Tăng lương cơ bản cho lao động: Lo tác động ngược

Tăng lương cơ bản cho lao động: Lo tác động ngược

Lương cơ bản sẽ được tăng từ 1/10/2011, tuy nhiên, nhiều DN lo ngại, đợt tăng lương “chính ngạch” này sẽ ít có tác động tích cực đối với người lao động, thậm chí gây nên tác động “ngược”.

Từ 1-10-2011 lương tối thiểu của người lao động được điều chỉnh tăng. Theo đó, đối với vùng 1, gồm các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...tối thiểu là 1,9 triệu đồng/người/tháng; Vùng 2: 1,73 triệu đồng: Vùng 3: 1,55 triệu đồng; Vùng 4: 1,4 triệu đồng/người/tháng. BR-VT thuộc vùng IV. Như vậy, mức lương tối thiểu mà các DN ở tỉnh sẽ phải áp dụng theo qui định từ 1/10/2011 là 1,4 triệu đồng (hiện nay đang là 830.000 đồng/người/tháng).

 

Mức lương mới “lạc hậu”

 

Các DN ở tỉnh BR-VT cho biết, lâu nay mức lương tối thiểu chỉ được DN dùng để ghi trên hợp đồng lao động và làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, còn mức lương thực tế ở khu vực này đã “đi trước” chính sách khá lâu.

 

Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Cty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh (Baseafood) cho biết: “Hiện chúng tôi đã trả lương gấp gần 4 lần so với qui định. Đối với công nhân hiện nay bình quân không dưới 3 triệu đồng/tháng. thấp nhất 2,5 triệu.”

 

Phó Giám đốc Cty TNHH Hikosen Cara - ông Nguyễn Phước Lộc cũng cho biết: “Năm nay Cty tăng hơn 30% lương so với năm ngoái”...

 

Như vậy, có thể nói, đợt tăng lương “chính ngạch” này sẽ ít có tác động tích cực đối với người lao động, còn bản thân các DN lại lo tác động “ngược” khi phải đối mặt với tăng chi phí.

 

Ông Dũng lo lắng: Với mức lương tối thiểu tăng lên, DN sẽ phải gánh thêm một khoản phí đóng bảo hiểm không nhỏ. Cụ thể, với số lượng 1.300 lao động hiện có của Cty, thì số tiền tăng thêm mỗi tháng khoảng 190 triệu đồng, 1 năm sẽ là gần 2,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,7% tổng doanh thu và 21-22% lợi nhuận của Cty. Như vậy cũng đồng nghĩa là lợi nhuận của Cty giảm đi tương ứng.

 

Theo ông Dũng, việc tăng mức lương tối thiểu lần này chủ yếu tăng các quyền lợi cho người lao động như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm XH, chế độ thai sản... lên 50-60% so với trước, chứ hoàn toàn không có tác động gì đến đời sống hàng ngày. Thế nhưng, sẽ khó khăn cho DN trong bối cảnh quá nhiều khó khăn hiện nay, nhất là đối với những DN sử dụng nhiều lao động.

 

Ông Dũng phân tích: từ năm 2009, chi phí sản xuất của các DN đã tăng. Các DN đã phải đàm phán với khách hàng để tăng giá bán sản phẩm. Với tốc độ tăng liên tục và chóng mặt như 2 năm nay thì rõ ràng khó thuyết phục được khách hàng. Theo ông Dũng, bản thân Cty Bseafood khi đàm phán với khách hàng thì cũng chỉ được đồng ý tăng 10 - 15% so với trước, trong khi với mức tăng lương cơ bản qui định như hiện nay thì chi phí của DN tăng đến 25 - 30%. Không cân đối và bù đắp được khoản chênh lệch còn lại 10 - 20% thì DN phải chịu giảm lãi, hoặc hòa vốn, thậm chí lỗ. Với các Cty CP thì chuyện “làm nhiều lãi ít” hoặc hòa vốn, hay thua lỗ đều sẽ rất khó “ăn nói” với cổ đông.

 

DN sẽ đối phó?

 

Ông Dũng tiên lượng, sẽ không loại trừ trường hợp nhiều DN làm ăn khó khăn phải tìm cách đối phó với chính sách mới này. Ông Dũng nhận định: “Sắp tới, sẽ có nhiều người lao động mất việc khi tăng BHXH nếu các đơn vị làm không lãi. Ví dụ, đơn vị tôi có lãi thì có thể chấp nhận giảm lãi để nộp bảo hiểm còn những đơn vị không lãi hoặc đang lỗ nếu tăng bảo hiểm thì là tăng áp lực rất lớn đến lợi nhuận của DN. Vì vậy, chắc chắn họ sẽ giảm lao động”.

 

Ngoài ra, ông Dũng lo ngại, DN sẽ đối phó trong việc tuyển dụng lao động bằng cách không ký hợp đồng lao động. Khi đó, người lao động không có quyền lợi gì và nhà nước cũng sẽ không thu được tiền tăng lên trong quĩ bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, “cần có biện pháp hết sức thiết thực giúp DN thực hiện tốt chính sách này” - ông Dũng chia sẻ.

 

Ông Dũng đề xuất, Chính phủ có  cần có thêm biện pháp hỗ trợ cho DN để chính sách mới này đạt hiệu quả. Ví dụ, giảm tiền thuê đất cho những khu vực có công nhân ở trong DN; miễn, giảm thuế thu nhập DN; Những DN nào làm tốt trong việc nộp BHXH thì giãn thời gian nộp cho 3 tháng hoặc 6 tháng để DN giảm bớt áp lực về vốn trong lúc lãi suất tăng cao như hiện nay.

 

Còn ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Cty cổ phần Dầu khí miền Nam, các cấp nên thành lập quỹ hỗ trợ DN, để những lúc như thế này có nguồn giúp đỡ DN, tạo điều kiện cho DN sản xuất ổn định. Đây cũng là mong mỏi của hầu hết các DN của tỉnh BR-VT trước quy định tăng lương cơ bản từ 1/10 tới.

Chính phủ cần có thêm biện pháp hỗ trợ cho DN và người lao động để chính sách tăng lương cơ bản mang lại hiệu quả thiết thực.