Tăng trưởng xanh phải đến từ đầu tư xanh

Tăng trưởng xanh phải đến từ đầu tư xanh

(ĐTCK) Tại Hội nghị và triển lãm về các giải pháp kinh doanh xanh của châu Âu cho Việt Nam (Greeen-Biz 2013) tổ chức 19/9, nhiều ý kiến cảnh báo, những hệ lụy do tăng trưởng nóng đang để lại những hậu quả tai hại cho môi trường, kinh tế - xã hội.

Biến đổi khí hậu sẽ là một trong những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Tăng trưởng xanh phải đến từ đầu tư xanh ảnh 1

Quy mô các nhà máy điện gió hiện chưa tương xứng với tiềm năng

Băn khoăn về một sức cầu quá lớn tạo áp lực lên hành tinh, ông Karl Falkenberg, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường của Ủy ban châu Âu nói: “Một nghịch lý là khi các nước đang phát triển như Việt Nam ngày càng thoát khỏi đói nghèo thì nhu cầu tiêu dùng cao sẽ làm cạn kiệt nhanh chóng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, khiến chi phí cho các nhu cầu trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời, nhu cầu ngày càng tăng cũng sẽ tạo ra một khối lượng chất thải khổng lồ. Đó là một cái vòng luẩn quẩn”.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Thụy Điển, ông Gunnar Oom nhận định, với làn sóng đô thị hóa tại Việt Nam đang rất nhanh, hậu quả do biến đổi khí hậu mang lại sẽ lớn hơn nhiều. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) từng cho biết, nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, khoảng 40.000 km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập mặn xâm thực, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hầu như hoàn toàn. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất lên tới 25% GDP.

Sau hơn 2 thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã chính thức bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình với nhiều mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo quan trọng đã đạt được. Tuy nhiên, vấn đề là sự phát triển này vẫn còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, chứ chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng từ các sản phẩm, dịch vụ...

“Nổi cộm là các vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải, khí thải tại các đô thị, dân cư, khu công nghiệp; vấn đề suy thoái chất lượng môi trường, suy giảm đa dạng sinh học tại nhiều địa phương trong cả nước”, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận.

Cho rằng Việt Nam đã rất quyết tâm trong việc đề ra và triển khai những hành động nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường. Đồng thời, với sự nỗ lực của chính quyền và cộng đồng, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường thời gian qua đã được kiềm chế, nhiều hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học đã được bảo vệ, phục hồi. Tuy nhiên, ông Đồng cũng cho biết, bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững vẫn tiếp tục là một thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, suất tiêu hao nguyên liệu, năng lượng… trên một đơn vị sản phẩm cao, gây ô nhiễm môi trường. Các ngành kinh tế, công nghệ thân thiện với môi trường chậm được phát triển. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lý và tiết kiệm, môi trường sinh thái nhiều khu vực tiếp tục bị ô nhiễm.

Về mục tiêu phát triển năng lượng xanh, đại diện CTCP Tư vấn xây dựng điện 3, ông Lê Văn Thành cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, chủ yếu tập trung ở khu vực duyên hải các tỉnh phía Nam. Tổng diện tích được đánh giá có tiềm năng gió vào loại khá trở lên (có vận tốc trung bình năm tại độ cao lắp tuốc bin từ 6m/s trở lên) là 2.659 km2, chiếm tỷ lệ 0,8% diện tích cả nước, với tổng công suất điện gió ước đạt khoảng 10.637 MW. Những năm gần đây, rải rác đã có một số dự án điện gió được triển khai tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu và đảo Phú Quý, nhưng với quy mô chưa xứng với tiềm năng.

“Trở ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư hiện nay là 2 vấn đề: thứ nhất là thu xếp vốn. Suất đầu tư lớn, nhà đầu tư khó khăn trong việc tìm vốn đối ứng, trong khi lợi nhuận thấp. Do vậy, nhà đầu tư khó tìm nguồn cung cấp tài chính lãi suất ưu đãi; thứ hai, giá điện chưa theo giá thị trường, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng vẫn thấp hơn so với các nước khác trên thế giới”, ông Thành nói.

Ông Romel M. Carlos, đại diện Ban Tài chính cho biến đổi khí hậu và năng lượng bền vững của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nhận định: “Đang rất thiếu hoặc hạn chế về nguồn tài chính và năng lực của các tổ chức tín dụng trong các thỏa thuận phát triển năng lượng bền vững. Đồng thời, còn có những rào cản trong nhận thức về phát triển bền vững của người dân và các cấp điều hành trung gian”.

Trong khi đó, ông Karl Falkenberg nhấn mạnh: “Để người dân có thể thụ hưởng những thành quả thì tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh phải luôn bắt đầu từ đầu tư xanh”.