Ông Hồ Quang Hiếu, Phó tổng giám đốc HSG cho biết, sản lượng của Công ty tăng trưởng 13%, doanh thu tăng 23%, nhưng lợi nhuận không đạt kế hoạch do giá cán thép nóng tăng giảm bất thường. Giá thép cán nóng đã tăng mạnh lên 640 USD/tấn hồi tháng 2/2018, sau đó giảm mạnh, hiện xuống dưới 500 USD/tấn.
Lý do quan trọng khác, các quốc gia là thị trường xuất khẩu của Hoa Sen phá giá mạnh đồng nội tệ nên hàng xuất khẩu của Việt Nam mất tính cạnh tranh, buộc HSG phải giảm giá để xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường trong nước công suất dư thừa, cạnh tranh lớn nên tỷ suất lợi nhuận gộp giảm. Thêm vào đó, chi phí của HSG niên độ vừa qua tăng mạnh chủ yếu do chi phí tài chính tăng và mở thêm chi nhánh.
Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen, vào thời điểm giá nguyên liệu tăng cao, Hoa Sen “định làm một cú lớn” trữ nguyên liệu nhưng không ngờ tháng 3 có quyết định của Tổng thống Mỹ về chiến tranh thương mại khiến giá giảm. “Lợi nhuận của Hoa Sen các năm trước 50% đến từ đầu cơ nguyên liệu và điều đó không thay đổi”, ông Vũ nói.
Với tình hình hiện nay, HSG đã thực hiện chính sách phòng thủ giảm tồn kho về mức thấp nhất. Năm 2019, HSG dự báo giá thép cán nóng xoay quanh mức 460 - 500 USD/tấn. Kế hoạch 2019 HSG đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ hơn 2.000 tấn, tăng 7%; doanh thu thuần đạt 31.500 tỷ đồng giảm 9% do dự kiến giá bán giảm so với năm trước. Lợi nhuận đạt 500 tỷ đồng.
Các lãnh đạo của Hoa Sen đều nhận định kế hoạch này là thận trọng, dù trong quý đầu của niên độ tài chính Hoa Sen chỉ lãi 60 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Chu, Tổng giám đốc HSG cho biết, giá vốn hàng tồn kho của Hoa Sen khoảng 540 USD/tấn và tháng tới, nguyên liệu về tới cảng có giá bằng thấp nhất hiện nay là 470 - 480 USD/tấn. Lợi nhuận sẽ tăng dần trong các quý sau, nhất là khi giá thép cán nóng đã giảm về mức rất thấp khiến các nhà sản xuất sắp hòa vốn.