Nhu cầu yếu đi ở Trung Quốc khiến Commins, một nhà sản xuất động cơ lớn của Mỹ, dự định cắt giảm đến 1.500 việc làm.

Nhu cầu yếu đi ở Trung Quốc khiến Commins, một nhà sản xuất động cơ lớn của Mỹ, dự định cắt giảm đến 1.500 việc làm.

Tăng trưởng chậm của Trung Quốc làm khó xuất khẩu Mỹ

(ĐTCK) Cummins, nhà sản xuất động cơ lớn của bang Indiana, đầu tháng này, đã hạ mức dự báo doanh thu của Công ty và cho biết sẽ cắt giảm từ 1.000 đến 1.500 việc làm từ giờ đến cuối năm với lý do chính là nhu cầu yếu đi ở Trung Quốc.

Schnitzer Steel Industries, ở Portland, Ore., một trong những nhà sản xuất kim loại tái chế lớn nhất nước Mỹ đang trong quá trình cắt giảm 300 việc làm, tương đương 7% việc làm tại công ty này, cũng với lý do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm.

Hôm thứ Hai, hãng Caterpillar cũng thông báo về việc doanh số bán hàng của Công ty tại Trung Quốc đã lần đầu tiên sụt giảm, đồng thời hạ triển vọng kinh doanh toàn cầu năm 2012 của mình.

Hoạt động cắt giảm việc làm cũng đang diễn ra ở các lĩnh vực khác như khai mỏ và cơ khí lớn với cùng nguyên nhân là nhu cầu của Trung Quốc suy giảm. Hiện tượng trên đang phản ánh một trong những rủi ro của nền kinh tế Mỹ nếu tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục chậm chạp như bây giờ. Tuần trước, chính phủ Trung Quốc đã công bố mức tăng trưởng GDP theo năm trong quý III của nước này chỉ đạt 7,4%, mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua.

Ngay cả khi các ứng viên tổng thống có cố gắng làm tốt hơn đối thủ của mình trong việc giữ lời hứa duy trì xuất khẩu sang Trung Quốc để bảo vệ việc làm trong nước, các chuyên gia cho rằng, các công nhân người Mỹ cũng vẫn bị đe dọa bởi sự cạnh tranh từ chính các đồng nghiệp người Trung Quốc, những người đang sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn để tiếp tục được làm việc.

Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ thoái giảm còn 7,7% trong năm nay, so với mức 9,3% của năm ngoái. Điều này góp thêm vào nỗi lo suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước ở châu Âu đã rơi vào suy thoái và sự phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn “ngoan cố” yếu.

“Xuất khẩu sang Trung Quốc đang chậm lại đã tác động rõ ràng đến lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ”, Dean Maki, kinh tế trưởng của Barclays ở Mỹ nói. Theo phân tích của Maki, chỉ riêng việc xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống đang lấy đi từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng của Hoa Kỳ.

Trong khi thị trường việc làm nói chung đã có sự cải thiện và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm, vẫn có khoảng 38.000 việc làm mất đi ở lĩnh vực sản xuất từ tháng 7, do xuất khẩu giảm.

Phố Wall sẽ nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn về sự sụt giảm về nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc khi những gã khổng lồ phụ thuộc vào xuất khẩu như 3M và DuPont công bố kết quả kinh doanh mới nhất của họ. Trước đó, Alcoa, công ty lớn đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý III, đã giảm nhẹ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu đối với mặt hàng nhôm, do doanh số chậm lại của các sản phẩm bán ra tại Trung Quốc như xe tải, xe lửa và đồ hộp.

“Quan điểm dài hạn của chúng tôi là vẫn tích cực, nhưng đúng là mọi thứ đã chậm lại ở Trung Quốc từ đầu năm đến nay”, Ed Rapp, giám đốc tài chính của Caterpillar nói.

Triển vọng tăng trưởng và việc làm của Mỹ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, một sự cải thiện trong hoạt động kinh tế tại châu Âu hay tại Mỹ, có thể giúp bù đắp cho bất cứ sự yếu đi nào ở Trung Quốc. Và mặc dù Mỹ nhập từ Trung Quốc nhiều hơn nhiều xuất sang nước này (tỷ lệ là 4:1), nhưng tăng trưởng nhanh của Trung Quốc vẫn mang lại lợi ích cho nhiều nhà xuất khẩu lớn của Mỹ, biến Trung Quốc trở thành khách hàng lớn thứ 3 thế giới của Mỹ, sau Canada và Mexico. Năm 2011, Trung Quốc đã nhập khẩu 103,9 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu của nước này.

Nhưng nhu cầu của Trung Quốc đang hạ nhiệt trông thấy. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc của Mỹ tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, giảm so với mức 20% của năm 2011 và 36% của năm 2010. Năm lĩnh vực gồm máy công nghiệp, máy tính và hàng điện tử, hóa chất, phương tiện vận tải, và phế liệu đã đóng góp 62% xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc trong tháng 8.

Khi nhu cầu từ Trung Quốc giảm, nó không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng hàng xuất khẩu của các nước khác mà còn đánh tụt giá cả của các hàng hóa này, khiến kim ngạch giảm mạnh.

 “Sẽ là rất khác nhau khi bạn nhận được 50 đô la thay vì nhận được 100 đô la cho mỗi tấn hàng”, Joe Fusco, Phó chủ tịch của Casella Waste Systems tại Rutland, Vt. Nói. Casella là một công ty sản xuất giấy và Trung Quốc là thị trường lớn của hãng này.