Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) của Ngân hàng Thế giới (NHTG), điểm số sức mạnh quyền pháp lý của Việt Nam đạt 8/12 điểm, điểm số này mặc dù đã có sự tăng nhẹ so với ghi nhận tại báo cáo Doing Business năm 2018 nhưng có thể nhận thấy, ngay từ 2008 đến nay, điểm số này không có sự thay đổi đáng kể.Vậy theo ông, tồn tại hiện nay là gì và đâu là hướng giải quyết?
Từ báo cáo Doing Business 2008, NHTG ghi nhận Việt Nam có sự cải thiện về chỉ số sức mạnh quyền pháp lý (từ 5/10 điểm lên 7/10 và 7/12 điểm), tuy nhiên, từ đó đến nay, điểm số về sức mạnh quyền pháp lý liên tục duy trì ở mức 7/12 điểm và chỉ có sự tăng nhẹ tại báo cáo Doing Business 2018 (8/12 điểm). Theo đó, NHTG cho rằng, liên quan đến chỉ số sức mạnh quyền pháp lý,Việt Nam còn 4 vấn đề cần phải giải quyết.
Thứ nhất, Việt Nam chưa có hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trên cơ sở thông báo; Thứ hai, Việt Nam chưa cho phép đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến, theo đó có thể cho phép bên đăng ký giao dịch bảo đảm được yêu cầu chỉnh sửa, xóa bỏ đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến;
Thứ ba, pháp luật Việt Nam chưa xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa chủ nợ có bảo đảm và những người có liên quan như người nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm hoặc người thuê tài sản bảo đảm; Thứ tư, pháp luật Việt Nam chưa cho phép, hay chưa quy định cụ thể thời hạn mà chủ nợ có bảo đảm được “giải phóng” khỏi giai đoạn tạm hoãn các hành động.
Để xử lý các vấn đề trên, chúng tôi cho rằng, có một số hành động cần phải được triển khai, cụ thể:
Thứ nhất, Việt Nam cần đơn giản hóa quy trình đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm giảm thủ tục hành chính cũng như chi phí của khách hàng trong quá trình thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm. Lợi ích từ hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm dựa trên thông báo giúp cho cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm không phải lưu trữ hồ sơ,giảm chi phí xác minh hồ sơ cũng như giảm rủi ro cho nhân viên thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm.
Chúng tôi cho rằng, để cải thiện được các yêu cầu này, cần có sự tham gia chủ động hơn nữa của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan trong việc rà soát, đánh giá và hoàn thiện quy định cũng như quy trình đăng ký giao dịch bảo đảm.
Thứ hai, liên quan đến hình thức đăng ký, sửa đổi, cập nhật nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm, qua rà soát, chúng tôi thấy rằng, pháp luật Việt Nam đã có quy định cho phép thực hiện điều này.Tuy nhiên, NHTG chưa ghi nhận nỗ lực này của Việt nam. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng báo cáo của NHTG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan đầu mối cần phối hợp với Bộ Tư pháp cập nhật kịp thời, đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật để NHTG ghi nhận và đánh giá đúng thực tế của Việt Nam.
Thứ ba, hiện nay, về cơ bản, pháp luật Việt Nam đã xác lập nguyên tắc về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ nợ có bảo đảm và chủ nợ không có bảo đảm, cũng như giữa các chủ nợ có bảo đảm với nhau … Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải đánh giá để có thể xây dựng rõ hơn thứ tự ưu tiên thanh toán giữa chủ nợ có bảo đảm và những người có liên quan như người nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm hoặc người thuê tài sản bảo đảm.
Về khía cạnh này, chúng tôi cho rằng việc nghiên cứu để ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung) là vấn đề cấp thiết, bên cạnh việc kịp thời hướng dẫn các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 còn để đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tế. Ở khía cạnh này, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp (với tư cách là đơn vị chủ trì soạn thảo) để tham gia việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về giao dịch bảo đảm nói trên.
