Tập đoàn tài chính: Tham vọng và ám ảnh!

Tập đoàn tài chính: Tham vọng và ám ảnh!

(ĐTCK) Nhiều tập đoàn trong và ngoài nước muốn tạo thế chân vạc với bộ ba: ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ.

Tập đoàn tài chính: Tham vọng và ám ảnh! ảnh 1BIC có kế hoạch thành lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ

 

Một khái niệm được công nhận rộng rãi về tập đoàn tài chính đó là bắt buộc phải có hai trụ cột: ngân hàng và bảo hiểm. Trở thành tập đoàn tài chính là kế hoạch của nhiều nhà băng trong nước, nhưng không chỉ dừng lại đó, nhiều tập đoàn tài chính đến từ châu Á cũng muốn làm điều tương tự tại Việt Nam.

Tất nhiên, các ngân hàng trong nước dễ hơn trong việc tiếp cận mục tiêu này với việc rất nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank đã có công ty bảo hiểm thành viên. Còn ở chiều ngược lại, các công ty bảo hiểm nước ngoài muốn tham gia thị trường ngân hàng là chưa dễ, phần nhiều mới chỉ là các chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam . Tuy vậy, vẫn có những chuyển động đầu tư rất đáng chú ý.

Khi nói tới Việt Nam , Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm rằng đây là một thị trường đầu tư trọng điểm của Tập đoàn. Hanwha đang thực hiện những động thái rất rõ ràng khi tìm hiểu và khảo sát về thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Hiện tại, Hanwha hiện diện với thành viên là một công ty bảo hiểm nhân thọ Hanwha Life Insurance tại Việt Nam .

Không chỉ Tập đoàn Hanwha có tham vọng phát triển cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ tại thị trường Việt Nam . Tập đoàn tài chính Cathay cũng đã hoàn thiện dần mô hình tài chính của mình tại thị trường Việt Nam với bộ ba ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ.

Khi mới vào Việt Nam năm 2010, Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay cũng tận dụng hệ thống đại lý của Bảo hiểm nhân thọ Cathay để cung cấp sản phẩm ra thị trường, sau đó mới dần từng bước xây dựng hệ thống đại lý riêng. Đó là cách nhanh nhất để tiếp cận thị trường mà lại không tốn kém quá nhiều chi phí. Được biết, một tập đoàn tài chính khác của Hàn Quốc cũng đang có ý định vào thị trường bảo hiểm Việt Nam bằng con đường tương tự.

Không khác nhiều là Tập đoàn tài chính Fubon, sau sự mở đầu của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Fubon Việt Nam, Tập đoàn này cũng xác định sẽ theo thế chân vạc vững chắc gồm các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ. Việc phát triển kinh doanh của bảo hiểm nhân thọ Fubon theo cách sẽ kết hợp với Chi nhánh Ngân hàng Fubon Taipei tại Việt Nam và các nguồn lực của Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Fubon để cung cấp các dịch vụ tài chính cho thị trường Việt Nam cũng là cách mà các tập đoàn tài chính đang có thế chân vạc thường làm.

Quay lại với thị trường trong nước, có một điều khá ngạc nhiên là thế “hai chân” bảo hiểm - ngân hàng mới chỉ chủ yếu dừng ở khối có gốc Nhà nước. Cụ thể, ngoài 4 ngân hàng quốc doanh và gốc quốc doanh như đã đề cập trên, có thêm một cái tên khác là Tập đoàn Bảo Việt. Còn trong nhóm cổ phần, số lượng khá khiêm tốn khi chỉ thấy SHB hay MB… là có đủ cả hai lĩnh vực này.

Bản thân các định chế tài chính này, lĩnh vực bảo hiểm đều đang vươn tới mục tiêu phủ cả hai lĩnh vực là nhân thọ và phi nhân thọ. Động thái mới đây nhất là Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đã công bố kế hoạch làm việc với một số đối tác tiềm năng để tìm kiếm cơ hội hợp tác thành lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ. Nếu kế hoạch này được hoàn tất trong năm nay thì BIDV không những có đủ thế chân vạc (ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ) trong nước, mà còn vươn ra cả thị trường nước ngoài (tại Lào và Campuchia).

Theo các chuyên gia trong ngành, về lý thuyết đối với những ngân hàng hay tập đoàn tài chính lớn, việc hình hình bộ ba chân vạc như vậy là điều tất yếu, vì các nhà băng hay tập đoàn tài chính này có thể tận dụng và tối ưu hóa các dòng vốn đầu tư giá rẻ, nhất là dòng vốn dài hạn của các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Tuy nhiên, tham vọng là một nhẽ và các bước đi của chiến lược này thành công đến đâu, các ngân hàng hay công ty bảo hiểm có thực sự hái ra tiền hay không thì lại thuộc về câu chuyện khác.

Một câu chuyện đáng để nhớ hơn rất nhiều với các ngân hàng Việt Nam trước đây đó là xu hướng thành lập các công ty cho thuê tài chính trực thuộc. Không phủ nhận vai trò tích cực của các công ty thành viên này với thị trường, nhưng đã có những ngân hàng phải “gánh” hậu quả cho các thành viên có tên cho thuê tài chính với số tiền hàng nghìn tỷ đồng khi mức độ kiểm soát chưa tới tầm!