Giá cổ phiếu phục hồi
Sau sự kiện ông Lê Văn Hướng bị bắt tạm giam, cổ phiếu JVC đã giảm một mạch từ mức giá gần 25.000 đồng/CP về xấp xỉ 4.000 đồng/CP và rơi xuống mức đáy 2.600 đồng/CP sau khi có thông tin JVC tiếp tục lỗ lớn.
Tuy nhiên, khi đã bình tĩnh lại sau “cú sốc” về con số lỗ gần 1.336 tỷ đồng sau kiểm toán của năm tài chính 2015-2016, JVC bắt đầu từng bước tăng giá trở lại. Hiện tại, cổ phiếu JVC đang ở mức giá 4.000 đồng/CP. So với mức giá đỉnh cao mà cổ phiếu này từng đạt được (khoảng 25.000 đồng/CP), những cổ đông đã “lỡ” trung thành với JVC vẫn đang bị lỗ 84%, nhưng những nhà đầu tư đầu tư ở vùng giá đáy đã có thể kiếm lời, với tỷ lệ sinh lời là 65% trên vốn đầu tư ban đầu.
Đặc biệt hơn, JVC không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư nội, mà nhà đầu tư ngoại cũng quan tâm hơn. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, JVC đã được khối ngoại mua ròng trở lại. Tại ngày đầu năm 2016, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại JVC là 37,84% vốn điều lệ. Hiện nay, con số này đã tăng lên mức 41,73%, tương đương hơn 4,376 triệu cổ phiếu JVC.
Một đơn vị khác là Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam – CTCP, tổ chức có liên quan đến ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị JVC, cũng vừa đăng ký mua vào thêm 3 triệu cổ phiếu JVC, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên mức 5,918% vốn điều lệ.
Ở JVC dường như đang có một sự thay đổi!
Vì sao?
Với giá trị sổ sách xấp xỉ 4.900 đồng/CP, việc thị giá JVC đang tiến dần về mức giá trị sổ sách cho thấy, công chúng đầu tư có lẽ tin hơn vào khả năng hoạt động bình ổn trở lại của Công ty.
Tuy nhiên, JVC đã thực sự vui trở lại?
Cùng với việc các thành viên Ban lãnh đạo JVC được thay mới, trong đó 2 vị trí chủ chốt là Chủ tịch Hội đồng quản trị (ông Phạm Quang Huy) và Tổng giám đốc (ông Ngô Thanh Sơn) được giữ bởi 2 cá nhân có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết bị y tế; thông tin về kế hoạch dừng lỗ và có lãi trở lại (dù con số lãi khiêm tốn là 2 tỷ đồng cho năm tài chính 2016-2017) là tin vui cho nhà đầu tư bên ngoài.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Huy cho rằng, diễn biến tăng giá trở lại lần này có lẽ chủ yếu do việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng JVC. Bên cạnh đó, thông tin về việc cổ đông có liên quan mua vào lượng lớn cổ phiếu JVC được công bố cũng là lý do giúp thị trường có niềm tin hơn vào doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, đề án tái cấu trúc của JVC vẫn cần thêm thời gian”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, 6 tháng đầu năm tài chính 2016-2017, JVC công bố con số lỗ 5,574 tỷ đồng, nhưng con số sau soát xét báo cáo tài chính có thể sẽ lớn hơn đôi chút.
“Có thể sẽ phải lỗ thêm 1-2 tỷ đồng so với con số công bố ban đầu”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, vẫn còn 2 vấn đề lớn mà JVC cần phải giải quyết trước khi bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, đó là: tiếp tục đánh giá, rà soát lại chất lượng tài sản, giải quyết các vấn đề liên quan đến Ban lãnh đạo cũ và có được sự thông qua của cơ quan quản lý về đề án tái cấu trúc JVC.
Ông Huy cho biết, đặc thù của Công ty là kinh doanh hàng thiết bị y tế - là nhóm sản phẩm có tính thay đổi theo từng năm. Hiện tại là năm 2016, nên các máy móc được sản xuất từ năm 2014 sẽ khó bán, dẫn đến việc Công ty phải tiếp tục rà soát để thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ. Các vấn đề liên quan đến Ban lãnh đạo cũ, theo ông Huy, cũng đang được Ban lãnh đạo mới làm việc với cơ quan chức năng.
“Ít nhất phải đến sau 31/3/2017, JVC mới thực sự bước vào giai đoạn mới”, ông Huy cho biết.
Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 30/9/2016, Hội đông quản trị JVC đã hé mở về một phương án tái cấu trúc “chưa có tiền lệ” trên thị trường chứng khoán và đưa ra con số lợi nhuận kế hoạch 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa từng có tiền lệ, nên JVC vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến cơ quan quản lý. Mặc dù vậy, điểm tích cực mà Tổng giám đốc JVC từng chia sẻ là không khí làm việc ổn định đã quay trở lại với JVC.