ứng với tình hình thị trường, đổi mới phương thức bán hàng, đẩy mạnh bán online tại những khu vực giãn cách xã hội, đẩy mạnh bán laptop nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc online…

FPT Retail cũng đang thử nghiệm một số mảng khác như đồng hồ, thiết bị thông minh (IoT), bán thêm các dịch vụ như vé máy bay và bảo hiểm để góp phần tăng doanh thu.

“Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang tính cực áp dụng chuyển đổi số sâu và rộng vào hệ thống vận hành trên toàn quốc để tối ưu chi phí, mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất”, ông Việt Anh nói.

Thách thức biến động giá nguyên vật liệu

Thách thức bao trùm các doanh nghiệp hiện nay là tăng giá nguyên vật liệu sản xuất, một hệ quả khi dịch bệnh diễn biến kéo dài trên toàn thế giới.

Trong ngành dược, Bidiphar cho biết, Ấn Độ - nhà cung cấp nguyên liệu dược phẩm lớn thứ 3 thế giới – đang bị tàn phá nặng nề bởi dịch bệnh, ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên liệu dược phẩm trên toàn cầu.

Một số nhóm nguyên liệu thuộc thế mạnh của Ấn Độ như ivermectin, methylprednisolone, doxycycline, enoxaparin, paracetamol, azithromycin, meropenem, piperacillin tazobactam, nhóm kháng sinh beta-lactam, cephalosporin… dùng để sản xuất các loại thuốc quan trọng trong điều trị Covid-19 tăng từ 30 - 200%. Thời gian giao hàng cũng kéo dài hơn 30 – 60 ngày so với trước kia.

Để giảm tác động của tình trạng này, Bidiphar định hướng phải có trên hai nguồn cung cấp cho một loại nguyên vật liệu đến từ các vùng lãnh thổ, quốc gia khác nhau nhằm hạn chế tối đa rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc, Bidiphar còn nhập nguyên liệu từ châu Âu, Mỹ và các nước Đông Á. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh.

Ảnh tác giả

Hiện nguyên liệu sản xuất của Công ty đã tăng bình quân 85% so với cuối năm 2020, trong khi Nhựa Bình Minh 2 lần tăng giá trong năm nay, tổng cộng 14%

Ông Nguyễn Hoàng Ngân. Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP)

Trong khi đó, Nhựa Bình Minh cho biết, Công ty phải “chịu trận” khi giá nguyên liệu và giá vận chuyển tăng. Lợi nhuận của Công ty giảm khi mà mức tăng giá bán không thể bù đắp được mức tăng của nguyên liệu đầu vào. Hiện nguyên liệu sản xuất của ngành nhựa đã tăng bình quân 85% so với cuối năm 2020, Nhựa Bình Minh 2 lần tăng giá trong năm nay, tổng cộng 14%, thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành, bình quân 20 - 25%.

Song ông Ngân kỳ vọng, khác với một số nguyên vật liệu xây dựng khác, giá nguyên liệu nhựa biến động do một số sự cố về khí hậu, nhưng nay các nhà máy đang trở lại bình thường. Do vậy, nếu không có thêm yếu tố bất thường nào khác thì xu hướng giảm giá bắt đầu xuất hiện.

Trong ngành thủy sản, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta, ông Hồ Quốc Lực cho biết, doanh nghiệp đang chịu áp lực khi tất cả chi phí đều tăng. Giá cước thuê container đường biển đi EU từ mức 1.700 - 1.800 USD/container ở thời điểm trước đại dịch đã tăng chóng mặt lên mức 7.000 - 8.000 USD/container. Cước chở hàng container đi Mỹ cũng đã tăng từ 4.500 USD lên 8.000 - 10.000 USD/container. Chi phí vận tải như hiện tại đã ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu thuỷ sản khi mà giá bán khó tăng vì thu nhập khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Trong ngành dệt may, giá bông tăng dẫn đến giá sợi tăng. Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ cho biết, một số nguyên liệu đầu vào khan hiếm và giá cả các mặt hàng tăng cao. Sợi Thế Kỷ phải áp dụng nhiều biện pháp đàm phán để đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất và cũng duy trì mức chênh lệch giữa giá mua nguyên liệu và giá bán thành phẩm nhằm đảm bảo lợi nhuận.

