Tháng 3 về, lại là lúc tôi thèm chạm vào con gió đại ngàn, hít hà hương cà phê, thèm được xuyên đêm trên những chuyến xe mà người bạn đồng hành là trăng sơn cước.
Ừ, kể cũng lạ, cơn đói bụng dẫu cồn cào nhưng lại mau qua, còn nỗi nhớ Tây Nguyên thì thao thiết vô cùng.
Mùa này, Tây Nguyên đang thơm ngát hương hoa cà phê. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tôi không nhớ mình đối diện Tây Nguyên bao lần, cũng chẳng thể lý giải vì sao mình thích vùng đất này đến vậy. Có lẽ, nó giống như một người mê ẩm thực, chỉ mong gặp được món ngon, rượu quý.
Bước chân của kẻ theo chủ nghĩa xê dịch khiến tôi thấy mình thực sự hạnh phúc khi được ngắm đại ngàn hùng vĩ, được tận thấy những bản làng, phun sóc Tây Nguyên, được gặp những người dân bộc trực, hiền lành, dễ mến. Kiểu kiểu vậy.
Tây Nguyên khác khá nhiều so với Tây Bắc, một địa danh cũng nhiều sức hút khác. Khác từ vị trí địa lý, thời tiết, khí hậu, cho đến những thứ hiện diện đồng hành.
Nếu Tây Bắc (ảnh) đẹp bởi bóng núi trùng điệp thì Tây Nguyên đẹp bởi đại ngàn lộng gió. Ảnh: Thành Nguyễn.
Nếu Tây Bắc quyến rũ ta bởi những thung lũng mây, bởi những cánh đào nép mình bên hàng rào đá màu nâu sẫm, bởi chợ phiên, thuốc lào và màu xanh, màu đỏ của những cô nàng dân tộc, thì Tây Nguyên lại gọi hồn ta bằng sắc trắng hoa cà phê, sắc vàng Dã Quỳ mê mải, bằng rượu cần, cồng chiêng, bằng những sử thi tráng lệ,…
Góc nhỏ một bản ở Kon Tum. Ảnh: Thành Nguyễn
Tôi nhớ có bận đi làm phim cho ngành lâm nghiệp ở Đắc Nông, cũng đã lâu rồi. Ngồi ở biên giới, cách đất bạn Campuchia chỉ trăm bước chân, nhìn ánh trăng vàng tưới khắp cỏ cây, nhìn rừng già nước bạn trải dài biên giới, mà xót thay cho cánh rừng trọc nước mình.
Đồng bào không có lỗi, vì họ sống với rừng, gắn bó với rừng, nuôi dưỡng một tình yêu tha thiết với rừng, y như cụ Mết trong truyện ngắn Rừng Xà Nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành vậy. Kẻ có tội chính là những tay lâm tặc khét tiếng.
Cuộc sống đồng bào Tây Nguyên đã được cải thiện đáng kể nhờ các chương trình trồng cây, gây rừng (trong ảnh: thu hoạch vỏ cây Bời Lời). Ảnh: Thành Nguyễn.
Bận đó, tôi được các anh kiểm lâm tỉnh dẫn đi ghi hình thực tế và nghe chuyện giữ rừng. Một anh kể: Có lần, bọn tớ đi bắt xe gỗ, người mỏng nên bị bọn lâm tặc nó đánh, nó quây cho phải chạy vào rừng, trèo lên cây để trốn và... “ngủ” luôn trên đó để chờ đồng đội tiếp cứu.
Chuyện thì dài, mà các anh kiểm lâm kể lại thật ngắn, nhưng nó cũng đủ giúp tôi hình dung ra tình huống cam go bữa đó, y như vết sẹo dài trên cánh tay anh.
Kể cũng lạ, dường như đối mặt với hiểm nguy nhiều, người ta cũng chai sạn dần với cả nỗi sợ.
Bản làng của đồng bào Tây Nguyên nép bên những cánh rừng. Ảnh: Thành Nguyễn.
Chẳng như tôi, thư sinh trói gà không chặt, nên khi nghe kể tình hình, tôi cũng thấy lạnh cả sống lưng. Sợ rằng cái mạng nhỏ của mình bị bỏ đi nơi đất khách, lần ấy, sau khi trao đổi nội dung ghi hình với các anh kiểm lâm Đắc Nông, tôi khéo léo và trịnh trọng: "Các anh đi rừng có đội hình, đội ngũ, súng ống thế nào cứ mang hết đi cho em, có vậy ghi hình mới đẹp, mới thật,..."
Kiểm lâm kiểm tra Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Internet.
Y như rằng, hôm sau, có đến gần chục anh em dẫn chúng tôi đi ghi hình, thanh thế lắm, anh nào anh nấy nai nịt gọn gàng, súng ống đầy đủ. Thấy thế tôi tự tin hẳn dù cả buổi quay, dường như lúc nào cũng có hai ba đối tượng đi xe máy “cởi chuồng” ngó nhìn, dò xét. Đây chính là tai mắt của lâm tặc.
