Người dân sẽ yên tâm hơn khi nghỉ hưu nếu bảo hiểm hưu trí tự nguyện được phát triển tốt

Người dân sẽ yên tâm hơn khi nghỉ hưu nếu bảo hiểm hưu trí tự nguyện được phát triển tốt

Tăng an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm

(ĐTCK) Năm 2014, với khá nhiều văn bản của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến bảo hiểm được ban hành, ngoài đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu mới thì cũng mang lại sự thuận lợi hơn cho khối này.

Các văn bản được quy định theo hướng đảm bảo bám sát thực tiễn và phát huy hiệu quả trong đời sống, thực hiện tốt các mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng hiệu quả.

Cùng với đó, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản trị doanh nghiệp, tăng cường sự minh bạch và an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Tăng an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm ảnh 1

Ông Phùng Đắc Lộc,Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam             
 

1. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2014, Thông tư 232/2012/TT-BTC quy định một số chế độ kế toán mới đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chính thức có hiệu lực.

Theo đó, có khá nhiều điểm mới trong quy định về hạch toán tương đối có lợi cho các doanh nghiệp như: không bù trừ các khoản dự phòng trên báo cáo tài chính, quy định về kế toán đối với các khoản đầu tư tài chính...

Với các thay đổi trong cách hạch toán và thể hiện trong báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo chuẩn mực quốc tế theo hướng minh bạch hơn.

Với Thông tư 232, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần phải xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu của mình thích ứng với các quy định hiện hành về hệ thống chế độ kế toán bảo hiểm phi nhân thọ.

Ngoài ra, Thông tư 194/2014/TT- BTC ngày 17/12/2014 (Thông tư 194) sửa đổi một số điều của Thông tư 124/2012/TT-BTC và Thông tư 125/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 cũng có nhiều điểm tạo điều kiện tích cực cho thị trường bảo hiểm cũng như đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu mới. Cụ thể:

Thứ nhất, Thông tư 194 bổ sung quy định mới các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải sử dụng chuyên gia tính toán (định phí). Như vậy, để có công ăn việc làm cho các chuyên gia tính toán, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải cung cấp các dữ liệu quá khứ và hiện tại đảm bảo chính xác, đầy đủ.

Điều này tất yếu đòi hỏi từng doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh thu, bồi thường, dự phòng, chi phí khai thác, chi phí quản lý chi tiết cho từng sản phẩm bảo hiểm phục vụ cho công việc của chuyên gia tính toán.

Thứ hai, trường hợp kết quả kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm trong 2 năm tài chính liên tiếp bị thua lỗ thì cũng theo Thông tư 194, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải báo cáo ngay Bộ Tài chính về thực trạng, nguyên nhân, nguy cơ và thực hiện phương án theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Quy định này đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải nắm bắt và điều chỉnh phí bảo hiểm, chi phí khai thác, chi phí quản lý ngay năm đầu tiên khi phát hiện ra nghiệp vụ bảo hiểm nào thua lỗ, để tránh tình trạng tiếp diễn 2 năm liên tục thua lỗ phải báo cáo Bộ Tài chính.

Muốn làm được việc trên, người quản trị điều hành phải được cung cấp các báo cáo quản trị tài chính kế xuất từ hệ thống cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp bảo hiểm với từng nghiệp vụ hàng tháng, quý, năm để có những quyết định điều chỉnh kịp thời, hiệu quả.

Thứ ba, về tách quỹ chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng, Thông tư 194 quy định doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải tách và hạch toán riêng quỹ chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm (quỹ chủ hợp đồng). Quỹ chủ hợp đồng được tách thành chi tiết theo từng nghiệp vụ bảo hiểm.

Việc tách và hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và kết quả hợp đồng kinh doanh của từng quỹ phải được đảm bảo công bằng, hợp lý, khách quan.

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không được sử dụng tài sản của quỹ chủ hợp đồng để chi trả các khoản tiền phạt do vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng, quảng cáo không liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, chi từ thiện.

Như vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vừa phải tách quỹ, vừa phải tách chi phí cho từng hợp đồng bảo hiểm khai thác được theo từng nghiệp vụ bảo hiểm.

Để làm được việc này, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải có công nghệ thông tin hệ thống cơ sở dữ liệu thích hợp, nhất là các chi phí trả trước (thực hiện trong năm nhưng phân bổ vào nhiều năm: đào tạo cán bộ, nhân viên, đại lý bảo hiểm, quảng cáo, tiếp thị, xây dựng cơ sở dữ liệu…).

2. Ngày 1/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế, trong đó có các quy định tháo gỡ khó khăn cho thị trường bảo hiểm. Cụ thể, không phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân khoản tiền chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện và các loại hình bảo hiểm không bắt buộc khác.

Trước khi trả tiền bảo hiểm, tiền lương hưu cho cá nhân, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm khấu trừ 10% đối với khoản phí tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động kể từ 1/7/2013 (phí bảo hiểm do cá nhân người lao động đóng không phải nộp thuế). Cá nhân là đại lý bảo hiểm được tổ chức trả thu nhập khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (không phải kê khai, quyết toán thuế).

