Gần 7 tháng qua, dư nợ tín dụng tăng thấp
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 7,3% so với thời điểm cuối năm 2017 - là mức khá thấp và nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2018 sẽ thấp hơn mức 9% của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, dù tín dụng 7 tháng đầu năm tăng trưởng không cao, song để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 là 17% không phải là vấn đề khó, thậm chí tăng trưởng tín dụng trong năm nay đạt 14% vẫn là điều chấp nhận được trong bối cảnh hiện tại.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 7/2018 ước đạt khoảng 8%, con số này không phải là quá thấp nếu nhìn vào tiến độ cho vay thường sẽ mạnh về những tháng cuối năm, với mức tăng trưởng khoảng 1,7-2%/tháng, thì không khó khăn để đạt được mục tiêu đặt ra đầu năm là 17%. Một báo cáo của Ngân hàng BIDV cho biết, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại 6 tháng đầu năm 2018 không có đột biến, trong đó riêng quý III/2018 đạt khoảng 3-3,5%.
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu tính toán, thông thường, để tăng trưởng kinh tế đạt con số 6,7%, thì tăng trưởng tín dụng cần đạt gấp 2,5 lần, tương đương từ 16,5-17%. Trong trường hợp đạt dưới mức này, nhưng mức độ chất lượng tín dụng tốt, thì vẫn phù hợp. Theo ông Hiếu, mức tăng chậm lại thậm chí còn là hợp lý nếu các ngân hàng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tín dụng, quản lý rủi ro tín dụng.
“Đây là điều quan trọng bởi tăng trưởng tín dụng chậm lại có 2 điểm lợi: Thứ nhất, tạo ra thanh khoản tốt khi huy động cao hơn tín dụng sẽ có thể hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất; thứ hai, các ngân hàng không đổ quá nhiều tiền vào 2 lĩnh vực rủi ro là bất động sản và chứng khoán”, ông Hiếu nói.
Vị lãnh đạo Vụ Tín dụng khẳng định, cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Dù vậy, khi được hỏi về số liệu cụ thể thì vị lãnh đạo này từ chối do phải chờ cập nhật thông tin từ Vụ Dự báo thống kê và thường sẽ chậm hơn so với số liệu tăng trưởng tín dụng chung.
Thực tế, ngay từ đầu năm, NHNN có văn bản số 563 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Đặc biệt, thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản đảm bảo để có biện pháp xử lý thích hợp.
Ngay chính các ngân hàng cũng khá “cóng” với mức độ sẵn sàng vay vốn của các doanh nghiệp bất động sản cũng như chứng khoán, tiêu dùng, nên đã đẩy mức lãi suất cho vay mua, sửa chữa, xây mới nhà cửa cao hơn so với giai đoạn trước thêm 1-2%/năm so với cho vay sản xuất - kinh doanh tùy từng ngân hàng, đồng thời không triển khai gói tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực địa ốc, hoặc khách hàng cá nhân vay mua nhà; nâng phạt lãi suất trả trước hạn, công bố các điều kiện khắt khe hơn với người vay mua nhà…
“Đây là một trong những nguyên nhân khiến một vài ngân hàng lớn phải 'gạn' khắp các mảng mới đạt được định mức kinh doanh 6 tháng đầu năm”, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại cổ phần nói.
Là huyết mạch của nền kinh tế, tín dụng vẫn cần tăng trưởng
Ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, cho dù chất lượng tăng trưởng tín dụng tốt, nhưng mức tăng trưởng chỉ đạt 14% là thấp, không hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế, nguyên do bởi nền kinh tế Việt Nam vẫn đang dựa rất nhiều vào vốn vay ngân hàng. NHNN cho biết, 2 năm trở lại đây, cơ cấu vốn cho nền kinh tế tuy có sự chuyển dịch tích cực, nhưng vốn đáp ứng cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nông dân, vẫn chủ yếu là qua kênh tín dụng.
Cụ thể, tín dụng cho nền kinh tế từ mức 80% trong năm 2016, đã giảm xuống 65-66% trong năm 2017. Trong đó, vốn huy động từ thị trường chứng khoán đã tăng trên 35%. Dù vậy, so với các nước trong khu vực, con số này vẫn cao hơn so với một số nước trong khu vực, với tỷ trọng trung bình dưới 50% như Indonesia (36,5%), Philippines (39,1%)…
Trong khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, độ sâu tài chính của hệ thống tài chính Việt Nam chỉ đạt 181% GDP, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực như Philippines (194%), Thái Lan (339%), Malaysia (372%), Singapore (644%)...
Hơn nữa, cơ cấu tài sản giữa các lĩnh vực trong hệ thống tài chính chưa hợp lý. Các tổ chức tín dụng chiếm tới 96,2% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính, trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chiếm 2,8%, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chiếm 1%. Do vậy, để doanh nghiệp có thể sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng tín dụng vẫn phải được “đẩy cao”, vẫn cần lượng tiền dồi dào vào lưu thông nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Tuy vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, con số 9% tăng trưởng tín dụng trong quý II và III/2018 là bài toán khó đối với NHNN để vừa tăng trưởng, vừa kìm chế lạm phát, trong khi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp chưa thực sự khởi sắc.
“Trong khi sản xuất, kinh doanh phải thẩm định phương án, tình hình tài chính, dòng tiền cho vay sẽ như thế nào…, nghĩa là có nhiều khó khăn, phức tạp và các ngân hàng không quen cho vay tín chấp, nhưng cho vay bất động sản vẫn luôn dễ dàng hơn so với các lĩnh vực khác khi có sẵn tài sản bảo đảm.
Bởi vậy, muốn tăng trưởng thực chất là không hề dễ dàng, bởi còn tùy theo sự hấp thụ của nền kinh tế, dù các doanh nghiệp kinh doanh có nhu cầu tín dụng cao”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng là một chuyện, nhưng có thể đẩy tín dụng hiệu quả lại là một câu chuyện khác. Thanh khoản tốt, nhưng không được kiểm soát sẽ trở nên dư thừa, tạo điều kiện cho lạm phát tăng nhanh. Hiện tại, NHNN đang thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng để điều hòa nền kinh tế một cách hợp lý.
Đó là chưa kể, NHNN cũng gặp không ít khó khăn xuất phát từ những yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại, ủng hộ mậu dịch... gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam.
“NHNN đang đối mặt với nhiều thách thức để cân bằng việc hỗ trợ nền kinh tế phát triển và ổn định tài chính, bởi đây là 2 bài toán ngược nhau”, ông Hiếu nói.