Ảnh Internet

Ảnh Internet

Taxi công nghệ phải gắn mào, cục diện mới cho thị trường vận tải?

(ĐTCK) Dự thảo Nghị định 86/2014/NĐ-CP sửa đổi gần nhất đã nêu rõ yêu cầu đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng xe là phải có phù hiệu “xe hợp đồng” với cách bố trí và ghi thông tin như taxi. Như vậy, theo quy định này, những taxi công nghệ như Grab, Fast Go, Be… sẽ phải gắn hộp đèn (mào taxi).

Grab sẽ phải “đeo mào”?

Cụ thể, dự thảo Nghị định 86/2014/NĐ-CP sửa đổi lần thứ 7 công bố ngày 3/4/2019 có quy định, với ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (như các ô tô hoạt động Grab hiện nay) sử dụng hợp đồng điện tử phải có bảng điện tử với chữ "xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu là 15 x 20 cm và phải được bật sáng khi xe tham gia giao thông. Khi vận chuyển hành khách, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.

Như thế có nghĩa là xe Grab có thể phải treo hộp đèn như taxi truyền thống. Phải treo hộp đèn là điều bấy lâu nay Grab không mong muốn. Grab luôn muốn mình hoạt động dưới dạng công ty công nghệ, sử dụng dịch vụ kết nối vận tải.

Ông Lim Yen Hock, Giám đốc Công ty TNHH Grab Việt Nam cho rằng, hình thức hoạt động của Grab có một số điểm khác biệt quan trọng về cách thức vận hành, công cụ tính cước và nhận diện xe. Do xe taxi có thể đón khách vẫy trên đường nên cần phải có những tính năng dễ nhận biết như hộp đèn, màu sơn xe và logo đặc trưng.

Trong khi đó, phương tiện sử dụng dịch vụ kết nối vận tải là xe đã được giao kết hợp đồng trước khi hành khách lên xe và hành khách cũng đã được thông báo qua ứng dụng các thông tin về xe, người lái xe và cước vận tải, do đó, không cần thiết phải có hộp đèn và sơn logo. Đối với loại hình xe này, yêu cầu đồng hồ tính tiền (taxi meter) và niêm yết bảng giá cước cũng không cần thiết, vì thông tin về giá đã hiển thị đầy đủ trên ứng dụng gọi xe.

Theo thông tin chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, Grab kiến nghị cần phải có sự phân biệt trong quy định giữa phương tiện taxi được kết nối qua ứng dụng trực tuyến (taxi công nghệ) và phương tiện taxi sử dụng đồng hồ tính tiền (taxi truyền thống).

Theo Grab, cần có quy định cụ thể đối với taxi công nghệ như sau: Thứ nhất, không cần có đồng hồ tính tiền (taxi meter) và niêm yết bảng giá cước. Thứ hai, không cần có sơn logo và hộp đèn taxi gắn cố định trên nóc xe. Thay vào đó, có thể yêu cầu lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió. Các bảng đèn LED này phải được bật khi xe đang kinh doanh và có thể tắt đi khi xe không phục vụ. Thứ ba, không được đón khách vãng lai trên đường, mà không thông qua dịch vụ kết nối vận tải.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho biết, taxi truyền thống hay taxi công nghệ về bản chất vẫn là hoạt động taxi nên cần quản lý theo tiêu chuẩn của một taxi: có đồng hồ meter, có giá cố định, có hộp đèn.

Nếu hãng nào có công nghệ tốt hơn sẽ chiến thắng, điều này không có gì bàn cãi, nhưng tất cả đều đặt chung một môi trường kinh doanh công bằng, không tạo ra sự khác biệt giữa hai loại hình taxi với nhau.

Khi được hỏi về dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần này, Phó tổng giám đốc Vinasun cho rằng, sẽ còn nhiều ý kiến xung quanh dự thảo, nhưng đây là bước tiến lớn trong quản lý hoạt động kinh doanh taxi nói chung. 

Taxi truyền thống khấp khởi mừng

Quy định trên nếu trở thành hiện thực, theo ông Minh, sẽ tạo ra một cục diện mới trên thị trường vận tải và góp phần hạn chế những nhân sự đang sử dụng nền kinh tế chia sẻ để làm thêm (người có ô tô đăng ký chạy Grab khi rảnh), thị trường sẽ trở về đúng nghĩa dành cho tài xế chạy taxi chuyên nghiệp.

Vinasun vừa có giải trình về lợi nhuận sau thuế năm 2018. Cụ thể, năm 2018, Vinasun lãi ròng 89 tỷ đồng, giảm 53,5% so với cùng kỳ năm 2017, tương ứng giảm 102 tỷ đồng so với thực hiện được năm 2017. Lãnh đạo Vinasun giải thích, sở dĩ có sự sụt giảm mạnh như vậy là do doanh thu hoạt động kinh doanh năm 2018 giảm mạnh so với doanh thu hoạt động kinh doanh năm 2017 vì sự cạnh tranh không bình đẳng từ công ty taxi nước ngoài.

Theo Vinasun, hiện Công ty có khoảng 5.800 xe. Năm 2019, Công ty phấn đấu giữ được mức lợi nhuận như đạt được trong năm 2018 là gần 90 tỷ đồng.

Cuộc chiến taxi công nghệ - taxi truyền thống vẫn chưa có hồi kết, nhưng nếu dự thảo Nghị định 86/2014-NĐ lần này được thông qua thì sẽ tạo nên một cục diện mới trong quản lý thị trường taxi, tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng công nghệ với hoạt động vận tải, khi đó thị trường sẽ tiếp tục cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị cần sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86-2014/NĐ-CP. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, quản lý đối với Grab Taxi đã qua giai đoạn thí điểm hơn 3 năm (quá thời hạn cho phép hơn 1 năm) và ngày càng bộc lộ những vấn đề cần giải quyết cấp bách như: sự không công bằng trong cạnh tranh và nghĩa vụ thuế với Nhà nước; không ai quản lý các điều kiện  an toàn giao thông đối với các xe tham gia vào Grab.

Đặc biệt, Grab đang ngày càng “phớt lờ” các quy định của Bộ Giao thông Vận tải tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT như: tùy tiện mở rộng phạm vi thí điểm từ 5 tỉnh, thành phố lên 15 tỉnh, thành phố; thực hiện quyền cơ bản của người kinh doanh vận tải như quyết định giá cước, chính sách khuyến mãi…, chứ không phải chỉ làm dịch vụ kết nối giữa nhà vận tải với hành khách như quy định tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

Tin bài liên quan