Ký kết vào ngày 15/11/2020, RCEP được kỳ vọng sớm đi vào thực hiện và cải thiện tiếp cận thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam

Ký kết vào ngày 15/11/2020, RCEP được kỳ vọng sớm đi vào thực hiện và cải thiện tiếp cận thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam

Tăng tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là thành quả nổi bật của Việt Nam trong quá trình tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sáng ngày 20/01, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá năm 2020, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn và hệ lụy tiêu cực do đại dịch COVID-19. Trong đó, những cụm từ như “gián đoạn” hay “đứt gãy” chuỗi cung cứng được nhắc tới thường xuyên.

Thực tế, đã có những thời điểm gây ra nhiều quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đặt trong bối cảnh ấy, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định xuất khẩu vẫn là một cấu phần quan trọng trong “cỗ xe tam mã” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với hoạt động thương mại của Việt Nam, RCEP có thể tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu. Ngay cả với nhập khẩu, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng chất lượng hàng nhập khẩu cho tiêu dùng. Cùng với việc gia tăng thương mại trung gian, doanh nghiệp Việt Nam cũng tạo cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực.

Cụ thể, đơn cử, cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư như nhiều hiệp định khác, nhưng RCEP tạo ra khuôn khổ tốt hơn để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại và là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Các yếu tố ưu việt đến từ RCEP sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. “Đặc biệt, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp… có thêm cơ hội ra thị trường” bà Minh chia sẻ.

Hội thảo công bố báo cáo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”

Hội thảo công bố báo cáo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”

Ghi nhận thực tế cho thấy, xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2019 duy trì xu hướng mở rộng cả về quy mô, thị trường đối tác và loại mặt hàng. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2015, cùng với sự phục hồi kinh tế trong nước và thế giới sau khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, xuất nhập khẩu tăng trưởng tương đối nhanh. Xuất khẩu tăng từ 72,2 tỷ USD năm 2010 lên 162 tỷ USD năm 2015 với tốc độ trung bình 19,3%/năm. Nhập khẩu tăng trưởng chậm hơn, trung bình tăng 15,6%

Trong giai đoạn 2018 - 2020, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn thể hiện được sức chống chịu cao. Cần lưu ý, đây là giai đoạn nền kinh tế hứng chịu những tác động bất lợi của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (từ giữa năm 2018), tác động của đại dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó với đại dịch này ở nhiều thị trường.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu trong các năm 2018 - 2019, và ngay trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương (5%) so với cùng kỳ năm 2019, trong khi tốc độ nhập khẩu tương ứng đạt 0,3%.

Bên cạnh đó, theo bà Minh, đối với đầu tư nước ngoài, RCEP cũng có cơ hội và thách thức đan xen nhau, trong đó có 4 thách thức lớn, bao gồm:

Thứ nhất là nhìn nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP là một thách thức lớn, thậm chí trở nên phức tạp hơn;

Thứ hai là sàng lọc chất lượng của dự án FDI là chủ trương đúng, nhưng thực hiện không dễ sau khi RCEP đi vào thực thi;

Thứ ba là kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài từ RCEP và hệ lụy đối với kinh tế vĩ mô vẫn là một vấn đề phức tạp;

Thứ tư là khó khăn trong cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng chính sách của Việt Nam. Những thách thức này ít nhiều đều ảnh hưởng đến mức độ tự chủ chủ nền kinh tế Việt Nam.

Ký kết vào ngày 15/11/2020, RCEP được kỳ vọng sớm đi vào thực hiện và cải thiện tiếp cận thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Dù vậy, thực tiễn nhập siêu của Việt Nam với khu vực RCEP trong những năm qua và hệ lụy từ gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 năm 2020 cũng khiến một số chuyên gia Việt Nam quan ngại về lợi ích mà Việt Nam có thể thu được từ RCEP, đặc biệt là ở một khía cạnh mới hơn là mức độ tự chủ của nền kinh tế.

Để tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp CIEM, yếu tố cải cách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó, hài hòa hóa quá trình cải cách thể chế khi thực hiện các FTA như CPTPP và EVFTA đóng vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, do CPTPP và EVFTA có tiêu chuẩn cao hơn và đã đi vào thực hiện, quá trình cải cách ở các lĩnh vực liên quan cần hướng tới các tiêu chuẩn trong Hiệp định này một cách nghiêm túc, thay vì “chờ đợi” đến khi có RCEP.

Bên cạnh đó, việc tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP cũng đòi hỏi nỗ lực cùng phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Ở một chừng mực quan trọng, Việt Nam và các nước ASEAN có vai trò trung tâm trong việc hình thành ý tưởng và quá trình đàm phán Hiệp định này, phần thực thi cũng phải giữ được vai trò trung tâm.

Vì vậy, các nước ASEAN phải gia tăng hợp tác hiệu quả, thay vì cạnh tranh với nhau theo hướng “đua xuống đáy”. Các lĩnh vực cần lưu tâm chính là những lĩnh vực cải cách liên quan đến thương mại và đầu tư (như môi trường đầu tư, kết nối trong chuỗi giá trị…) và những nội dung khác cần tiếp tục thỏa thuận và hoàn thiện sau khi RCEP đi vào thực thi. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để các nước đối tác tôn trọng và cùng phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Tin bài liên quan