3. Đặc biệt, năm 2014, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về chính sách bảo hiểm, chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai với phương châm bảo hiểm mọi rủi ro, thuận lợi, nhanh chóng, giúp ngư dân yên tâm, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bảo Việt được giao đứng đầu hợp đồng bảo hiểm tại 10 tỉnh, Bảo Minh và PJICO có 7 tỉnh, PVI có 4 tỉnh trong 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển có đội ngũ tàu thuyền khai thác hải sản. Đây là cơ sở để triển khai mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu về bảo hiểm của ngư dân khai thác hải sản với sự hỗ trợ của Nhà nước 70% phí bảo hiểm đối với tàu 40 đến 90 mã lực, 90% phí bảo hiểm đối với tàu trên 90 mã lực, 100% phí bảo hiểm đối với thuyền viên làm việc trên tàu.

4. Ngày 8/10/2014, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã làm việc với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thống nhất lại một số vướng mắc để trình Bộ Tài chính tiến hành phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm nào không được phê chuẩn sản phẩm coi như không được phép triển khai và phải bổ sung hồ sơ trình phê duyệt mới.

Đây là giải pháp phát triển bảo hiểm xe cơ giới, góp phần công khai, minh bạch quy tắc, điều khoản, biểu phí trên toàn thị trường, đảm bảo quyền lợi người được bảo hiểm, đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm và toàn hệ thống.

Phát triển bảo hiểm xe cơ giới góp phần quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong bảo hiểm phi nhân thọ, đón đầu việc thành lập khối kinh tế thống nhất ASEAN, lượng xe hơi nhập khẩu từ ASEAN (sản xuất từ các nhà đầu tư nước ngoài tại các nước ASEAN) có thuế suất ưu đãi hơn và tiêu thụ mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới.

5. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cho phép tiến hành xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 45/NĐ-CP, Nghị định 46/NĐ-CP/2007 nhằm nâng cao năng lực hoạt động sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm và nâng cao chế độ quản lý nhà nước, làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung Thông tư 124, Thông tư 125 và giải quyết những khó khăn vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ngoài ra, đề án thực hiện cơ sở dữ liệu về bảo hiểm trách nhiệm chủ xe cơ giới đã được hoàn tất, khi đi vào thực thi sẽ là tiền đề quan trọng để hạn chế trục lợi bảo hiểm, tạo sự thay đổi cả về lượng và chất cho thị trường.

Cùng với việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động thì doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần phải xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu của mình thích ứng với các quy định hiện hành như: Hệ thống trích lập và sử dụng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm thực hiện theo Thông tư 125 (phần chưa phải sửa đổi, bổ sung); Hệ thống tính biên khả năng thanh toán hàng tháng trong đó có giá trị tài sản được ghi nhận một cách thận trọng để trích biên khả năng thanh toán theo Thông tư 125; Hệ thống quản trị đầu tư tài chính ghi nhận, tổng hợp các khoản mục đầu tư và danh mục tài sản đầu tư theo quy định của Nghị định 46 và tách quỹ đầu tư cho chủ hợp đồng bảo hiểm; Hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đang vận hành.

6. Năm 2015 sẽ là năm nước rút hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm khai thác, quản lý khách hàng, quản lý đối tượng được bảo hiểm, quản lý đại lý môi giới bảo hiểm, giám định bồi thường kết nối với hệ thống kế toán của các doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu không hoàn thành, chắc chắn doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định mới trên.

Cũng trong năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc sửa đổi, bổ sung chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, từ đó tạo điều kiện và cơ hội kinh doanh.

Bởi trên thực tế, một số chính sách về quản lý tài chính, thuế, đầu tư vẫn được nhận định là chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp mua bảo hiểm nhóm, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí cho người lao động, chưa có ưu đãi doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng kinh doanh tại các vùng sâu, vùng xa hoặc đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm an sinh xã hội.

Chưa kể, một số luật, trong đó có Luật Khám chữa bệnh được cho là chưa tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận thông tin nhằm kiểm soát tình trạng trục lợi bảo hiểm.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2007/NĐ-CP và Nghị định 46/2007/NĐ-CP, tập trung vào các nhóm vấn đề giúp đỡ, hỗ trợ, thúc đẩy DNBH tăng trưởng hiệu quả; tăng cường quản trị doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch và an toàn tài chính; đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Ngoài ra, sẽ xây dựng Nghị định về chính sách bảo hiểm đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhằm quy định quy tắc điều khoản, biểu phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu của sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng động, đến môi trường, bảo hiểm trách nhiệm cho người lao động và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm hưu trí, chính sách bảo hiểm vi mô… trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả thực hiện; tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm năng lượng nguyên tử.

Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật nền, pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tăng an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm ảnh 2

Một số chính sách về quản lý tài chính, thuế, đầu tư vẫn được nhận định là chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp mua bảo hiểm nhóm, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí cho người lao động 

Cụ thể, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự (bỏ chương hợp đồng bảo hiểm), Bộ luật Hình sự (bổ sung quy định xử lý hình sự đối với tội danh trục lợi bảo hiểm); phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận hiện trường xảy ra tổn thất (cháy nổ) và tiếp cận, sao chép hồ sơ bệnh án của bệnh nhân tham gia bảo hiểm; phối hợp với Bộ Công an sửa đổi, bổ sung các chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới theo hướng nâng cao mức trách nhiệm bảo hiểm.

Tin bài liên quan