6 tháng đầu năm, GRDP của Quảng Ngãi chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018.

6 tháng đầu năm, GRDP của Quảng Ngãi chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Tăng trưởng GRDP của Quảng Ngãi chỉ bằng hơn nửa mục tiêu

Trong 6 tháng đầu năm, GRDP không tính sản phẩm lọc hóa dầu của tỉnh Quảng Ngãi tăng 7,9%, nhưng nếu tính sản phẩm lọc hóa dầu thì chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Theo số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ngãi chỉ đạt 4,4% so với cùng kỳ năm 2018 (kế hoạch năm 2019 tăng 6,5% - 7%). So với 14 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung, thì tăng trưởng GRDP của Quảng Ngãi ở vị trí thấp nhất.

Lý giải điều này, bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, do chịu tác động lớn vào tình hình sản xuất của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, nên khi sản lượng lọc hóa dầu (LHD) trong 6 tháng qua giảm 3,8% (134 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm 2018 đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi.

Ngoài ra, do Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất mới đi vào hoạt động (cuối quý I/2019) và đang trong giai đoạn chạy thử, nên chưa chạy đủ công suất thiết kế. Vì thế, sản lượng thép trong 6 tháng qua chỉ đạt 17,8% kế hoạch năm (kế hoạch năm 2019 sản xuất 1 triệu tấn).

“Mặc dù tăng trưởng GRDP của Quảng Ngãi trong 6 tháng đầu năm thấp nhất so với 14 tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung, nhưng nếu xét về giá trị tuyệt đối của quy mô kinh tế giữa các tỉnh, thì Quảng Ngãi có quy mô GRDP trong 6 tháng đầu năm cao hơn một số tỉnh trong vùng”, bà Ái chia sẻ thêm.

Cụ thể, GRDP (theo giá so sánh 2010) của tỉnh Quảng Ngãi 6 tháng qua đạt 17.449 tỷ đồng, trong khi một số tỉnh quy mô kinh tế thấp hơn Quảng Ngãi như: Ninh Thuận GRDP tăng 7,46% nhưng chỉ đạt 8.011 tỷ đồng; Phú Yên tăng 9,2%, đạt 13.014 tỷ đồng; Quảng Trị tăng 6,76%, đạt 9.780 tỷ đồng; Quảng Bình tăng 6,32%, đạt 12.238 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế tăng 6,87%, đạt 16.491 tỷ đồng.

“Kết quả tăng trưởng GRDP năm 2019 của Quảng Ngãi chịu sự ảnh hưởng lớn bởi kết quả hoạt động sản xuất của NMLD Dung Quất và sản phẩm thép của Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất. Do đó, khi hai nhà máy này hoạt động không đạt sản lượng theo kế hoạch đề ra, thì tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh cũng ảnh hưởng theo.

Cũng theo bà Trần Thị Mỹ Ái, dự kiến đến cuối năm 2019, GRDP của tỉnh ước tăng 6,5% (đạt kế hoạch năm), trong đó dự kiến NMLD Dung Quất đạt sản lượng khoảng 6,98 triệu tấn và Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất đạt 0,7 triệu tấn.

Cụ thể: Đối với NMLD Dung Quất, sản lượng sản phẩm lọc hóa dầu theo công suất thiết kế là 6,5 triệu tấn/năm. Năm 2018, do nguồn cung dầu thô ổn định, nên nhà máy hoạt động vượt công suất với sản lượng đạt 7,01 triệu tấn.

Dự kiến đến cuối năm 2019, sản lượng sản phẩm lọc hóa dầu đạt 6,98 triệu tấn (vượt 5,5% so với kế hoạch năm, kế hoạch: 6,62 triệu tấn). Còn với Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, dây chuyền cán thép công suất 600 nghìn tấn đã đi vào vận hành từ tháng 3/2019 và tháng 10/2019 dây chuyền cán thép công suất 1.400 nghìn tấn đi vào vận hành chạy thử, nên sản lượng sản xuất dự kiến năm 2019 ước đạt 700 nghìn tấn.

Tin bài liên quan