Tân Bộ trưởng Tài chính: “Tôi không ngại khó”

Tân Bộ trưởng Tài chính: “Tôi không ngại khó”

Trở thành người "nắm giữ túi tiền" quốc gia trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề cao chủ trương tiết kiệm chi, thúc đẩy thu và quản lý giá các mặt hàng thiết yếu hướng theo nguyên tắc thị trường.

 

> Bí thư Lào Cai làm Tổng Kiểm toán Nhà nước

 

> Ông Đinh Tiến Dũng trở thành Bộ trưởng Tài chính

 

Ngay sau khi được Quốc hội bổ nhiệm ngày 24/5, tân Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ cởi mở về dự định công việc sắp tới. Cuộc nói chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại và người đến chúc mừng.

 

Tân Bộ trưởng Tài chính: “Tôi không ngại khó” ảnh 1

Tân Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: "Tính cách của tôi đã làm là quyết tâm, dốc lòng vì công việc".

 

Xin chúc mừng ông đã được Thủ tướng giới thiệu và Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Những công việc ưu tiên của ông trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính là gì?

 

Tôi thấy rất vinh dự nhưng cũng nhận thức đây là trách nhiệm lớn lao, đặc biệt  trong tình hình khó khăn hiện nay. Bản thân tôi sẽ nỗ lực hết mình, trước hết tập trung nắm lại tình hình rồi làm sao quy tụ anh em trong ngành tài chính, với khoảng 8 vạn người, trên dưới một lòng để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Với tình hình kinh tế hiện nay, trước mắt phải nắm chắc, cụ thể hơn tình hình thu - chi, dự toán ngân sách nhà nước theo Nghị quyết Quốc hội đã phê chuẩn, rồi tổ chức mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn các giải pháp chống thất thu ngân sách, xử lý nợ đọng ngân sách, kể cả việc rà soát giảm chi, tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách.

 

Một mặt phải thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy thu, mặt khác phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu hành chính. Hai là tiếp tục thực hiện tốt hơn Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng thị trường, giải quyết nợ xấu. Ba là căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng phải rà soát kiểm soát chặt chẽ nợ công và nợ Chính phủ vì các chỉ tiêu kinh tế là liên thông với nhau, kể cả rà soát lại các văn bản pháp quy liên quan đến vấn đề này.

 

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách các chính sách thuế, phí và thu ngân sách Nhà nước phù hợp để đảm bảo khuyến khích sản xuất tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân, khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu nhưng phải đảm bảo cân đối được ngân sách nhà nước. Các cải cách này đều nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống người dân, nuôi dưỡng nguồn thu.

 

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý về giá cũng là công việc cần quan tâm. Có loại giá thì Bộ Tài chính tham gia, có loại Bộ chủ trì theo phân công của Chính phủ. Giá xăng dầu cần điều hành theo cơ chế thị trường. Giá điện, giá than và giá các dịch vụ công thì hướng tới thị trường với lộ trình phù hợp tình hình thực tế. Nhưng quan điểm của tôi, nhìn chung các loại giá này phải hướng tới thị trường. Tôi cũng mong muốn công tác tuyên truyền của chúng ta đối với giá xăng phải tốt hơn để cho dân hiểu. Từ hiểu giá thị trường rồi thì ý thức thực hành tiết kiệm, sử dụng xăng dầu của người dân sẽ tiết kiệm hơn.

 

Giữ chức “tư lệnh” ngành tài chính trong bối cảnh cân đối ngân sách khó khăn nhất từ trước đến nay, ông có thể cho biết định hướng chính sách tài khóa năm nay như thế nào?

 

Qua báo cáo kinh tế xã hội bổ sung mà Chính phủ trình Quốc hội cũng đã thấy tình hình rất khó khăn, đặc biệt trong phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng GDP, thu ngân sách. Trong khi đó nhu cầu phát triển của đất nước mình quá lớn, ngành nào lĩnh vực nào cũng yêu cầu chi tiêu rất lớn.

 

Trước mắt, Bộ Tài chính kiên định thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội, các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ. Trong các nghị quyết này, nội dung của ngành tài chính rất nhiều, từ giãn, hoãn thuế rồi đề xuất Quốc hội lộ trình miễn, giảm khuyến khích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển đồng thời tạo điều nâng cao đời sống người dân.