Câu chuyện tăng giá nổi bất nhất thời gian qua là ở ngành thép. Giá phế liệu đã tăng mạnh từ 300 USD/tấn vào tháng 11/2020 lên 500 USD/tấn vào ngày 10/5/2021, tương ứng tăng gấp đôi trong 6 tháng.

Tính từ tháng 4 đến nay thì giá thép phế liệu tăng 70 USD/tấn. Giá quặng tăng từ 88 USD/tấn lên 229 USD/tấn vào tháng 5/2021, sau 1 năm.

Tính từ tháng 4 thì giá quặng tăng thêm 62 USD/tấn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân tăng giá là do Trung Quốc chiếm 70% lượng quặng nhập đường biển toàn cầu và chi phối hoàn toàn giá quặng sắt thế giới.

Nhu cầu thép của quốc gia này vốn rất lớn, nay lại gia tăng khi nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid, các nhà sản xuất tích cực dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Đại Thiên Lộc (mã DTL) cho biết, giá thép cán nóng trên thị trường thế giới tăng gấp đôi, lên 1.000 - 1.100 USD/tấn. Giá thép trong nước không tăng kịp nên DTL chủ yếu làm tôn mạ xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ mới có lời, vì giá bán tốt. Hiện nay, Trung Quốc đã không còn hoàn thuế cho xuất khẩu thép nên xuất khẩu từ thị trường Việt Nam rất tốt.

Giá thép ở Việt Nam là một trong những vùng thấp nhất thế giới. Giá thép cán nóng (HRC) ở Mỹ là 1.500 USD/tấn và châu Âu là 1.200 USD/tấn, trong khi ở Việt Nam, Hoà Phát bán dưới 1.000 USD/tấn và chưa có kế hoạch xuất khẩu, để ưu tiên trong nước.

Tập đoàn Hoà Phát cho biết, để phục vụ sản xuất ổn định, doanh nghiệp vẫn phải tích trữ nguyên liệu dù giá có tăng cao. Giá nguyên liệu nào cũng tăng nhưng không mua nhanh là không có hàng để sản xuất. Bình thường, Hoà Phát mua nguyên liệu gối đầu cho từng quý thì hiện tại phải mua cho cả quý IV. Dù rủi ro cao (giá nguyên liệu có thể đảo chiều) nhưng phải chấp nhận để đảm bảo nhà máy sản xuất liên tục, cung ứng hàng hoá cho thị trường.

Dưới áp lực của tăng giá đầu vào, ông Lê Miên Thuỵ, Tổng giám đốc Ricons, công ty xây lắp chuẩn bị đưa cổ phiếu lên niêm yết cho biết, “cuộc chơi rất khắc nghiệt với ngành xây lắp vì biến động giá nguyên vật liệu nhà thầu phải tự tính toán, dự báo để đưa vào giá thầu. Ricons đủ sức để vượt qua cơn bão giá này nhưng ai không cầm cự được sẽ bị thị trường đào thải”.

Tiếp tục thay đổi

Chưa khi nào các cụm từ “thay đổi”, “đổi mới”, “tái cơ cấu” lại được các doanh nghiệp nhắc đến nhiều như thời gian này. Nhiều doanh nghiệp chọn cách tấn công để phát triển khi xác định phải sống chung với Covid. Với phương châm đầu tư tích cực hơn để chớp cơ hội và lấy phương châm “ai nhanh hơn sẽ chiến thắng”, ông Trương Gia Bình và lãnh đạo Tập đoàn FPT thực hiện thần tốc thương vụ M&A nắm cổ phần chi phối Base.vn khi chỉ cách vòng gọi vốn thứ 2 của nền tảng này hơn một tuần.

