Tan nát đội tàu Vinashinlines

Đội tàu biển trị giá cả ngàn tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) đang có nguy cơ thành đống sắt vụn trong lúc chờ thủ tục phá sản.
Tan nát đội tàu Vinashinlines

Tàu tốt cũng gặp cảnh khốn khó

Có lẽ, khi nộp đơn phá sản ra Tòa án Kinh tế, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vào tháng 3/2014, lãnh đạo Công ty Vinashinlines không thể hình dung hết những hệ lụy pháp lý rất có thể sẽ “đánh chìm” nốt số tàu ít ỏi mà doanh nghiệp (DN) còn có thể vận hành khai thác.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, trong vòng 1 tháng trở lại đây, Vinashinlines đã phải liên tiếp gửi 4 văn bản hỏa tốc tới Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội và cơ quan chủ  quản là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) để xin hướng giải quyết đối với 4 tàu biển do đơn vị này đang cho thuê khai thác là New Energy, Cái Lân 4, Vinashin Liner 1 và Vinashin Liner 2.

Sở dĩ lãnh đạo Vinashinlines phải xin ý kiến gấp các bên liên quan cách “ứng xử” đối với khối tài sản đang “sống” và sinh lời cho Nhà nước này là, bởi có tới 2/4 tàu sẽ hết thời hạn thuê hoặc sắp phải lên đà bảo dưỡng.

Cụ thể, tàu Cái Lân 4 đã kết thúc hợp đồng thuê tàu hạn định với một đối tác nước ngoài vào ngày 10/7. Nếu không được khai thác tiếp, tàu Cái Lân 4 sẽ phải neo tại cảng, với tổng chi phí tối thiểu là 380 triệu đồng/tháng, bao gồm cảng phí, lương thuyền viên, tiền ăn, bảo hiểm, chi phí sửa chữa nhỏ.

Đại diện Vinashinlines cho biết thêm, đến tháng 12/2014, mới hết hợp đồng cho thuê tàu Vinashin Liner 2, nhưng tàu sẽ phải lên đà sửa chữa trong tháng 8/2014, với chi phí khoảng 3,4 tỷ đồng. Trong trường hợp không được sửa chữa, Vinashin Liner 2 sẽ phải chịu chung số phận của Cái Lân 4 là dừng khai thác, neo đậu tại cảng, với chi phí lên tới 415 triệu đồng/tháng.

“Vinashinlines hiện không có bất kỳ khoản kinh phí nào cho các hoạt động tối cần thiết nói trên”, ông Nguyễn Quế Dương, Tổng giám đốc Vinashinlines thừa nhận.

Theo thông tin từ Vinashinlines, hai con tàu Vinashin Liner 1, New Energy đang khai thác còn lại của đơn vị cũng đối diện với tương lai bất định tương tự, do đơn vị sở hữu vẫn không nhận được bất kỳ thông tin hướng dẫn nào từ Tòa án Kinh tế Hà Nội liên quan đến kế hoạch xử lý các tài sản theo quy trình, thủ tục phá sản.

Cần phải nói thêm rằng, nếu tiếp tục khai thác, từ nay đến cuối năm 2014, 4 tàu nói trên vẫn sẽ mang lại cho Vinashinlines khoảng 20 tỷ đồng. “Nếu không tiếp tục khai thác, các tàu sẽ không thể duy trì được tình trạng an toàn kỹ thuật và chỉ có thể bán với giá sắt vụn, chứ không phải là các tàu đang khai thác còn tốt”, lãnh đạo Vinashinlines bức xúc.

Tàu nát thì... mắc tứ bề

Số phận của các tàu đã dừng khai thác từ lâu là New Star, New Sun, Green Star và hệ thống tàu Lash trị giá trên sổ sách hàng trăm tỷ đồng thậm chí còn bi đát hơn. Theo chủ trương của Chính phủ, việc thanh lý các tàu này đã bị dừng lại từ tháng 3/2014, sau khi Vinashinlines chính thức nộp đơn xin phá sản.

Hiện các tàu này đang tiếp tục phải neo đậu vật vờ ở Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Tĩnh và… Campuchia trong tình trạng không có bảo hiểm, hư hỏng rất nặng, có nguy cơ chìm bất cứ lúc nào.

Ngoài việc không kiếm đâu ra khoản tiền lên tới 45 tỷ đồng để duy trì an toàn tối thiểu cho các tàu này từ nay đến cuối năm 2014, Vinashinlines cũng không có khả năng thanh toán 6 tỷ đồng tiền lương và 3,2 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho sỹ quan, thuyền viên các tàu nói trên. Ngay cả một việc đơn giản là di dời các tàu nói trên ra các vị trí neo đậu an toàn hơn theo yêu cầu của Cảng vụ TP.HCM và Quảng Ninh, Vinashinlines cũng bó tay chịu do... quá túng bấn.

Đại diện Vinashinlines cho biết, tính đến cuối tháng 7/2014, DN này chỉ còn 2 khối tài sản được hình thành từ vốn tự có, không bị thế chấp tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào. Đó  là  2 xe ô tô hiệu Camry, Zace và 251 vỏ container loại 20 và 40 feet.

Được biết, quá xót ruột đối với khối tài sản rách nát này, Bộ GTVT đã làm việc và có văn bản gửi Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đề nghị cho phép tiếp tục bán/thanh lý, chuyển chủ đầu tư đến hêt ngày 30/9/2014 dưới sự giám sát của các tổ chức tín dụng và chủ sở hữu, trước khi tòa mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, cũng giống như các kiến nghị của Vinashinlines, đề xuất của Bộ GTVT hiện vẫn chưa nhận được phản hồi nào của Tòa án.

“Ngoài việc bị tiếp tục mất giá do xuống cấp, gây thiệt hại cho Nhà nước và tổ chức tín dụng, các tàu thải này còn tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an toàn hàng hải rất cao”, một chuyên gia hàng hải nhận định.

Tin bài liên quan