Mảng phi hàng không lỗ nặng vì Covid-19
Thành lập năm 2005, CTCP Tập đoàn Taseco (Taseco Group) là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam tham gia vào lĩnh vực dịch vụ phi hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài, sau đó mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ đến các sân bay khác. Thương hiệu Taseco gắn liền với chuỗi các cửa hàng mang tên Lucky quen thuộc với nhiều khách hàng cả trong nước và quốc tế trước mỗi giờ bay như Lucky Café, Lucky Restaurant, Lucky Souvenir, Lucky Gift Shop, Lucky Fast Food…
Báo cáo của các công ty phân tích thị trường dựa trên số liệu từ công ty con Taseco Air (đơn vị quán xuyến toàn bộ mảng dịch vụ phi hàng không của Taseco Group) cho biết, trong giai đoạn hoàng kim, doanh thu hàng năm mỗi quầy hàng của Taseco Air cao gấp hàng chục chi phí đầu tư (khoảng vài trăm triệu đồng, đạt lợi nhuận gộp bình quân khoảng 60%/năm), các sản phẩm hầu hết được thanh toán bằng tiền mặt với tốc độ quay vòng hàng hóa khá nhanh nên các khoản phải thu, hàng tồn kho chỉ ở mức thấp.
Cụ thể, từ mức 38,6 tỷ đồng doanh thu và hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận năm 2015, tới năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của Taseco Air đã lên tới 1.140,9 tỷ đồng và hơn 212,37 tỷ đồng. Lợi nhuận từ mảng dịch vụ phi hàng không được Taseco Group dùng một phần để đầu tư bất động sản. Năm 2017, Taseco Group thực hiện tái cấu trúc và bất động sản trở thành trụ cột thứ hai với đơn vị phụ trách là Taseco Land.
Động thái thâu tóm hàng loạt dự án lớn nhỏ ở Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình, Phú Quốc… với kỳ vọng đưa Taseco Land lọt vào Top những nhà phát triển bất động sản lớn tại Việt Nam cho thấy tham vọng lớn của Taseco Group trong lĩnh vực bất động sản và cùng với trụ cột dịch vụ phi hàng không đưa tập đoàn này vươn tầm.
Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 bất ngờ ập đến khiến tham vọng của Taseco Group “đứt gánh” giữa chừng, khi mảng dịch vụ phi hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc giãn cách xã hội để ngăn dịch bệnh lây lan. Việc hàng loạt sân bay, khách sạn, điểm kinh doanh, nhà máy sản xuất… phải hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động khiến Taseco Air báo lỗ lớn trong năm 2020 - cũng là lần đầu tiên ghi nhận lỗ trong 15 năm qua.
Cụ thể, năm 2020, Taseco Air ghi nhận doanh thu thuần hơn 359 tỷ đồng, giảm hơn 68% so với thực hiện năm 2019 và ghi nhận lỗ ròng 49 tỷ đồng. Bước sang quý I/2021, Taseco Air tiếp tục chịu lỗ ròng 31,8 tỷ đồng và là quý lỗ thứ 4 liên tục, bất chấp chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh. Năm 2021, Taseco Air đặt mục tiêu doanh thu đạt 317 tỷ đồng, giảm 12% so với thực hiện 2020 và lỗ khoảng 84 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ của năm 2020.
Hồi tháng 5/2021, Taseco Group đã dùng 5 triệu cổ phiếu Taseco Air đang nắm giữ để làm tài sản đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu trị giá 130 tỷ đồng với mục đích bổ sung nguồn vốn hoạt động và theo giới quan sát, khả năng số tiền này được dùng để “bơm” cho Taseco Air khi doanh nghiệp này đang ngày càng chật vật trước ảnh hưởng kéo dài của Covid-19.
