Tiến sỹ Trần Du Lịch.

Tiến sỹ Trần Du Lịch.

Tăng trưởng tín dụng năm 2010 ở mức 25% là hợp lý

(ĐTCK-online) Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, nguy cơ lạm phát bùng phát trong năm tới là điều không thể chủ quan và chủ trương của Chính phủ lúc này đang tập trung phòng ngừa lạm phát cao quay trở lại. Do đó, mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng được đặt ra trong năm tới ở mức 25% là hợp lý. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lịch về vấn đề này.

Theo ông, việc Chính phủ đưa ra mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2010 ở mức 25% liệu có thấp và phù hợp với tình hình cũng như xu hướng thị trường?

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) trong năm tới là 6,5% thì tăng trưởng tín dụng được đưa ra ở mức 25% là hợp lý. Khác với năm 2009, sang năm 2010 phải tính toán lại hiệu quả tăng trưởng nguồn tín dụng, vì nguy cơ lạm phát cao tái bùng phát rất lớn. Do đó, phải kiểm soát được tăng trưởng ở mức 25%, không thể nào tăng trưởng GDP chỉ có trên 5% mà để tín dụng lên mức gần 38% như năm 2009. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận, lượng tín dụng đang tồn đọng là do vấn đề tồn kho nguyên liệu mà các doanh nghiệp đã tranh thủ chủ trương hỗ trợ lãi suất để dự trữ hàng. Vì vậy, nhiều khả năng nhu cầu tín dụng trong năm tới của các doanh nghiệp sẽ giảm so với hiện nay.

 

Nguy cơ lạm phát cao tái bùng phát đã được cảnh báo. Vậy theo ông, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm tới sẽ như thế nào và liệu có kiểm soát đúng với mục tiêu?

Hiện tại thì không thể tiên liệu được vấn đề này, mà chủ trương của Chính phủ trong lúc này là tập trung phòng ngừa lạm phát cao. Chỉ số CPI tháng 12/2009 tăng 1,38%, trong khi CPI tháng 12 năm trước là âm. Nếu kinh tế thế giới phục hồi trong năm tới thì chỉ số giá trên thế giới sẽ tăng, khi đó Việt Nam lại nhập khẩu thêm lạm phát từ các thị trường nước ngoài. Nguy cơ lạm phát cao trong năm tới có cả yếu tố từ bên trong và bên ngoài. Vì vậy, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa phải dựa trên tín hiệu thị trường.

 

Ông có thể nhận định về diễn biến của lãi suất cơ bản trong thời gian tới?

Trong tình hình hiện nay, lãi suất cơ bản chưa thể thay đổi mà sẽ giữ nguyên ở mức 8%/năm. Nhưng sau đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi biến động của thị trường để điều chỉnh lãi suất cơ bản cho phù hợp. Có thể nói, việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2010 sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2009 (quý I/2009 là thiểu phát nên nới lỏng chính sách tiền tệ dễ dàng hơn). Bởi muốn phục hồi tăng trưởng kinh tế trong điều kiện nguy cơ lạm phát cao là bài toán khó đối với chính sách tiền tệ, vì đây là hai vấn đề mâu thuẫn nhau.

 

Đánh giá của ông như thế nào về tăng trưởng tín dụng trong năm 2009, khi dư nợ tín dụng toàn ngành không chỉ vượt qua mục tiêu kiểm soát, mà còn đạt mức khá cao?

Tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng năm 2009 đạt gần 38% là rất cao. Song chúng ta cũng phải xem xét đến vấn đề là trong năm qua, tận dụng chính sách hỗ trợ lãi suất, kích cầu của Chính phủ, các doanh nghiệp đã tranh thủ mua nguyên liệu. Do đó, khả năng trong năm tới nhu cầu về vốn của doanh nghiệp chưa hẳn cao.