Agribank được lên lịch IPO vào năm 2019.

Agribank được lên lịch IPO vào năm 2019.

Tăng tốc thoái vốn nhà nước tại ngân hàng quốc doanh

Chính phủ đang chủ trương cổ phần hóa các ngân hàng thương mại cổ phần và khuyến khích M&A các ngân hàng, tổ chức tín dụng có quy mô nhỏ.

Giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao các ngân hàng đã mua lại, hoặc kiểm soát đặc biệt (OceanBank, VNCB, GPBank), theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua 100% cổ phần của các ngân hàng này.  

Đáng chú ý, Chính phủ sẽ cổ phần hóa và thoái vốn ở các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, với Ngân hàng Agribank sẽ IPO vào năm 2019; BIDV và Vietcombank sẽ được bán bớt vốn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua phát hành. Theo Phó thủ tướng, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản  hoàn thành chương trình thoái vốn nói trên.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cũng cho biết, Ngân hàng đang dự kiến bán hơn 350 triệu cổ phiếu, hoặc 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong nửa cuối năm 2018, sau khi được Chính phủ “bật đèn xanh”.

Ông Thành tiết lộ, cho tới nay, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore là một trong những khách hàng tiềm năng. Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của VCB với 15% cổ phần, sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu tại VCB. 

Theo quy định hiện hành, trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng là 30% và VCB là một trong số ít các ngân hàng còn room 9,12% dành cho nhà đầu tư ngoại. Năm 2016, VCB từng có kế hoạch hoàn thành chuyển nhượng 7,7% cổ phần cho GIC, nhưng khi đó hai bên không đạt đồng thuận về mức giá.

Lãnh đạo Ngân hàng BIDV cho rằng, đã có hơn 20 quỹ đầu tư và định chế tài chính đặc biệt quan tâm đến việc mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược của BIDV.

Ngân hàng đang trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phương án tăng vốn điều lệ và nếu được chấp thuận, Ngân hàng sẽ cùng nhà đầu tư xem xét mức giá và kết thúc hợp đồng.

Niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế 

Sau khi giảm sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh sẽ niêm yết cổ phiêu Ngân hàng VCB, BIDV và VietinBank ở nước ngoài. 

Việt Nam đặt mục tiêu có 3 đến 5 ngân hàng niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài. Ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 986/QĐ - TTg phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam, trong đó nêu cụ thể hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại  Vietcombank, BIDV và VietinBank. 

Trong chiến lược trên, giai đoạn 2018 - 2020, đối với các NHTM nhà nước (ngoại trừ Agribank), Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn thực hiện chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các NHTM nhà nước.

Ba ngân hàng trên sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện tiền đề, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên TTCK nước ngoài. 

Đến giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ xác định, các NHTM nhà nước nói trên tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế. 

Giám đốc điều hành của một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, với chủ trương trên của Chính phủ, đây sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam.

Theo ông, việc đưa cổ phiếu ngân hàng niêm yết ở sàn chứng khoán nước ngoài nhằm giúp các ngân hàng vươn lên tầm khu vực, tuy nhiên, Chính phủ cần nới thêm room (hạn mức cho phép đầu tư trong ngân hàng) cho các nhà đầu tư nước ngoài so với 30% hiện nay. 

Việc nới room của ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chủ trương của Chính phủ, nhưng theo quan điểm của TS. Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Giám đốc Khối nghiên cứu Tập đoàn Dragon Capital, cho dù room có được nới tới mức 49% cho nhà đầu tư nước ngoài, thì ngành ngân hàng vẫn phải chịu sự kiểm soát của Chính phủ và NHNN Việt Nam.

Tin bài liên quan