Trong 6 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký 15,77 tỷ USD, giảm 2,6%, vốn thực hiện 9,24 tỷ USD, tăng 6,8%.
Sử dụng GDP bao gồm tích lũy tài sản, tiêu dùng cuối cùng, chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Nhìn tổng quát nền kinh tế nước ta trong nửa đầu năm nay, tốc độ tăng tích lũy tài sản (5,67%) cao hơn tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng (3,56%), cao hơn tốc độ tăng GDP (5,64%); tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (27,6%) thấp hơn nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ (34%).
Tích lũy tài sản
Tích lũy tài sản bao gồm tiền vốn đưa ra đầu tư trong kỳ và số tiền vốn để dành để đầu tư cho kỳ sau. Theo đó, tích lũy tài sản là tiền đề của đầu tư. Vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2021 có một số điểm đáng lưu ý.
Về quy mô, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP chỉ đạt 29,2% - mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua, nên phải thu hút lượng vốn cao hơn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có từ 3 nguồn. Trong đó, nguồn vốn từ Nhà nước tăng khá (7,3%), cao hơn tốc độ tăng chung (7,2%), nên tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước (25,3% so với 25,2%).
Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất, với 56,4% so với 56,3% của cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 15,77 tỷ USD, giảm 2,6%. Vốn thực hiện 9,24 tỷ USD, tăng 6,8%.
Tiêu dùng cuối cùng
Tiêu dùng cuối cùng là nội dung quan trọng của tiêu thụ trong nước, biểu hiện chủ yếu bằng chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế 6 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ, nhưng trong đó, du lịch - lữ hành giảm tới 51,8%, dịch vụ lưu trú - ăn uống giảm 2,7%.
Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ hàng hóa có quy mô lớn nhất (chiếm tới 80,6%) và tăng khá (6,2%), một phần do phương thức mua bán có sự thay đổi khá lớn (như mua bán online).
Xuất nhập khẩu, xuất/nhập siêu
Xuất nhập khẩu, xuất/nhập siêu là một trong những điểm đáng lưu ý về sử dụng GDP trong 6 tháng đầu năm 2021. Lĩnh vực này vừa là đầu ra của nền kinh tế, nên tác động đến tăng trưởng kinh tế; vừa là một nội dung quan trọng của kinh tế vĩ mô.
Xuất nhập khẩu, xuất/nhập siêu được xét theo 2 loại, gồm hàng hóa và dịch vụ.
Xuất khẩu hàng hóa đạt được nhiều kết quả vượt trội, với quy mô đạt 157,63 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu hàng hóa 6 tháng năm nay tăng tới 26,1% - mức tăng hiếm thấy trong nhiều năm. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng rất cao (33,3%). Khu vực kinh tế trong nước nếu nhiều kỳ trước tăng thấp, thậm chí còn giảm, thì nay đã tăng khá (16,8%).
Trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài, Việt Nam chuyển vị thế từ xuất siêu trong 6 tháng đầu năm 2020 sang nhập siêu trong 6 tháng năm nay (xuất siêu 5,86 tỷ USD sang nhập siêu 1,47 tỷ USD). Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 13,54 tỷ USD.
Tuy nhiên, về xuất nhập khẩu hàng hóa cũng có những hạn chế, bất cập. Một số mặt hàng bị giảm, trong đó có những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, dầu thô, xăng dầu. Một số mặt hàng tăng thấp, như dệt may, thủy sản, hóa chất… Khu vực kinh tế trong nước tăng thấp; tỷ trọng của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm và thấp hơn cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa tăng rất cao (36,1%).
Đối với dịch vụ, xuất khẩu đạt quy mô nhỏ (1.767 triệu USD) và giảm sâu (68,5%), trong đó dịch vụ du lịch giảm 98%, dịch vụ vận tải giảm 80,8%, trong khi nhập khẩu có quy mô lớn (9.469 triệu USD), tăng (6,4%). Do vậy, mức nhập siêu lên đến 7.702 triệu USD, trong đó, nhập siêu về dịch vụ vận tải là 4.603 triệu USD, về du lịch là 1.718 triệu USD...
Như vậy, xét dưới góc độ sử dụng, mặc dù tốc độ tăng không còn mang dấu âm như cùng kỳ, nhưng vẫn yếu. Diễn biến này sẽ tác động đến tăng trưởng GDP. Đáng chú ý, nhập siêu cũng là yếu tố tác động tiêu cực đến tăng trưởng xét theo ý nghĩa là giành thị phần đầu ra của tăng trưởng GDP.