TPHCM ở vị trí thứ 20 trong bảng xếp hạng PCI năm 2011. Trong ảnh: Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. HCM

TPHCM ở vị trí thứ 20 trong bảng xếp hạng PCI năm 2011. Trong ảnh: Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. HCM

Tăng tiền “lại quả”!

Tình trạng lót tay cán bộ hành chính địa phương đã được cải thiện nhưng tiền hoa hồng “lại quả” khi ký kết các hợp đồng mua sắm công hoặc thỏa thuận về đất đai lại tăng lên.

Kết quả nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 23-2 cho thấy có đến hơn một nửa chỉ số thành phần cấu thành năng lực cạnh tranh được cải thiện nhưng doanh nghiệp vẫn kêu ca thiếu minh bạch và tỏ ra ít lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 2 năm tới.

 

Tham nhũng bé giảm, tham nhũng lớn tăng

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI, nhận định tình trạng không thay đổi về tính minh bạch của môi trường kinh doanh cấp tỉnh là một vấn đề đáng thất vọng trong PCI nhiều năm nay. Năm 2008, 50% doanh nghiệp cho rằng cần phải có mối quan hệ cá nhân mới tiếp cận được tài liệu pháp luật cần thiết phục vụ hoạt động đầu tư nhưng đến năm 2011, con số này đã tăng lên 75%.

 

Đặc biệt, dù doanh nghiệp ghi nhận tình trạng tiền lót tay cán bộ cơ quan hành chính địa phương đã được cải thiện nhưng tiền hoa hồng “lại quả” khi ký kết các hợp đồng mua sắm công hoặc thỏa thuận về đất đai lại tăng lên. Năm 2008, chỉ 41% doanh nghiệp có hoạt động đấu thầu dự án Nhà nước cho biết việc chi hoa hồng là phổ biến thì năm 2011 đã tăng lên 56%. “Như vậy, tham nhũng bé đã giảm đi nhưng tham nhũng lớn tăng lên” - ông Đậu Anh Tuấn nhận xét.

 

Ông Jim Winker, Giám đốc dự án USAID/VNCI, cho biết chi phí không chính thức trong thủ tục thông quan đã giảm nhưng bù lại, thời gian thông quan hàng hóa lại kéo dài hơn. Một doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát nhanh toàn cầu cam kết chuyển hàng đến tay khách hàng trong vòng 48 giờ nhưng khi vào Việt Nam, riêng thời gian chờ thông quan ở sân bay đã mất 48 giờ. “Phải chăng không có lót tay thì doanh nghiệp phải “trả” nhiều thời gian hơn?” - ông Jim Winker nhận xét.

 

Kém lạc quan

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc, cho biết điểm nổi bật của PCI 2011 là cả khu vực doanh nghiệp trong nước và FDI đều kém lạc quan về triển vọng kinh doanh 2 năm tới, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, doanh nghiệp đánh giá về chất lượng điều hành của các địa phương có cải thiện. Cụ thể là gia nhập thị trường trong năm vừa qua có bước thay đổi ấn tượng, chi phí thời gian, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và đất đai có những cải thiện đáng kể.

 

Nhưng sau 7 năm liên tục khảo sát, tổng hợp và công bố chỉ số PCI, VCCI cho rằng đang có sự chững lại trong cải cách của những địa phương từng ở nhóm dẫn đầu và có sự bứt phá ngoạn mục của các tỉnh thuộc tốp dưới. Đây là một thách thức lớn vì những lĩnh vực dễ cải cách đã hết dư địa, cộng đồng doanh nghiệp đang đòi hỏi phải có những cải cách sâu hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển của họ trong giai đoạn mới.

Tiêu chí tính năng động của lãnh đạo tỉnh cũng có sự sụt giảm lớn. Năm 2006, có 75% doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo tỉnh rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân nhưng năm nay con số đó chỉ còn 65%.

 

Đổi ngôi

 

Kể từ khi chỉ số PCI được thực hiện vào năm 2005, đây là lần đầu tiên cả hai tỉnh luôn ở tốp đầu là Bình Dương và Đà Nẵng đều không còn nằm ở vị trí cao nhất. Đà Nẵng tụt hạng xuống thứ 5, Bình Dương đứng thứ 10. Thay vào đó, vị trí số 1 và số 2 dành cho Lào Cai và Bắc Ninh.

 

Những tỉnh rớt hạng gây sốc là Vĩnh Long rớt 45 bậc, Trà Vinh rớt 38 bậc, Hậu Giang rớt 35 bậc. Tuy nhiên, các tỉnh này vẫn thuộc nhóm “trung bình”, chưa đến mức bị đẩy xuống nhóm “tương đối thấp”. Đứng cuối bảng xếp hạng PCI năm 2011 là Cao Bằng.

 

Hà Nội và TPHCM đều thăng hạng. TP. HCM ở vị trí thứ 20, tăng 3 bậc và Hà Nội ở vị trí 36, tăng 7 bậc so với năm 2010.