Sau IBSC, nhiều CTCK cũng muốn làm
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố, Công ty Chứng khoán IB (IBSC) sẽ hợp tác cùng CTCP Vang Thăng Long cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh khoản cho cổ phiếu VTL hiện đang niêm yết trên sàn HNX.
Như vậy, sau gần 2 tháng kể từ khi Quy chế về nhà tạo lập thị trường có hiệu lực, đã có cái bắt tay đầu tiên trong việc thúc đẩy thanh khoản giữa một công ty chứng khoán và một doanh nghiệp niêm yết.
VTL là cổ phiếu gần như không có giao dịch suốt từ đầu năm đến nay trên sàn HNX. Tại sàn niêm yết HNX, đặc biệt là UPCoM, hiện có hàng trăm cổ phiếu nằm trong tình trạng tương tự VTL.
Thương vụ hợp tác giữa IBSC và VTL là tín hiệu tích cực trong giải quyết bài toán thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ, MBS và các công ty chứng khoán lớn khác đã sẵn sàng về mặt phương án cho việc tham gia hoạt động tạo lập thị trường. Vấn đề là cần lựa chọn được tổ chức phát hành, thời điểm thực hiện phù hợp.
Theo ông Hà, có nhiều yếu tố quyết định đến việc tham gia hoạt động tạo lập thị trường của một công ty chứng khoán, ngân hàng giám sát, thành viên lập quỹ như điều kiện thị trường, khả năng tạo ra lợi nhuận với từng thương vụ…
Tuy nhiên, quan trọng nhất là niềm tin giữa nhà tạo lập và doanh nghiệp có cổ phiếu được tạo lập phải chắc, vì làm tạo lập là công ty chứng khoán phải quản trị được hiệu quả của tự doanh.
Còn theo ông Trương Hồ Hải Minh, Giám đốc Phát triển sản phẩm, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chưa tham gia hoạt động tạo lập thị trường cổ phiếu do đang tập trung triển khai nhiều sản phẩm khác.
Khi sản phẩm chứng quyền bảo đảm (Covered Warrant - CW) ra mắt, có thể SSI sẽ tham gia tạo lập thị trường cho sản phẩm này và sắp tới có thể là tạo lập thị trường cho sản phẩm hợp đồng tương lai.
Ông Minh cho rằng, cùng với các nghiệp vụ tư vấn phát hành tăng vốn, IPO, tư vấn niêm yết/đăng ký giao dịch, SSI sẽ đề xuất việc hợp tác thúc đẩy thanh khoản cho các đối tác.
Thúc đẩy thanh khoản, cần sự chủ động của tổ chức phát hành
Theo một số chuyên gia, để có “cái bắt tay” giữa công ty chứng khoán và doanh nghiệp trong việc triển khai tạo lập thị trường, cần sự chủ động của cả hai phía. Doanh nghiệp có nhu cầu thúc đẩy thanh khoản cổ phiếu sẽ tìm đến công ty chứng khoán uy tín hoặc đã có mối quan hệ làm việc trước đó. Ngược lại, công ty chứng khoán cũng sẽ phải đi “mời” doanh nghiệp bằng cách phân tích hiệu quả của hoạt động này cho doanh nghiệp…
Một vấn đề nhiều người đặt ra, liệu nhà tạo lập thị trường có thể giữ giá, thúc đẩy thanh khoản cổ phiếu khi doanh nghiệp thua lỗ, các chỉ số tài chính không tốt?
Theo ông Minh, với mỗi trường hợp, công ty chứng khoán sẽ phải thực hiện các nghiệp vụ phân tích kỹ càng, định giá doanh nghiệp hợp lý, làm sao đưa ra các giải pháp, giá tạo lập tốt nhất để tạo hiệu quả.
Thực tế, thanh khoản của cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó căn bản nhất vẫn là hiệu quả hoạt động của tổ chức phát hành.
Quy chế tạo lập thị trường ra đời được nhìn nhận sẽ tạo cơ hội tăng doanh thu môi giới cho các công ty chứng khoán, nhưng một mặt cũng có ý kiến quan ngại về rủi ro trong hoạt động quản trị của công ty chứng khoán.
Dưới góc nhìn của ông Võ Văn Cường, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Maritime (MSI), rủi ro cho các công ty chứng khoán trong hoạt động tạo lập thị trường là thấp, do họ ký hợp đồng với tổ chức phát hành về việc tạo lập thị trường và rủi ro có thể chuyển qua tổ chức phát hành.
Bên cạnh đó, việc tạo lập mục đích là tăng thanh khoản cho cổ phiếu bằng cách đặt các lệnh đối ứng (tỷ lệ chênh lệch giá là 5% đối với UPCoM và 4% đối với sàn HNX) có số lượng tối thiểu là 1.000 cổ phiếu trên sàn UPCOM và 500 cổ phiếu trên sàn HNX.
Tổng thời gian yết giá cho hoạt động tạo lập thị trường tối thiểu chiếm 50% thời gian phát sinh nghĩa vụ tạo lập thị trường. Như vậy, rủi ro nếu có cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả tự doanh của các công ty chứng khoán.
Các công ty chứng khoán đang phải phân bổ nguồn lực cho các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh hay sắp tới là Covered Warrant. Đây là một trong những lý do khiến hoạt động tạo lập thị trường cho cổ phiếu chưa sôi động trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, đây là nghiệp vụ khó có công ty chứng khoán lớn nào bỏ qua.