Tân CEO Cushman & Wakefield Việt Nam: “Tôi là người lạc quan”

(ĐTCK) Vào những ngày đầu tiên của năm mới 2014, Cushman & Wakefield Việt Nam đón một quyết định nhân sự quan trọng.
Tân CEO Cushman & Wakefield Việt Nam: “Tôi là người lạc quan”

“Người mới” Timothy Horton thay thế vị trí CEO của Chris Brown - người đã có một nhiệm kỳ thành công trong vai trò điều hành công ty tư vấn bất động sản hàng đầu thế giới này tại thị trường Việt Nam. Người Việt có câu “tân quan, tân chính sách”, cái nhìn của vị CEO mới này với thị trường bất động sản Việt Nam có thể mang lại nhiều điều thú vị…

Nhưng nói Tim là người mới là “mới” với chiếc ghế CEO Cushman & Wakefield Việt Nam, chứ thật ra ông không hề “lạ nước lạ cái” với thị trường địa ốc đất Việt.

Tim đến Việt Nam từ năm 2008, đảm nhận trọng trách lãnh đạo một trong những đội định giá và tư vấn uy tín tại Việt Nam - giám sát và tư vấn cho toàn bộ khu vực Đông Dương. Sau đó, ông gia nhập Quỹ bất động sản châu Á - Thái Bình Dương.

Kinh nghiệm “chinh chiến” trên thị trường bất động sản của vị CEO mới này khá đáng nể, khi có hơn 10 năm làm việc tại lĩnh vực bất động sản thương mại, nhà ở. Trước đây, Tim làm việc tại Colliers International - Australia với tư cách là thẩm định viên, tư vấn phát triển và tư vấn đầu tư tài sản lưu động.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng ông có thấy áp lực khi người tiền nhiệm của mình đã khá thành công, chưa kể thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn đầy rẫy khó khăn, thách thức, Timothy Horton tự tin nói: “Tôi là một người lạc quan và luôn nhìn về tương lai, hơn nữa tôi yêu đất nước của các bạn và rất hào hứng được làm việc tại đây. Theo tôi, trong tương lai gần, thị trường dẫu còn bất định nhưng chắc chắn sẽ khá hơn năm qua”.

Yêu Việt Nam, Timothy Horton bảo, ấn tượng về những cái Tết cổ truyền tại Việt Nam luôn để lại ấn tượng sâu đậm đối với ông. “Tết cổ truyền của Việt Nam thật đặc biệt, thật khó diễn tả cái không khí vào những ngày này, nhưng nó luôn khiến người ta phấn chấn và háo hức! Tôi cũng thật sự ấn tượng với việc nhiều người Việt Nam dù trễ đến đâu cũng cố găng quay về quê ăn Tết và sum vầy cùng gia đình”.

Quay lại với nhận định về thị trường bất động sản Việt Nam, theo Timothy Horton, năm 2013 có ba điểm nhấn đáng nhớ đối với ông. Thứ nhất, đó là sự thành lập của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đây là một động thái rất đáng khích lệ vì nó chứng minh được quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện tình hình tài chính của các ngân hàng nhằm xử lý các khoản nợ xấu. Điều này trên thực tế sẽ mang lại lợi ích rõ rệt đối với tình hình bất động sản năm 2014, nếu ta ước tính số nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản và việc các chủ đầu tư phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng như thế nào.

Điểm nhấn thứ hai là Khu đô thị phức hợp Royal City với tiêu chuẩn thế giới được xây dựng và mở cửa trong năm, đây là một điểm nhấn nổi bật cho thị trường bất động sản tại Hà Nội.

Điểm nhấn thứ 3 là việc Tập đoàn Vingroup bán đi Trung tâm Thương mại Vincom A tại TP. HCM. Giao dịch này là dấu hiệu cho cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với niềm tin dần hồi phục trên thị trường bất động sản nói chung.

“Sau 5 năm chìm trong khó khăn, đang có một xu hướng tăng những giao dịch với một số dự án có khả năng sinh lời cao ở Hà Nội và TP. HCM. Việc giá cả dịu xuống đang thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế với nguôn vốn chi phí thấp đi tìm cơ hội”, Timothy Horton nói.

Ông có đồng ý với tôi rằng, năm 2013 còn một điểm nhấn nữa khi là một năm kỷ lục ban hành những chính sách hỗ trợ thi trường? Với độ trễ thường thấy, theo ông, điểm rơi cho hiệu quả của chính sách sẽ bắt đầu từ thời điểm nào của năm 2014?

Đúng vậy. Nó thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ với thị trường nhà đất. Tuy nhiên, chính sách không phải là một món đầu tư nhìn thấy lỗ - lãi tức thì, mà nó tác động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Theo tôi, các chính sách này có ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là khi thị trường đang dần chạm đáy và sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài một lần nữa lại dành cho thị trường Việt Nam. Nếu hệ thống luật pháp được thay đổi theo sát quá trình mở cửa của thị trường, tài sản bất động sản sẽ hấp dẫn và thu hút nhiều hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ này phụ thuộc rất nhiều vào các chi tiết cụ thể cũng như quá trình thực thi.