Thứ tư, NHTG tiếp tục quan tâm đến việc thực thi các hành động nhằm bảo vệ tính toàn vẹn tài sản của bên có nghĩa vụ. Thực tế cũng cho thấy, có một số tài sản không thực sự cần thiết giữ lại nhằm mục đích tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc việc giữ các tài sản đó có thể dẫn đến việc giảm giá trị tài sản (VD: các hàng hóa nông sản hoặc nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nhưng dễ hư hao…) thì nên cân nhắc việc cho phép chủ nợ có bảo đảm được chủ động thanh lý các tài sản đó sau một thời gian xác định.
Do vậy, trong quá trình hoàn thiện các quy định về giao dịch bảo đảm cũng như các quy định về pháp luật phá sản, chúng tôi đề xuất Bộ Tư pháp cho phép nghiên cứu để xác định các cơ chế để bảo vệ quyền của chủ nợ, như cho phép chủ nợ có bảo đảm chủ động trong việc xử lý tài sản bảo đảm sau 1 khoảng thời gian (30 hoặc 60 ngày) đối với tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc tài sản bảo đảm dễ hư hao, giảm giá trị…
Được biết, ngoài chỉ số sức mạnh quyền pháp lý, chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng cũng còn điểm chưa được NHTG ghi nhận. Ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?
Ông Tạ Quang Đôn
Chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng của Việt Nam hiện đã được NHTG đánh giá tương đối khả quan và đã đạt điểm số gần tuyệt đối, 7/8 điểm. Vấn đề còn lại chưa được ghi nhận liên quan đến việc pháp luật Việt Nam chưa cho phép thu thập thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ, cung cấp dịch vụ tiện ích như điện, nước, truyền hình cáp...
Trong khi đó, việc đa dạng hóa nguồn và nội dung thông tin, kể cả thông tin tích cực và thông tin tiêu cực sẽ giúp các tổ chức cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng xây dựng các báo cáo lịch sử tín dụng,các sản phẩm thông tin tín dụng hoàn chỉnh để có thể đánh giá một cách toàn diện khả năng thanh toán nợ của khách hàng.
Đối với những khách hàng chưa có giao dịch tín dụng với ngân hàng hoặc khách hàng có thu nhập thấp thì các thông tin thu thập từ các nhà cung ứng dịch vụ bán lẻ, cung ứng dịch vụ công ích là vô cùng cần thiết giúp bên cho vay đánh giá chính xác khả năng trả nợ của khách hàng vay.
Về mặt pháp luật, chúng tôi nhận thấy, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… có quy định việc các đơn vị cung cấp dịch vụ không được cung cấp thông tin về khách hàng mà họ có được trong quá trình cung cấp dịch vụ cho bên thứ ba, trừ khi được sự đồng ý của khách hàng hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Qua quá trình làm việc với các chuyên gia quốc tế, chúng tôi nhận thấy các quy định của pháp luật Việt nam là thống nhất và tương đồng với quy định của các nước khác nhằm mục đích bảo vệ quyền bí mật thông tin của khách hàng. Tương tự như vậy, các công ty thông tin tín dụng của nhiều nước trên thế giới cũng gặp khó khăn khi thu thập thông tin khách hàng.
Chính vì thế, vấn đề rất quan trọng mà chúng ta cần chung sức giải quyết đó là nâng cao nhận thức của khách hàng trong quan hệ 2 chiều của việc cung cấp, chia sẻ thông tin, cụ thể là khi cho phép chia sẻ, cung cấp thông tin đồng nghĩa với việc khách hàng trong tương lai sẽ nhận được cơ hội để gia tăng việc chứng minh khả năng trả nợ khi tiếp cận tín dụng trên cơ sở các thông tin mà mình đã cho phép chia sẻ, cung cấp.
Ở một khía cạnh khác, để gia tăng hỗ trợ việc kết nối thông tin, gia tăng cơ hội tiếp cận tín dụng của khách hàng, ngày 7/6/2019, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt nam (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt nam đã khai trương và đưa vào vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay vốn với các ứng dụng trên website và ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tín dụng cũng như cải thiện điểm tín dụng, gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay vốn. Đây là một nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc cải thiện cơ hội tiếp cận tín dụng của khách hàng trên thực tế.
