Năm 2013, dù doanh thu giảm, nhưng  PJICO lại trích lập dự phòng được 1.260 tỷ đồng

Năm 2013, dù doanh thu giảm, nhưng PJICO lại trích lập dự phòng được 1.260 tỷ đồng

Tăng trưởng 7%: Có phải là “tai nạn” với khối phi nhân thọ?

(ĐTCK) 7% là mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2013, theo công bố của Cục quản lý & giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Mức tăng trưởng này được không ít người xem là "tai nạn" với khối này. Nhưng thực tế, có phải như vậy?

7%: đáy của tăng trưởng?

Tại Hội nghị ngành bảo hiểm năm 2014 diễn ra cuối tháng 2/2014, mức tăng trưởng 7% kể trên đã được nhiều thành viên thị trường coi là "con số không thể thấp hơn" với khối bảo hiểm phi nhân thọ.

Cũng tại hội nghị này, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) nhận xét, năm 2013, thị trường cũng chứng kiến sự suy giảm của khối bảo hiểm phi nhân thọ khi tăng trưởng doanh thu chỉ đạt 7%, trong khi các năm 2010, 2011, 2012 đều đạt mức tăng trưởng hai con số (24,5%, 17,5%, 10,5%).

Về phía DN, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex cũng cho rằng, mức tăng trưởng 7% đã phản ánh một năm khó khăn nhất của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong lịch sử 20 năm hình thành và phát triển.

Theo tổng hợp của ĐTCK, 5 doanh nghiệp thuộc top đầu thị trường (có đóng góp tới 70%  doanh thu phí bảo hiểm gốc toàn thị trường) đều đạt mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm dưới 10% trong năm 2013. Cụ thể, Bảo Việt đạt doanh thu 5.626 tỷ đồng, tăng 4,5% so với 2012, chiếm thị phần 23,8%; PVI đạt doanh thu 5.098 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4%, chiếm 21,6% thị phần; Bảo Minh chỉ tăng trưởng 0,6%, đạt doanh thu 2.308 tỷ đồng, chiếm 9,8% thị phần. PJICO, doanh nghiệp đang chiếm 8,4% thị phần cũng chỉ đạt mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm 0,6% so với năm 2012, với doanh thu 1.977,3 tỷ đồng. Còn PTI, theo báo cáo của Công ty, tăng trưởng doanh thu năm qua đạt 8% (1.463 tỷ đồng).

Trong khi đó, các DN đứng vị trí từ 6 - 10 về thị phần lại chưa có đột phá nhiều về doanh thu. Nhiều DN thuộc tốp sau thậm chí còn sụt giảm mạnh về doanh thu phí bảo hiểm gốc so với năm trước. Chẳng hạn, BSH giảm tới 31% (đạt 216 tỷ đồng); Xuân Thành giảm 17% (đạt 184 tỷ đồng); QBE giảm 12% (92 tỷ đồng). Một số DN khác giảm nhẹ như VNI (giảm 1,7%, đạt 440 tỷ đồng) và GIC (giảm 1%, đạt 487 tỷ đồng).

Tại ĐHCĐ thường niên năm nay tại nhiều DN trong khối, con số tăng trưởng 7% toàn thị trường cũng được ban điều hành đưa ra để giải thích cho việc không về đích chỉ tiêu kinh doanh, nhất là chỉ tiêu doanh thu.

Chưa hẳn là tai nạn

Nguyên nhân của con số tăng trưởng 2013 sụt giảm mạnh so với nhiều năm trước đã được nhiều thành viên thị trường chỉ ra là do ảnh hưởng của môi trường kinh tế. Nhưng liệu đây có phải là "tai nạn" của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và con số tăng trưởng 7% có phản ánh đúng hiệu quả kinh doanh của các DN trong khối này?

Năm qua, dù tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm toàn khối chỉ đạt 7%, nhưng tăng trưởng tổng lợi nhuận trước thuế cũng như lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đều đạt hai con số, lần lượt đạt 13% (đạt gần 1.679 tỷ đồng) và 12,5% (đạt hơn 1.010 tỷ đồng). Đáng chú ý là tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn điều lệ được cải thiện, đạt 10,4% (trong khi năm 2012 là 9,5%).

Tại ĐHCĐ năm 2014 mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã "gửi lời cảm ơn Bộ Tài chính đã chỉ đạo, ép sát các DN về chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm, vì nhờ vậy mà 2013 là năm đầu tiên PTI có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm".

Sau một thời gian tăng trưởng nóng, với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc lên tới 30% trong các năm trước đây, lãnh đạo PTI thừa nhận, với mức tăng trưởng như hiện tại, DN này đang đi đúng đường.

Còn tại PJICO, năm 2013, dù doanh thu có giảm, nhưng Công ty lại trích lập bổ sung dự phòng nghiệp vụ nhiều nhất, đạt số dư 3 quỹ dự phòng nghiệp vụ là 1.260 tỷ đồng, tăng 576 tỷ đồng so với năm 2009, với mức tăng trưởng bình quân năm là gần 17%. Việc quỹ dự phòng nghiệp vụ và nguồn vốn chủ sở hữu tăng trưởng giúp PJICO tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

MIC cũng trích lập bổ sung 90 tỷ đồng cho quỹ dự phòng nghiệp vụ trong năm 2013.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2014 với chủ đề "Chọn lối đi riêng", xuất bản ngày 30/5/2014 bởi Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư.

Trong thời gian tới, tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải các bài viết trong Đặc san. Bạn đọc có thể vui lòng theo dõi các bài viết tại đây.

Tin bài liên quan