Tập trung nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam

0:00 / 0:00
0:00
Tuyến cao tốc xương sống trên trục Bắc - Nam dài hơn 2.000 km kết nối hơn 30 tỉnh, thành phố sẽ là công trình ưu tiên “đột phá” của ngành giao thông - vận tải.

Khát vọng “làm lớn” và tầm nhìn dài hạn

Hai mệnh đề này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng liên tục đề cập trong cuộc làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về định hướng xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực GTVT được tổ chức vào giữa tuần này.

Cuộc họp này được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ động đề xuất với mong muốn chia sẻ, nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của ngành GTVT trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, từ đó cùng với Bộ GTVT kiến tạo một bản kế hoạch phát triển phù hợp và hiệu quả trong giai đoạn tới.

“Để có thể phát triển đột phá trong giai đoạn tới, cần có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược. Đây là cơ sở để chúng ta chọn được con đường đi đúng nhất, ngắn nhất để tăng tốc phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định và cho rằng, ngành GTVT phải có khát vọng “làm lớn”, trong đó, trong 5 năm tới, cần lựa chọn và ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư dứt điểm những dự án hạ tầng, có tính đột phá và sức lan tỏa cao cho cả nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), vì nhiều lý do, trong đó có việc vốn kế hoạch trung hạn chỉ đáp ứng được 24% nhu cầu, nên nhiều công trình hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ GTVT quản lý, dù có nhu cầu, nhưng chưa bố trí được vốn để khởi công, nhiều nhiệm vụ ưu tiên chưa thể cân đối, bố trí đủ vốn để triển khai.

Tính trong cả giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT chỉ hoàn thành, đưa vào khai thác 486 km đường bộ cao tốc, nâng cấp được 600 km quốc lộ, 31 cầu lớn và cầu trung; hoàn thành xây dựng 13 km đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; cải tạo một số tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa cấp bách; một số cầu yếu trên tuyến đường sắt Thống Nhất; vẫn còn tình trạng dàn trải trong bố trí vốn.

So với Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, nhiều mục tiêu quan trọng liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông đã không thể hoàn thành. Trong đó, hệ thống đường bộ cao tốc tính đến cuối năm 2020 chỉ đạt 1.163 km so với yêu cầu 2.000 km; chưa nối thông đường Hồ Chí Minh; chưa nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống tuyến đường sắt Bắc - Nam; Cảng hàng không Nội Bài chưa thành cảng cửa ngõ quốc tế của miền Bắc…

Tập trung nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam ảnh 1

“Ngành GTVT thực sự trăn trở đối với sự chậm trễ trong triển khai các dự án động lực, chưa tạo ra được sự chuyển biến đủ lớn cả về chất và lượng cho bức tranh giao thông cả nước. Kinh nghiệm triển khai thời gian qua cho thấy, việc xây dựng sớm một kế hoạch phát triển 5 năm sát thực, có tính khả thi cao có vai trò đặc biệt quan trọng. Bộ GTVT mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xây dựng kế hoạch; quan tâm phân bổ nguồn lực và tư vấn giúp ngành GTVT khơi thông nguồn lực ngoài ngân sách”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Ưu tiên dự án động lực

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Bộ khi xây dựng kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025 là phải xác định rõ dự án tạo ra “đột phá”, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia; đầu tư có “tầm nhìn” trong mỗi kỳ trung hạn và phải chuẩn bị danh mục cho tầm nhìn dài hạn.

Hiện tuyến cao tốc Bắc - Nam đã có 535 km đường cao tốc, Bộ GTVT đang triển khai 757 km, gồm 11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Nếu Bộ GTVT đầu tư dứt điểm 647 km đường cao tốc Bắc - Nam trong 5 năm tới cùng một số tuyến cao tốc kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn (khoảng 814 km), thì đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.300 km đường cao tốc - cơ bản đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 13 đề ra.    

“Trong 5 năm tới, Bộ GTVT dứt khoát dừng việc mở rộng các tuyến quốc lộ, tập trung nguồn lực cho 2 công trình đột phá là nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cần Thơ, với chiều dài khoảng 1.301 km và hoàn thành giai đoạn I, Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, ông Thể thông tin.

Theo tính toán sơ bộ của lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu cho ngành GTVT giai đoạn 2021 - 2025 vào khoảng 358.000 tỷ đồng, gồm 230.000 tỷ đồng vốn trong nước, 70.000 tỷ đồng vốn nước ngoài và 58.000 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Đánh giá cao sự chủ động của Bộ GTVT trong việc xây dựng Kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cách xây dựng kế hoạch của Bộ GTVT có nhiều đổi mới so với cách làm cổ điển trước đây, thoát khỏi tư duy ăn đong, với những dự án thực sự “ra tấm, ra món”. Ngoài 2 dự án động lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT tiếp tục triển khai các dự án kết nối với trung tâm kinh tế, cảng biển, các khu công nghiệp; hệ thống vận tải pha sông biển; cơ cấu lại các phương thức vận tải…

Ủng hộ quan điểm cân đối nguồn vốn riêng cho các dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bộ GTVT cần ưu tiên hoàn thành sớm trục xương sống cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong 5 năm tới và phải thông luôn đoạn tuyến từ Hữu Nghị Quan đến Cà Mau, chứ không dừng lại ở Cần Thơ. Đây là tuyến đường mà nếu hoàn thành, sẽ giúp cho hơn 60% dân số Việt Nam được hưởng lợi, mang lại động lực kinh tế to lớn. Vì sự phát triển của đất nước không thể chần chừ, trì hoãn thêm.

“Ngành GTVT cần phải đặt quyết tâm chính trị, có giải pháp thực hiện bằng được, kể cả khi việc kêu gọi vốn PPP cho 5 dự án cao tốc Bắc - Nam có thể không thành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ với ngành GTVT cho mục tiêu thông xe toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam ”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công trong 5 năm tới dự báo là rất khó khăn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mục tiêu huy động 58.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách mà Bộ GTVT đặt ra trong 5 năm tới là thấp so với cả năng lực huy động và nhu cầu.

“Bộ GTVT cần tận dụng những cơ chế mới mà Luật PPP cho phép, trong đó mấu chốt là phải tập trung chuẩn bị dự án thật tốt, có cơ chế để nhà đầu tư an tâm đầu tư; các ngân hàng nhìn thấy lợi nhuận. Nếu không làm tốt việc huy động vốn xã hội thì rất khó đạt được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 13”, Bộ trưởng Dũng khuyến nghị.

Tin bài liên quan