Theo ông, việc tăng điểm số tiếp cận tín dụng có đồng nghĩa với việc tăng thứ bậc đối với chỉ số tiếp cận tín dụng hay không?
Đối với mỗi quốc gia, trên cơ sở thông tin thu thập được, NHTG sẽ xác định điểm số DTF (Distance to Frontier, có thang điểm là 100, thể hiện khoảng cách của một quốc gia đến các nền kinh tế có thể hiện tốt nhất) và thứ bậc (Ranking, thể hiện thứ bậc của một quốc gia trên 190 quốc gia mà NHTG thu thập dữ liệu) của một chỉ số cụ thể và điểm số môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, thứ bậc của một quốc gia ngoài việc dựa vào điểm số DTF của chính quốc gia đó, thì còn phụ thuộc vào tương quan cải thiện của các quốc gia khác. Do vậy, ngay cả khi điểm số DTF không thay đổi thì thứ bậc của một quốc gia vẫn có thể tăng hoặc giảm khi các quốc gia khác có sự cải thiện theo hướng tích cực hoặc bị sụt điểm.
Đây là trường hợp của Việt Nam đã được ghi nhận tại báo cáo Doing Business 2018 và 2019 (điểm số DTF đối với chỉ số tiếp cận tín dụng của các năm không thay đổi, 75/100 điểm, nhưng thứ bậc có sự thay đổi đáng kể, 29/190 và 32/190).
Về mặt chủ quan, chúng ta vẫn phải tiếp tục nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, gia tăng cơ hội tiếp cận kinh doanh cũng như thúc đẩy việc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Khi các nỗ lực cải cách được hiện thực hóa thì việc tăng thứ bậc đối với chỉ số tiếp cận tín dụng sẽ là kết quả tương ứng cho những gì chúng ta đã làm.
Ông còn kiến nghị gì thêm, thưa ông?
Ngoài những đề xuất trên, chúng tôi cho rằng vẫn cần tiếp tục đổi mới và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành với NHTG. Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tăng cường vai trò đầu mối trong việc cập nhật các thay đổi quy định pháp lý của Việt Nam để có phản hồi với NHTG một cách kịp thời. Có thể coi 2 tình huống này là những điều chúng ta cần lưu ý trong quá trình cung cấp thông tin với NHTG.
Thứ nhất, Việt Nam đã cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp kể từ khi Bộ luật Dân sự 2005 ra đời, nhưng phải đến báo cáo Doing Business 2018 (xây dựng năm 2017), NHTG mới thừa nhận điều này. Thứ hai, quy định cho phép thành lập công ty thông tin tín dụng đã được thể hiện tại Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12/2/2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng, có hiệu lực từ 15/4/2010, là cơ sở pháp lý cho phép việc thành lập các công ty thông tin tín dụng. Tuy nhiên, phải đến Báo cáo Doing Business 2014 (xây dựng năm 2013), NHTG mới ghi nhận việc Việt Nam cho phép thành lập công ty thông tin tín dụng.
Bên cạnh việc nghiên cứu để cải thiện điểm số tiếp cận tín dụng, các bộ, ngành nói chung và NHNN nói riêng khi xây dựng chính sách cần lưu ý cả nội dung đã được ghi nhận là đã có quy định, tránh việc xây dựng các chính sách mới không phù hợp dẫn đến các điểm số đánh giá có thể bị ảnh hưởng. Đây là một trong những thực trạng đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia như Hy Lạp (Doing Business 2017), Cộng hoà Séc (Doing Business 2009), Đức (Doing Business2009)...
Như vậy, có thể thấy, việc cải thiện chính sách nhằm tăng cường điểm số tiếp cận tín dụng phải là sự kết hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là các Bộ, ngành được phân công chủ trì việc hoàn thiện những nội dung pháp luật chưa được NHTG ghi nhận nói trên. Bên cạnh đó, việc cải thiện chính sách có thể phân kỳ trong giai đoạn trước mắt và lâu dài trong khuôn khổ nhiệm vụ cải thiện tổng thể hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đặc biệt cần có sự phối hợp giữa Quốc hội, Chính phủ để các cải thiện về mặt chính sách được thực hiện một cách đồng bộ, xuyên suốt và hiệu quả.