Kỳ vọng vào bất động sản
Trong bối cảnh mảng dịch vụ phi hàng không gặp khó, kỳ vọng của Taseco Group được đặt cả vào mảng bất động sản với trọng tâm là Taseco Land. Trước giai đoạn tái cấu trúc và trở thành công ty con độc lập phụ trách toàn bộ mảng bất động sản cho Taseco Group, Taseco Land đã âm thầm mua lại một số khu đất tại dự án Khu đô thị Ngoại giao đoàn (quận Tây Hồ, Hà Nội) và phát triển thành 3 dự án căn hộ là Phú Mỹ Complex, An Bình Complex và Taseco Complex. Hiện cả ba dự án này đều đã bán hết và đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Taseco Land còn mua lại một số lô biệt thự tại Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và Khu đô thị Dệt may Nam Định (TP. Nam Định). Trong danh mục bất động sản tiềm năng của Taseco Land còn có khu đô thị ở Móng Cái và Phú Quốc. Đáng chú ý, CTCP Taseco Invest (công ty con của Taseco Land) cũng mua lại lô đất B3-CC2 rộng 2,36 ha thuộc dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây - Starlake ở phía Tây Hà Nội để xây dựng tòa nhà hỗn hợp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn và văn phòng cho thuê cao 55 tầng.
Taseco Land cũng đã hoàn thành việc nắm quyền chi phối ICON4 vào tháng 10/2020 sau khi Hancorp chính thức thoái vốn tại doanh nghiệp này. Mục tiêu thâu tóm ICON4 được giới phân tích đánh giá không ngoài mục đích hướng tới dự án Nhóm nhà ở Đông Nam trên đường Tố Hữu quy mô gần 9,2 ha tại Nam Trung Yên, một trong những khu đất vàng hiếm hoi còn sót lại ở khu vực gần trung tâm Hà Nội.
Ngoài ra, hồi tháng 11/2020, tham vọng với mảng kinh doanh bất động sản tiếp tục được thể hiện khi liên doanh Taseco Land, Taseco Group và CTCP Đầu tư bất động sản Phú Mỹ (một công ty con khác của Taseco Group) đã trúng đấu giá khu đất rộng 15,6 ha (trong đó đất ở chiếm 7,2 ha) ở TP.Thanh Hóa với tổng chi phí vào khoảng 1.163 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, năm 2020, mặc dù Taseco Land đạt 95 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 99% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra, nhưng một phần lớn đến từ việc kết chuyển hoạt động tài chính, trong khi doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính đạt 433 tỷ đồng, mới hoàn thành 53% kế hoạch năm, chủ yếu ghi nhận từ việc bàn giao cho khách hàng ở một số dự án cũ.
Trên thực tế, các dự án được Taseco Land đặt nhiều kỳ vọng như Khu nhà ở Riverview Lương Sơn (Hòa Bình) hay dự án Đồng Hới (Quảng Bình) đều không đạt tiến độ mong muốn do chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết nên chưa đủ điều kiện mở bán.
Tương tự, một trong những dự án đáng chú ý nhất của Taseco Land là dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư A la Carte Hạ Long tại Quảng Ninh cũng gặp khó. Việc thị trường bất động sản nói chung và thị trường nghĩ dưỡng nói riêng đang khá trầm lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến kế hoạch bán 932 căn hộ tại dự án trở thành thách thức đối với Taseco Land trong nửa cuối năm nay.
Cũng cần lưu ý việc tài sản ngắn hạn của Taseco Land nằm chủ yếu ở các khoản phải thu ngắn hạn (hơn 1.472,3 tỷ đồng) và hàng tồn kho (hơn 459,79 tỷ đồng). Bên cạnh đó, vay và nợ thuê tài chính của Taseco Land cũng tương đối cao với gần 940 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn chiếm hơn 320,4 tỷ đồng. Do đó, nếu việc kinh doanh trong thời gian tới không khả quan sẽ gây áp lực rất lớn lên khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Taseco Land cũng như Taseco Group khi cả mảng dịch vụ phi hàng không cũng đang gặp khó khăn.