Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc thảo luận kéo dài hơn một tiếng đồng hồ của nhóm chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế khu vực châu Á do Oxford Economics tổ chức mang đến kết luận, GDP Việt Nam sẽ tăng 7,6% trong năm 2021, cao nhất trong toàn khu vực.

Nhóm chuyên gia tham gia thảo luận gồm ông Sian Fenner, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế châu Á của Oxford Economics; ông Kon Yin Tong, Chủ tịch Viện Kế toán công chứng Singapote (ISCA); ông Geoff Howie, Chiến lược gia thị trường của Sở Giao dịch chứng khoán Singapore và ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của KPMG Việt Nam và Campuchia.

Dù đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại trong khu vực Đông Nam Á, nhưng nhóm chuyên gia cho rằng, GDP của khu vực sẽ đạt mức tăng trưởng 4,8% trong năm 2021 sau khi giảm 4,1% trong năm 2020.

Đà tăng trưởng này là do có sự cải thiện trong các hoạt động kinh doanh toàn cầu, kinh tế vĩ mô có điều tiết, hỗ trợ liên tục từ ngân sách chính phủ và lãi suất thấp trong toàn khu vực. Tăng trưởng GDP khu vực được dự báo đạt 6,5% trong năm 2022 khi các nước dần đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng và sự phục hồi sẽ đồng bộ hơn trong các ngành kinh tế.

Tăng trưởng GDP liên tục của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực trong quý II được dự báo sẽ yếu hơn trong quý I do các biện pháp thắt chặt để phòng dịch. Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia, việc nới lỏng các hạn chế trong tháng 6 và tháng 7 ở đa số các nước sẽ thúc đẩy cải thiện kinh tế trong nửa cuối năm nay.

Các đợt phong tỏa mới đây tại Singapore, Việt Nam và Malaysia cho thấy tiêu dùng gia đình giảm trong quý II/2021, tuy nhiên mức giảm không nhiều do các hộ gia đình và các doanh nghiệp đã trang bị số hóa nhằm tăng khả năng làm việc và mua bán từ xa.

Giới chuyên gia nhìn nhận, chính phủ các nước đã sử dụng giải pháp khoanh vùng để dập dịch nhiều hơn là phong tỏa cả nước để giảm việc gián đoạn sản xuất và đây là xu hướng chủ đạo trong quan điểm ứng phó với dịch bệnh.

Đánh giá của nhóm chuyên gia khá tương đồng với dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Trước đó, trong báo cáo kinh tế công bố hôm 8/6, World Bank đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,6% năm 2021. Trong khi đó, tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP Thái Lan đạt 2,2% (giảm 1,8% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2021). Với Philippines, mức tăng trưởng GDP được dự báo là 4,7% và Malaysia là khoảng 6%.

Xét trong mối tương quan nền kinh tế, dân số của Việt Nam với các nước trong khu vực, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nhìn nhận còn nhiều tiềm năng.

Cụ thể, quy mô GDP của Thái Lan hiện đạt trên 500 tỷ USD, dân số 66 triệu người, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán bình quân mỗi phiên đạt 2,5 tỷ USD, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 1.000 tỷ USD.

Trong khi Việt Nam có 100 triệu dân, quy mô GDP đạt xấp xỉ 350 tỷ USD/năm; giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán cũng mới tương đương quy mô GDP và giá trị giao dịch bình quân phiên chỉ tương đương một nửa thị trường Thái Lan.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy các ngành có thế mạnh sản xuất trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng, đẩy nhanh các dự án công nghiệp, năng lượng lớn.

Đề án xây dựng 3.800 km đường cao tốc sẽ được các bộ hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp tới, được coi là một trong ba đột phá chiến lược của nền kinh tế trong thời gian tới.

Tin bài liên quan