Hình ảnh lớp đất dưới bề mặt Mặt Trăng từ dữ liệu do robot Thỏ Ngọc thu thập. Ảnh: CNN.
Tàu Hằng Nga 4 đáp xuống miệng hố Von Karman vào ngày 3/1/2019 và triển khai robot tự hành mang tên Thỏ Ngọc 2.
Mục đích của robot tự hành là khám phá lưu vực Nam Cực - Aitken, miệng hố cổ và lớn nhất ở vùng tối của Mặt Trăng có đường kính 2.499 km. Robot Thỏ Ngọc 2 đã khám phá miệng hố chứa đầy trầm tích đá vụn và bụi dày gần 12 m.
Trang bị radar xuyên đất, robot có thể khám phá Mặt Trăng, sử dụng tín hiệu vô tuyến để thăm dò độ sâu 40 m bên dưới mặt đất, gấp 3 lần so với khả năng thăm dò của dự án trước đó là tàu Hằng Nga 3 đổ bộ nửa sáng của Mặt Trăng năm 2013.
Các quan sát cho thấy cấu tạo địa chất ở hai khu vực hạ cánh hoàn toàn khác biệt, theo Li Chunlai, giáo sư nghiên cứu kiêm phó giám đốc Đài thiên văn quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, người đứng đầu nghiên cứu công bố hôm 26/2 trên tạp chí Science Advances.
Thiết bị radar hé lộ lớp sỏi dăm nhiều kích cỡ khác nhau cùng với vật liệu dạng bột xốp, có thể là kết quả do Mặt Trăng thường xuyên va chạm với thiên thạch ở thuở sơ khai của hệ Mặt Trời. Khi một vật thể đâm vào Mặt Trăng, các mảnh vỡ bắn ra xa.
Theo thời gian, chúng tạo thành lớp đất trên cùng, tiếp đó là lớp sỏi và vật liệu mịn xen kẽ bên dưới. Dữ liệu được thu thập trong hai ngày đầu robot hoạt động trên bề mặt Trăng, giúp tạo ra hình ảnh điện từ đầu tiên của lớp đất gần bề mặt ở nửa tối.
Thông qua miệng hố va chạm, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu nhiều hơn về quá trình hình thành và tiến hóa của Mặt Trăng.
Họ đang cố gắng tìm hiểu thành phần cấu tạo lớp phủ Mặt Trăng. Khi các thiên thể đâm vào Mặt Trăng, lớp vỏ bị nứt và một phần vật liệu ở lớp phủ dâng lên bề mặt.
Robot Thỏ Ngọc 2 sẽ tiếp tục nghiên cứu nửa tối trong thời gian tới. Nhóm chuyên gia của dự án đang xem xét khả năng mang mẫu vật trở về Trái Đất.