Nhiều ngành, lĩnh vực bứt phá
Đánh giá về tình hình KTXH năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, yếu tố bứt phá đã được thể hiện trong một số ngành, lĩnh vực.
Yếu tố bứt phá, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đó là tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Cơ cấu lại nền kinh tế dần đi vào thực chất, đúng hướng. Trong bối cảnh khó khăn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực.
Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân, cơ cấu đầu tư tiếp tục dịch chuyển tích cực. Các đột phá chiến lược được chú trọng và triển khai tích cực. Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh…
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày hôm nay, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 6,8% trong khi tốc độ tăng CPI bình quân cả năm ở mức thấp (2,7-3%).
Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản tốt, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là tổ chức tín dụng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, giữ ổn định, an toàn hệ thống…
Tổng thu ngân sách nhà nước ước vượt 3,3% dự toán, tỷ lệ huy động đạt 23,7% GDP, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 82%. Các nhiệm vụ chi cơ bản được bảo đảm, tổng chi cân đối ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 26,6%, tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 63%.
Bội chi ngân sách nhà nước cả năm bằng khoảng 3,4% GDP (năm 2018 là 3,46%), nợ công giảm còn 57% GDP (năm 2018 là 58,4%), nợ chính phủ khoảng 50% GDP (năm 2018 là 50% GDP), nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 46% GDP (năm 2018 là 46% GDP).
“Sản xuất công nghiệp cả năm ước đạt khá. Phát triển công nghiệp thực chất hơn, chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng tích cực, công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành đầu tàu phát triển của toàn ngành, công nghiệp điện phát triển ổn định, bảo đảm nhu cầu phát triển của KTXH.
Một số ngành công nghiệp, như điện tử, dệt may, da giày... có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh khá tiếp tục đạt giá trị xuất khẩu cao nhờ đó giúp cán cân thanh toán giữ trạng thái tích cực và góp phần ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trước viễn cảnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đặt ra cho năm 2019, cũng như tất cả các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh bày tỏ thái độ rất phấn khởi.
Theo ông Thanh, có được kết quả này là nhờ ngay từ đầu năm, Chính phủ và các bộ, ngành đã đề ra và tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, thể hiện qua Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ.
“Kết quả này có được còn nhờ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, thể hiện những nỗ lực và quyết tâm trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra”, ông Thanh nói thêm.
Năm 2020 phấn đấu tốt hơn năm 2019
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Lê Thị Nga cũng đánh giá rất cao nỗ lực của các bộ ngành trong việc triển khai kế hoạch phát triển KTXH năm 2019.
“Triển khai kế hoạch năm 2019, cuối tháng 12/2018, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến. Tham dự Hội nghị ngoài thành phần như mọi năm còn có sự tham gia của lãnh đạo Quốc hội, các ban của Đảng, lãnh đạo chủ chốt các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, và đặc biệt có sự tham gia của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Sau hội nghị này, ngay ngày 1/1/2019, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm và hàng trăm nhiệm vụ cụ thể để triển khai, đây là cách làm rất khoa học”, bà Nga đánh giá.
“Còn trong chỉ đạo, điều hành hàng ngày, rất nhiều nhiệm vụ, công việc phát sinh không nằm trong kế hoạch, nghị quyết và cũng không thể dự báo được như dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng… Chính phủ, các thành viên Chính phủ không chỉ chỉ đạo sát sao mà còn đi sâu, đi sát thực tế, nhờ đó đã xử lý kịp thời sự việc xảy ra; động viên, khích lệ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khắc phục hạn hán, thiên tai, bão lũ, ổn định cuộc sống, tập trung vào sản xuất - kinh doanh. Đây cũng là những nhân tố góp phần hoàn thành 12/12 chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2019”, bà Nga nói thêm.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Đỗ Bá Tỵ chia sẻ trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, rất nhiều nước xung quanh cũng giảm tốc độ tăng trưởng, thậm chí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc - lần đầu tiên đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm còn Việt Nam vẫn tăng trưởng rất ngoạn mục nên ông cảm thấy rất mừng.
“Bức tranh tổng thể KTXH năm nay của chúng ta rất đẹp, nhưng không được chủ quan, vì vậy cần phải rà soát, đánh giá thật kỹ xem còn những hạn chế, tồn tại gì và đưa ra các kịch bản, cách thức xử lý để năm 2020 - năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2016-2020 phải tốt hơn năm nay như mong muống của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”, ông Tỵ đề xuất.
Điểm lại tốc độ tăng trưởng GDP từng quý: Quý I tăng 6,82%; quý II tăng 6,73%; quý III tăng 7,31% qua đó 9 tháng đầu năm tăng 6,98% - mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Nguyễn Khắc định cho rằng, với đà này, tốc độ tăng trưởng quý IV sẽ cao hơn quý III và cả năm sẽ tăng trên 7% chứ không dừng lại ở con số 6,8% như Chính phủ dự báo.
“Còn 3 tháng nữa tức là vẫn còn 1/4 thời gian để triển khai kế hoạch phát triển KTXH, nếu tập trung giải quyết các vướng mắc phát sinh thì tốc độ tăng trưởng GDP quý IV sẽ cao hơn bình quân 3 quý đầu năm”, ông Định nói.
Điểm mấu chốt để GDP trong quý IV có bước tăng trưởng ngoạn mục, theo ông Định đó là đầu tư công. Trong 9 tháng đầu năm nay mới giải ngân được 45% kế hoạch vốn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm nhất kể từ năm 2016; đặc biệt vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn còn rất nhiều vướng mắc.
“Phải xử lý dứt điểm được bài toán này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao trong năm nay, làm tiền đề quan trọng hoàn thành kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2016-2020”, ông Định phát biểu.
“Chúng ta nói nông nghiệp còn nhiều dư địa phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 2,02% - thấp hơn rất nhiều mức tăng trưởng 3,7% của cùng kỳ năm 2018 do sản xuất nông nghiệp năm nay gặp nhiều thiên tai, bệnh dịch diễn biến phức tạp.
Từ giờ đến cuối năm xem còn chính sách gì hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn như khoanh nợ, xóa nợ, dãn nợ, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân gặp khó khăn khách quan thì làm luôn đi để người dân yên tâm sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế năm 2020”, ông Định đề xuất.