Sản phẩm của Base hiện đã được 5.000 khách hàng sử dụng, trong đó có cả các ngân hàng, hãng hàng không, nhà sản xuất… nên đây được coi là nước cờ thông minh của FPT khi có thể tích hợp nền tảng Base vào hệ sinh thái của FPT, từ đó, có được thị trường rộng lớn là 800.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT chia sẻ, theo thống kê, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có đến 50% phá sản trong 5 năm đầu tiên và 90% phá sản trong 5 năm tiếp theo. Bước vào thời kỳ chuyển đổi số, cuộc cạnh tranh còn khốc liệt hơn nữa. Thị trường thay đổi, hành vi khách hàng thay đổi.

Chưa bao giờ khách hàng đòi hỏi cao đến vậy. Trước đây, họ sẵn sàng chờ taxi 30 phút, giờ thì chuẩn mực mới là 3 phút. Các doanh nghiệp hiện nay đều hiểu rằng thế giới thực và thế giới ảo sẽ là một. Mọi doanh nghiệp sẽ là doanh nghiệp số, mọi đầu tư sẽ là đầu tư số, mọi lãnh đạo sẽ là lãnh đạo số.

Điều đó có nghĩa là bạn chỉ có thể chạm được đến khách hàng khi xây dựng được một hành trình số tiếp cận với người ta một cách liên tục. Phải có chiến lược số, kế hoạch số, quản trị số, chỉ đạo số và tất cả đều phải xảy ra theo thời gian thực. Nói cách khác, không có chuyển đổi số, các doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều giống nhau.

Là doanh nghiệp bán lẻ vàng trang sức hàng đầu, nhưng slogan của PNJ lại thể hiện đầy tinh thần số hoá là “F5 – Refresh” trong năm 2020 và “F5- Refresh, tăng tốc tái tạo bứt phá vươn xa” trong năm 2021. Nhờ áp dụng số hoá, các phần mềm quản trị doanh nghiệp, tái cấu trúc nhân sự… mà PNJ là doanh nghiệp tăng trưởng dương trong ngành tăng trưởng âm. Năng suất lao động tăng 14,5%.

Năm 2021, PNJ đặt kế hoạch nâng cấp các thuật toán trong dự báo và điều phối hàng hóa, gia tăng năng lực quản trị mua hàng, gia tăng vai trò của chiến lược hàng hóa để nâng tầm năng lực chuỗi cung ứng. Công ty xác định, chuyển đổi số là một trong những năng lực trọng tâm và là đòn bẩy để tiến hóa doanh nghiệp trong thời đại 4.0 và tạo “khoảng cách” với các doanh nghiệp bán lẻ cùng ngành.

Với thuận lợi ứng dụng công nghệ 4.0 từ năm 2014, sang năm 2021, Bidiphar tiếp tục tiến hành tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình kinh doanh, đầu tư mới vào công nghệ để quản trị doanh nghiệp phù hợp với điều kiện vừa chống dịch nhưng vẫn phát triển doanh nghiệp.

Tốc độ nắm bắt cơ hội cũng là chiến lược mà lãnh đạo Công ty cổ phần Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP) áp dụng. Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch PLP cho biết, Công ty đã đầu tư mạnh trong giai đoạn vừa qua, có nhiều thời điểm máy móc về rồi mà chuyên gia không sang được phải hướng dẫn lắp online.

“Ngay khi chúng tôi lắp đặt các dây chuyền của nhà máy số 1, nhiều tập đoàn Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) đã đặt vấn đề liên kết với Hoàng Gia Pha Lê để đầu tư. Vì thế, nhà máy số 1 chưa xong, chúng tôi đã quyết định đầu tư nhà máy số 2 tại Hải Phòng. Nhà máy số 2 sẽ hoàn thành trong năm nay, đưa tổng công suất lên 25 dây chuyền, trong đó một nửa nhà máy Hải Phòng là ván sàn công nghệ cao. Đây là sự mạo hiểm được tính toán có logic”, ông Phương khẳng định.

