Sigve Brekke

Sigve Brekke

Telenor thắng thầu tại Myanmar nhờ có… Sigve Brekke

(ĐTCK) Trong tuần qua, Chính phủ Myanmar đã chính thức công bố kết quả chấm thầu, với 2 tập đoàn viễn thông thắng cuộc. Đó là Ooredoo của Qatar và Telenor ASA của Na Uy.

Nếu Ooredoo thắng thầu là điều có thể dự đoán trước, bởi doanh nghiệp này đến từ Qatar , nước giàu có nhờ dầu mỏ đã chơi bài ngửa: sẵn sàng đầu tư tới 15 tỷ USD, nếu thắng thầu, thì Telenor lại gây bất ngờ, ngạc nhiên ngay cả với giới chuyên môn và phân tích quốc tế.

Telenor đến từ Na Uy, một quốc gia nhỏ ở Bắc Âu (chỉ có khoảng 5 triệu dân) mà đã đánh bại tới 9 ứng cử viên “nặng ký”, gồm Orange (tức France Telecom của Pháp), SingTel (Singapore), Bharti Airtel (Ấn Độ), Axiata (Malaysia), KDDI (Nhật Bản), MTN (Nam Phi), Digicel (Jamaica), Millicom (Luxembourg) và đáng tiếc là cả Viettel của Việt Nam.

Đó là chưa kể, trước thời hạn chót nộp hồ sơ dự thầu ít ngày, 2 tập đoàn viễn thông lớn nhất, nhì thế giới là China Mobile (Trung Quốc) và Vodafone (Anh) cũng đã tự rút lui. Còn nhớ, cách đây 6 tháng, khi Chính phủ Myanmar mới công bố mời thầu, có tới 92 nhà mạng trên khắp thế giói đăng ký dự thầu. Chỉ nhìn qua con số cũng thấy cuộc đua giành giấy phép đầu tư vào viễn thông ở Myanmar nghẹt thở và khốc liệt đến mức nào.

Giờ đây, không ít người đặt ra câu hỏi là tại sao Telenor lại thắng thầu và đâu là bí quyết hay vũ khí bí mật giúp Telenor thành công? Thật không dễ để trả lời một cách rành rẽ và thuyết phục cho câu hỏi này.

Xét riêng về mặt tài chính, Telenor không mạnh hơn so với nhiều đối thủ, nếu không muốn nói còn kém hơn. Chẳng hạn, Tổ hợp gồm Digicel ( Jamaica ) cùng  tỷ phú tài chính George Soros (quốc tịch Mỹ) và Serge Pun, một trong những doanh nhân giàu nhất Myanmar đã tuyên bố sẽ đầu tư tới 6 tỷ bảng Anh (9,1 tỷ USD) nếu thắng thầu.

Xét về sự gần gũi, tương đồng về văn hoá, thì rõ ràng, là một doanh nghiệp châu Âu, Telenor làm sao mà lại được với SingTel, Bharti Airtel, Axiata và cả Viettel, vốn là các doanh nghiệp đến từ các quốc gia láng giềng và trong khu vực.

Xét về mặt hậu thuẫn từ chính phủ, thì Telenor cũng không thể bì được KDDI của Nhật Bản. Nhật Bản là cường quốc đầu tiên xoá nợ cho Myanmar và còn cam kết sẽ tiếp tục cung cấp vốn ODA trong thời gian dài sắp tới. Quan hệ giữa 2 chính phủ Nhật Bản , Myanmar hiện rất tốt đẹp. KDDI lại được Chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn khá mạnh, vậy mà vẫn thua.

Còn nếu tính đến cả chuyện “lobby”, thì Na Uy thuộc khu vực Bắc Âu (cùng với Thuỵ Điển, Phần Lan) có tiếng là minh bạch nhất thế giới, chuyện “đi đêm” rất hiếm, nếu bị phát hiện là một tội rất nặng. Hơn nữa, cả Ooredoo lẫn Telenor đều độc lập tác chiến, không cần liên kết với doanh nghiệp Myanmar .

Nhiều nhà phân tích khẳng định, quá trìng cấp giấy phép viễn thông vừa qua của Myanmar được xem là minh bạch, sòng phẳng, theo chuẩn mực quốc tế.

Theo một số nguồn tin, Telenor thắng thầu ở Myanmar nhờ vào chiến lược đầu tư và marketing hiệu quả, khôn ngoan; hồ sơ dự thầu làm rất cẩn thận, bài bản; song trên hết là nhờ có một nhân vật quan trọng là ông Sigve Brekke, Giám đốc điều hành (CEO) Telenor Asia (Telenor khu vực châu Á). Ông này đã có hơn 10 năm làm việc tại các thị trường ở khu vực châu Á, như Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Pakistan, Malaysia, đặc biệt là Thái Lan (nước láng giềng của Myanmar), nên có nhiều kinh nghiệm và chọn cách đi đúng.

Rất ít người biết rằng, sau khi có bằng thạc sỹ về quản lý công tại Đại học lừng danh Harvard (Mỹ), ông Sigve Brekke đã từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Na Uy từ năm 1993 đến 1996. Sau khi ra khỏi Chính phủ, ông gia nhập Telenor vào năm 1999. Ngay sau đó, ông đã được lãnh đạo Telenor cử sang “chinh chiến” ở thị trường châu Á. Sau khi Telenor đầu tư vào nhà mạng Total Access Communication (DTAC) của Thái Lan, trong các năm 2002 – 2004, ông Sigve Brekke đã từng là đồng CEO DTAC cùng với ông Khun Vichai Bencharongkul, doanh nhân Thái cũng là người sáng lập DTAC.

Sau khi ông Khun Vichai Bencharongkul rời khỏi DTAC vào năm 2004, ông Sigve Brekke còn làm CEO DTAC thêm vài năm nữa. Hiện tại, DTAC là nhà cung cấp dịch vụ điện thoại lớn thứ 2 Thái Lan, chỉ sau Advanced Info Service (AIS), chiếm 37% thị phần của thị trường viễn thông Thái Lan. DTAC là công ty thành viên lớn nhất của Telenor, doanh thu lớn hơn cả của Telenor ở thị trường Na Uy. Doanh thu hàng năm của DTAC khoảng 110 tỷ baht (hơn 3,6 tỷ USD). Một điều nữa cũng rất quan trọng, không thể không nhắc tới, đó là DTAC chính là mạng viễn thông được đa số người Myanmar sống ở Thái Lan ưa chuộng và sử dụng.

Myanmar là mục tiêu chiến lược cuối cùng của chúng tôi ở châu Á, nơi mà phần lớn người dân chưa có cơ hội sở hữu điện thoại di động và dịch vụ viễn thông. Thắng thầu rồi, giờ đây, Telenor lại lo sốt vó mà thực hiện cho tốt”, ông Sigve Brekke phát biểu.