Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam: Khó tứ bề

Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam: Khó tứ bề

(ĐTCK) Theo kế hoạch, sau khi tái cấu trúc, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (Tập đoàn CNXDVN) sẽ tập trung vào các chuyên ngành: thi công xây lắp, cơ khí xây dựng, sản xuất công nghiệp, kinh doanh nhà và bất động sản.

Tuy nhiên, để tái cấu trúc thành công, hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn mạnh trên lĩnh vực xây dựng, Tập đoàn CNXDVN sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức, mà việc xử lý những “gánh nặng” tài chính tại Tập đoàn Sông Đà cũng như các đơn vị thành viên khác là thách thức lớn nhất.

 

Khó tứ bề

Thị trường BĐS “đóng băng” trong mấy năm qua, khiến mảng kinh doanh BĐS của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho rất lớn. Hiện Tập đoàn Sông Đà đang sa lầy về tài chính với giá trị khối lượng dở dang và công nợ phải thu lên đến hơn 10.000 tỷ đồng. Thêm vào đó là khoản nợ phải gánh từ Công ty Xi măng Hạ Long. Tập đoàn Sông Đà đã phải trả nợ hộ Xi măng Hạ Long 1.211 tỷ đồng. Với tình hình xi măng dư nguồn cung và ế ẩm như hiện nay thì việc kinh doanh có lãi của Xi măng Hạ Long là… không tưởng.

Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam: Khó tứ bề ảnh 1

Tập đoàn Sông Đà, một trong những công ty con của Tập đoàn CNXD Việt Nam đang sa lầy trong hơn 10.000 tỷ đồng giá trị tài sản dở dang và công nộ phai thu

Tình hình ở các đơn vị thành viên cũng chẳng khá hơn là bao, có chăng chỉ là vốn lớn thì nợ lớn và lỗ lớn. Đơn cử như khoản nợ phải trả do thua lỗ từ dự án đầu tư xi măng Đồng Bành (Tổng công ty COMA) có thể lên đến cả ngàn tỷ đồng nếu Xi măng Đồng Bành phá sản. Hiện, dự án Xi măng Đồng Bành có tổng vốn đầu tư 1.505 tỷ đồng đang ngắc ngoải chết dần với khoản lỗ 141 tỷ đồng. Theo tính toán, từ năm 2011 - 2015, Xi măng Đồng Bành thiếu khoảng 600 tỷ đồng trả nợ và bù đắp nguồn tiền mất cân đối. Tương tự, thép Sông Hồng (Tổng công ty Sông Hồng) đã lỗ 140 tỷ đồng. Tổng công ty Lilama có khoản nợ đọng trên 2.000 tỷ đồng, chưa có kỳ hạn thanh toán từ các chủ đầu tư. Tập đoàn CNXDVN đã chính thức công bố con số 21.318 tỷ đồng nợ đọng dở dang tại các công trình, trong đó đọng tại các công trình trọng điểm của PVN và EVN là 5.277 tỷ đồng.

Như vậy, sức mạnh của Tập đoàn CNXDVN nằm ở đâu khi tài chính cạn nguồn? Liệu kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu lên 29.000 tỷ đồng vào năm 2015 có phải là giấc mơ xa vời khi hiện tại chỉ có 13.910 tỷ đồng và tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn đang tối tăm. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của cả Tập đoàn chỉ đạt 10% so với kế hoạch năm (106,3 tỷ đồng/1.100 tỷ đồng). Hiện Tập đoàn có 46 công ty con và hàng trăm công ty “cháu”. “Rất nhiều trong số ‘con cháu’ này đang đứng trước nguy cơ phá sản do làm ăn kém hiệu quả và không chịu đổi mới”, ông Lê Văn Tốn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn thừa nhận.

 

Cần “một khung thành trống”

Tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng vừa qua, Tập đoàn CNXDVN đã kiến nghị Bộ Xây dựng giao cho Tập đoàn làm Tổng thầu xây lắp hạng mục hạ tầng kỹ thuật chung tại Dự án Đại học quốc gia Hà Nội, các gói thầu còn lại của Dự án Tòa nhà Quốc hội và các dự án khác do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Đồng thời, Tập đoàn đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn được tự thực hiện “trọn gói” các dự án do Tập đoàn và các đơn vị thuộc Tập đoàn đầu tư. Được giao làm tổng thầu xây lắp các phần việc do Việt Nam đảm nhận tại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2. Có cơ chế về giá để thoái vốn thành công tại một số DN làm ăn kém hiệu quả, gồm: Phôi thép Sông Đà, Sông Đà 6, Someco, Sông Đà 7, Xi măng Đồng Bành, Thép Sông Hồng, Tôn mạ màu Vifa, Coma 19… Những đề xuất, kiến nghị đó cho thấy, để “sút được bóng vào lưới”, Tập đoàn cần một “khung thành trống”.

Trên thực tế, thế mạnh của Tập đoàn là thi công xây dựng thủy điện đang bị thu hẹp cho dù trên lĩnh vực này Tập đoàn thuộc loại đẳng cấp trong khu vực. Thi công hàng trăm nhà máy thủy điện lớn bé, nhưng Tập đoàn chưa bao giờ gặp “sự cố” ngấm nước như thủy điện Sông Tranh 2 hay trôi bay cả con đập tại thủy điện Cửa Đạt mà Tổng công ty Thủy Lợi 4 thi công. Tuy nhiên, trên lĩnh vực thi công xây dựng công trình dân dụng, thế mạnh không thuộc về các đơn vị của Tập đoàn dù số lượng các đơn vị đông đến “áp đảo”. Nếu như Coteccons hay Hòa Bình là 2 nhà thầu có thể “chọn” chủ đầu tư thì đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn, đó là giấc mơ còn xa. Chính vì thế, Tập đoàn đề nghị Bộ Xây dựng “dành đất” cho mình trên lĩnh vực này là điều dễ hiểu.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt tăng vốn điều lệ của Tập đoàn Sông Đà từ 4.607 tỷ đồng lên 7.205 tỷ đồng. Đại hội cổ đông của Tổng công ty Sông Hồng cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ đồng lên 387,5 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ được coi như một giải pháp giúp cứu nguy dòng tiền sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mới chỉ Tập đoàn Sông Đà thực hiện như một trường hợp thí điểm, việc tái cấu trúc toàn Tập đoàn sẽ còn chờ nhiều quyết định từ Chính phủ.