Sau khi hoàn thành 25 dây chuyền sản xuất, PLP và các đối tác sẽ lọt vào Top 5 nhà sản xuất gạch SPC lớn nhất thế giới, với công suất 25 triệu m2/năm. Đến nay, 8 dây chuyền của nhà máy số 1 đã chạy gần hết công suất, 4 dây chuyền tiếp theo của nhà máy Đồng Nai mới đây đã hoàn thành lắp đặt và đi vào vận hành. Việc tiêu thụ hàng rất tốt, theo chia sẻ của ông Phương, vì các tập đoàn vật liệu lớn của Mỹ có nhu cầu và quy mô bán hàng rất lớn.

Năm 2021, doanh thu xuất khẩu của Hoàng Gia Pha Lê dự kiến sẽ bùng nổ với kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng là 1.800 tỷ đồng doanh thu, trong đó 90% là xuất khẩu.

“Doanh thu của Hoàng Gia Pha Lê sẽ đạt 230 triệu USD tính riêng hàng xuất vào Mỹ. Bản thân Pha Lê khi đầu tư lớn cũng phải thay đổi nhiều và chúng tôi dự kiến doanh thu của Công ty sẽ đạt quy mô 5.000 tỷ đồng vào năm 2022. Biên lợi nhuận của gạch SPC theo FS là 9 - 11%, nhưng hiện nay với những biến số như giá vốn ngành nhựa lên rất cao, chi phí logistics đang kịch khung, chúng tôi vẫn giữ được 7%”, ông Phương chia sẻ với các cổ đông.

Những mô hình kinh doanh mới, vật liệu mới, cách thức quản trị mới sẽ xuất hiện trong đại dịch và sau đại dịch, nói theo một lãnh đạo doanh nghiệp, là buộc phải tìm ra để doanh nghiệp có được sự tăng trưởng.

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng liên tục chỉ có một đường đi lên mà cũng phải có quãng đường chuẩn bị, chạy rốt-đa, đầu tư để đến ngày hái quả ngọt. Khi lợi nhuận của tổ chức niêm yết tăng mạnh thì mức giá hiện nay, mà nhiều nhà đầu tư cho là quá cao, sẽ lại trở thành hợp lý hoặc thấp để có đà đi lên.

Bởi thế, chiến thuật khôn ngoan của các nhà đầu tư là tìm kiếm các doanh nghiệp có điểm rơi lợi nhuận trong tương lai để xuống tiền mua cổ phiếu đúng thời điểm, khi doanh nghiệp cất cánh.

Nhanh chóng triển khai những chính sách ứng phó phù hợp

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO.

Từ những ngày dịch bệnh mới bùng phát, KIDO đã nhanh chóng triển khai những chính sách ứng phó phù hợp với từng thời điểm, sẵn sàng trong tâm thế phòng dịch và luôn chấp hành tốt quy định 5K. Do có sự chuẩn bị từ trước nên hoạt động sản xuất - kinh doanh của chúng tôi không bị ảnh hưởng lớn. Và khi dịch Covid - 19 tái bùng phát, Tập đoàn KIDO không gặp quá nhiều khó khăn.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của ngành dầu ăn vẫn tăng khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ và ngành kem cũng đang bước vào giai đoạn bán hàng cao điểm trong mùa hè. Tính tới thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng theo kế hoạch đã đặt ra.

Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Tập đoàn KIDO sẽ tiếp tục hợp tác và thực hiện tốt các yêu cầu phòng dịch của Chính phủ; tiến hành chia ca làm việc để quá trình sản xuất - kinh doanh không bị ảnh hưởng, đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên cũng như cung ứng đủ hàng hóa cho người dân cả nước. Bản thân tôi cũng sẽ liên tục cập nhật những tin tức và biến động từ thị trường để điều chỉnh và vạch ra hướng đi đúng đắn và kịp thời cho KIDO.

Tin bài liên quan