Các DN khai khoáng phục vụ xuất khẩu sẽ chịu tác động mạnh hơn từ tăng thuế tài nguyên

Các DN khai khoáng phục vụ xuất khẩu sẽ chịu tác động mạnh hơn từ tăng thuế tài nguyên

Tăng thuế tài nguyên sẽ tác động mạnh đến doanh nghiệp khoáng sản

(ĐTCK) Theo Dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết 712 do Bộ Tài chính soạn thảo, hầu hết mức thuế suất các loại khoáng sản đều được điều chỉnh tăng từ 2 - 12%. 

Phản ánh từ DN trong ngành cho thấy, việc tăng thuế tài nguyên sẽ tác động mạnh đến lợi nhuận của các DN.

Lãnh đạo CTCP Khoáng sản Hà Giang nêu quan điểm, xét trên bình diện quốc gia, việc đánh thuế tài nguyên là hợp lý vì đây là những nguồn lực không thể tái tạo. Vấn đề là phải đưa ra được một mức thuế hợp lý. Nếu thuế quá thấp thì Nhà nước thất thu và lãng phí tài nguyên, nhưng thuế quá cao thì DN không còn động lực sản xuất hoặc sẽ tính toán, lựa chọn chỉ khai thác những quặng khoáng sản có hàm lượng cao để thu hiệu quả cao mà bỏ đi những loại có hàm lượng thấp.

Ở góc độ nào đó, việc đánh thuế tài nguyên cao có thể gây tác động ngược, làm lãng phí tài nguyên. Việc sử dụng công cụ thuế trong lĩnh vực khoáng sản cũng nên có cái nhìn tổng thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sâu. Chẳng hạn, nếu đánh thuế tài nguyên cao thì đối với thuế xuất khẩu, cần giảm bớt cho các sản phẩm xuất khẩu được chế biến sâu.

Đối với việc đầu tư để nâng cao khả năng sử dụng tài nguyên thì Chính phủ cũng cần có chính sách thuế để khuyến khích hỗ trợ (đặc biệt đối với những dự án đầu tư nhằm tận dụng, tận thu những phế loại trong quá trình sản xuất).

Cũng theo lãnh đạo Khoáng sản Hà Giang, điều quan trọng nhất là chính sách thuế cần có tính ổn định, có thể tiên đoán được để doanh nghiệp có thể xây dựng dự án và xác định được hiệu quả đầu tư phù hợp. Doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, phải đóng cửa thì Nhà nước cũng không thu được thuế và nền kinh tế còn gánh chịu nhiều hệ lụy khác.

Vì vậy, các quy định về thuế, về tổng quan cần phải có một khung hợp lý, để từ đó có thể điều chỉnh linh hoạt theo từng thời kì, từng bối cảnh cụ thể. Ví dụ, giai đoạn nền kinh tế suy thoái, doanh nghiệp khó khăn, mức thuế phải điều chỉnh khác so với giai đoạn hưng thịnh. Đối với tài nguyên để sản xuất ra sản phẩm bị ấn định bởi giá thế giới thì mức thuế phải khác so với trường hợp có thể điều chỉnh được giá. Linh hoạt để hợp lý, trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên là điều quan trọng nhất.

Về tác động cụ thể đến các DN trong ngành, việc tăng thuế tài nguyên sẽ làm tăng giá thành sản suất, tác động tới lợi nhuận của các công ty khoáng sản. Tuy nhiên, tác động tới các công ty sẽ không giống nhau. Đối với những công ty có giá cả đầu ra co giãn, họ sẽ buộc phải tăng giá đầu ra để giảm thiểu tối đa sự sụt giảm lợi nhuận. Nhưng đối những công ty mà sản phẩm đầu ra không có độ co giãn về giá, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Đơn cử, với CTCP Khoáng sản Hà Giang, do sản phẩm của Công ty phục vụ xuất khẩu, vốn bị ấn định bởi giá thế giới, nên sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các công ty cùng ngành. Thị trường kim loại thế giới nói chung và thị trường antimony kim loại bị sụt giảm đáng kể. Chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây, giá antimony kim loại đã giảm từ 8.900 USD/tấn xuống còn 6.300 USD/tấn. Điều này khiến lợi nhuận của Công ty sụt giảm đáng kể.   

Tin bài liên quan