Đi rừng, chơi với kiểm lâm lắm cái vui. Đận ấy, chúng tôi ghi hình ở Vườn quốc gia Yok Đôn, rừng già nguyên si, đẹp mê hồn, Thác Bảy nhánh buông xuống như mái tóc dài của cô gái Ê Đê, đẹp ngất ngây không một mỹ từ nào tả xiết.
Rồi bữa đó, chúng được thết toàn rau rừng, cá suối chấm muối,... Rượu là chuối hột rừng, lâu năm sóng sánh, chỉ đợi khách đến là bung tỏa.
Bữa đó, ăn uống, bình phẩm vui ra trò. Tôi mang chuyện ngoài Bắc, mang chuyện của những chuyến đi ra kể. Các anh ấy nói chuyện đồng bào, chuyện địa phương, đãi nhau bằng hết, uống cũng thật nhiều.
Những chú voi Tây Nguyên hiền lành sẽ là kỷ niệm đáng nhớ với nhiều người. Ảnh: Internet.
Chuyến đi đó, tôi còn có thêm một kỷ niệm: hát karaoke kiểu đồng bào.
Gian nhà được chia hai phần rõ rệt, phần ngoài như kiểu phòng khách với cái tivi, cái đầu 6 số và cái loa thùng (tất cả đều là giống cái nhé). Còn chỗ chúng tôi ngồi nhậu là gian nhà trong, cách một bức vách. Vì điều kiện không thể di chuyển màn hình vào phía trong, chúng tôi đã hát karaoke theo kiểu vô tiền khoáng hậu.
Một người đứng ngoài, bắt nhịp, vào nhạc cho cả nhóm. Bên trong ông ổng hát, bên ngoài nhạc cứ rộn ràng. Hát karaoke mà chẳng ai được đọc chữ, chỉ hát theo cảm nhận và chỉ đạo của nhạc trưởng cầm đũa ăn cơm. Lần đó thậm vui.
Tây Nguyên đổi mới (Ảnh: thành phố Buôn Ma Thuột). Ảnh: Internet.
Lần khác, tôi đi viết bài Tết và chuyên đề về cà phê.
Xong việc chính, trong một chiều mưa phùn hiếm hoi của xứ cao nguyên, tôi và anh bạn thân mò về tận Buôn Jun, huyện Lắc chơi. Khoảng chừng 13 năm trước thì lẩu còn là một mốt trong các bữa nhậu. Hôm đó, tại huyện Lắc, tôi lần đầu được ăn lẩu bò theo kiểu Tây Nguyên.
Hồ Lắc giờ là điểm du lịch nổi tiếng của Tây Nguyên. Ảnh: Internet.
Lại vòng vèo một chút, anh bạn thân học cùng, rồi vào công tác tận đài phát thanh – truyền hình huyện, bởi vậy nên anh quen và thân với dân bản. Bữa đó, có khách Hà Nội vào, anh bạn dẫn tôi và mấy chiến hữu nữa kéo nhau đến quán lẩu nơi trung tâm thị trấn. Vừa vào đến quán, tôi đã thấy chị chủ giơ bàn tay đếm người. Đoạn chị báo nhân viên: 6 người nhé!
Lát sau, cô bé phục vụ (dĩ nhiên là người đồng bào) mang ra 7 chai rượu, đựng trong chai bia Sài Gòn màu nâu đất. Và khi chúng tôi yên vị cũng là lúc anh bạn phổ biến “luật chơi” địa phương: Mỗi người một chai, kiểu ôm chai ấy. Còn chai giữa bàn là để giao lưu, hết thì lấy tiếp.
Nét Tây Nguyên. Ảnh: Thành Nguyễn.
Đồng bào chẳng khéo nói, nhưng lại dễ gần, nên bữa đó, ngoài tiêu chuẩn của mình, tôi còn tiêu thụ phần lớn lượng rượu của “chai giao lưu”.
Ngoài nồi lẩu, chị chủ quán chu đáo với khách quen còn khuyến mại thêm cả một rổ xương bò nghi ngút khói. Cả đám tha hồ mà gặm, mà sụp soạp.
Đêm ấy, tôi tưởng như mình đang ở trên thảo nguyên Mông Cổ, uống rượu bằng chén lớn, nói chuyện Đông phạt, Tây chinh cùng Thành Cát Tư Hãn. Bữa ấy, rượu mềm môi.
Sau bữa ấy, lại có cả rổ kỷ niệm.
Tháng ba, mùa con ong đi lấy mật, mùa đẹp nhất của Tây Nguyên. Ảnh: Thành Nguyễn.
Giờ, khi tháng 3 - tháng đẹp nhất của Tây Nguyên về, sự thèm thuồng được thêm một lần đây đó lại như một lời gọi.
Và có lẽ, tôi lại sẽ lên đường!