Đang có những sốt ruột nhất định về “bệnh trạng” của thị trường, nhưng theo tôi, “uống thuốc quá liều” không phải là một việc làm khôn ngoan.

Nếu không chỉ tư vấn giao dich mà được đề nghị tư vấn chính sách, ông sẽ khuyến cáo điều gì? Xin tập trung vào những đầu việc cụ thể, thưa ông!

Có ba việc mà tôi sẽ khuyến cáo nên ưu tiên làm ngay để cải thiện tình hình thị trường bất động sản. Đầu tiên là tính minh bạch. Rất nhiều các nhà đầu tư đã và đang phàn nàn về những khó khăn trong việc xác định quyền sở hữu của các khoản đầu tư và cơ cấu pháp lý long lẻo về quyền sở hữu. Thật là tuyệt vời nếu có thể làm bất cứ điều gì để giảm tối đa việc này nhăm tăng tính minh bạch của thị trường.

Thứ hai, tôi sẽ đề xuất những chính sách buộc các ngân hàng phải giải quyết các khoản nợ xấu nhanh hơn, buộc họ phải bán các khoản nợ cho các chuyên gia xử lý nợ xấu để tái đầu tư bất động sản.

Thứ ba, tôi sẽ đề nghị giảm thời gian, chi phí liên quan đến việc giải phóng và đền bù mặt bằng, vì đây là một vấn đề có sự ảnh hưởng to lớn đến nhiều bên liên quan. Nguyên nhân này cũng gây ra rất nhiều điều nhức nhối và trở ngại trong quá trình phát triển của đô thị.

 

Nhìn về năm 2014, cảm xúc của ông là gì? Lạc quan? Bi quan?

Hiện nay, có nhiều ý kiến to ra lo ngại, tuy nhiên, tôi lạc quan tin tưởng một số phân khúc sẽ biến chuyển và sôi động hơn vào năm 2014.

Nợ xấu tồn đọng trong hệ thống ngân hàng là một trong những nguyên nhân chính làm chững lại nhịp phát triển của nền kinh tế trong thời gian gần đây. Vấn đề này chưa được giải quyết triệt để, nhưng ít nhất cũng được xem xét thông qua VAMC và từng ngân hàng.

Việc vòng quay của bất động sản phụ thuộc vào kết quả giải quyết nợ xấu không phải là một dấu hiệu tiêu cực mà ngược lại: sẽ trả bất động sản về giá trị thực - phù hợp và hấp dẫn hơn với nhu cầu thị trường. Chúng tôi dự tính trong năm 2014, nhiều tài sản phát mại sẽ được tung ra thị trường.

Thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu khả quan hơn. Điển hình là việc thị trường tiền tệ đã đi vào ổn định, vàng không còn được lưu thông như một đơn vị tiền tệ và niềm tin vào tiền đồng từ đó đã dần phục hồi.

Thêm vào đó, lạm phát được giữ bình ổn và lãi suất cũng dần hạ thấp. Những biến chuyển này ít nhiều đã có tác dụng lên thị trường bất động sản, nhưng yếu tố quan trọng nhất là niềm tin vào thị trường đang trong quá trình phục hôi dần dần.

Nhân đây, cũng xin chia sẻ thêm một tin vui là Cushman & Wakefield vừa được chỉ định là đơn vị độc quyền cho thuê hai tòa nhà văn phòng Maritime Bank Tower tại TP. HCM và Sky City Tower tại Hà Nội. Sự góp mặt này của Cushman & Wakefield sẽ làm cho tình hình thị trường văn phòng cho thuê thêm sôi động vào năm 2014. Đây cũng là một dấu hiệu lạc quan phải không (cười)?

Ông đánh giá như thế nào về câu chuyện xuất khẩu bất động sản (mở cửa cho Việt kiều va người nước ngoài mua nhà) va thu hút đầu tư FDI vào bất động sản hiện nay?

Các nhà đầu tư còn đang trong quá trình thăm dò thị trường Việt Nam và mặc dù chưa bo vốn đáng kể, họ vẫn đang theo dõi chặt che, bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy chu trình kinh tế  đang sẵn sàng cho một vòng quay mới. Giá mọi loại hình bất động sản đều giảm, giá đất tại một số khu vực giảm tới 30% và giá căn hộ còn giảm sâu hơn nữa trong vòng 5 năm qua. 

Như đã nói, tôi là một người lạc quan và nhìn về tương lai, tôi thấy có nhiều điều để tin tưởng vào thị trường và tin tưởng vào sự phát triển của Cushman &Wakefield tại Việt Nam.

Tin bài liên quan