 

Về chính sách tài khóa sắp tới sẽ vẫn là thực hiện theo Nghị quyết 01, chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, phục vụ mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát đạt mức thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Nhưng việc quan trọng hơn nữa là vẫn đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra giám sát của nhà nước và cử tri cả nước trong hoạt động.

 

Các giải pháp có rất nhiều, chắn chắn kỳ họp Quốc hội này sẽ bàn, thông qua các giải pháp Chính phủ đề xuất, thậm chí Quốc hội có thể đề xuất thêm một số giải pháp mà tôi nghĩ lúc này cũng cần thêm sự đột phá. Chính sách của mình là tốt nhưng tổ chức thực hiện chưa có đột phá, thành ra kết quả chưa được như mong muốn theo yêu cầu của Quốc hội, theo yêu cầu mong muốn của Chính phủ.

 

Khả năng thu ngân sách năm nay khó đạt được như dự toán do nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Ông sẽ đề ra những giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu cân đối ngân sách năm 2013?

 

Đầu tiên là phải chống thất thu ngân sách để bù đắp, thông qua các giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu ngân sách, từ nợ đọng, chuyển giá, rồi xử lý trốn thuế, nợ đọng thuế, kiểm tra chống các hành vi chuyển giá, buôn lậu, tăng cường chế tài thực thi nghiêm pháp luật về thuế. Hiện tại việc thực thi pháp luật của chúng ta còn có nhiều chuyện phải bàn.

 

Đồng thời với đó là phải thực hiện tiết kiệm chi, trong các giải pháp trình Quốc hội đã nói các khoản chi không cần thiết thì cắt bỏ. Ví dụ như việc đi công tác nước ngoài, hội nghị hội thảo phải rà soát. Từ ngày tôi về làm Tổng Kiểm toán Nhà nước đến giờ tôi quán triệt chủ trương tiết kiệm. Ngày xưa cứ họp là anh em khắp cả nước rần rần kéo về. Gần hai năm đứng đầu ngành, tôi triệt để sử dụng hệ thống trực tuyến trong ngành. Thậm chí năm vừa rồi khi chúc Tết tôi cũng sử dụng hệ thống trực tuyến. Chỉ mất 30 phút là xong mà mọi người đều nhìn thấy mình và mình đều nhìn thấy mọi người, chứ cứ bay ra bay vô, ôtô đi về rồi sinh ra nhiều chuyện lắm. Kinh phí là một phần nhưng còn thời gian cũng tiết kiệm được… Cho nên năm vừa kiểm toán tiết kiệm được chi, có điều kiện cho anh em nghỉ phép, rồi có tiền để chăm sóc y tế. Cuối năm vừa rồi tôi cho anh em văn phòng thống kê lại, từ ông vụ phó trở lên thống kê xem mỗi năm tiêu chuẩn bay mỗi ông một năm, đi mất bao nhiêu tiền rồi gửi mỗi ông một bản, tự các ông phải rà soát lại, nhờ thế mà chi tiêu giảm đi nhiều.

 

Cái quan trọng hơn là giải quyết cái lâu dài bằng việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Đây là vấn đề căn cơ, lâu dài. Có như vậy mới thúc đẩy tăng trưởng. Trước mắt có thể mình phải miễn, phải hoãn, thậm chí phải giảm thuế để nuôi nguồn thu lâu dài, điều này là rất quan trọng. Tôi thấy Chủ tịch Quốc hội nói đúng, “túi tiền quốc gia đang hụt dần". Giờ mình không làm tốt thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì tình hình kinh tế sẽ rất khó, giải pháp ra rồi nhưng đi vào thực tiễn cũng không đơn giản. Bộ Tài chính là cơ quan có vai trò nhất định trong việc thực hiện nội dung này song còn cần các bộ, ngành khác nữa.

 

Thời gian qua năm nào Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện ra hàng chục nghìn tỷ đồng gian lận thuế, nợ đọng, chiếm dụng, sử dụng sai quy định. Ông có giải pháp nào để thu hồi các khoản tiền nói trên để tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần bảo đảm cân đối ngân sách trong năm 2013?

 

Năm 2012 là năm Kiểm toán Nhà nước thực hiện được kết luận kiểm toán cao nhất từ trước tới nay, đạt 71,62%, năm 2011 là được 68,9%. Tôi nghĩ với đà này thì tình hình sẽ càng ngày càng tốt lên. Tất nhiên là nó phải có nhiều nguyên nhân khác nhau, đầu tiên là phải nâng cao đội ngũ chất lượng ở đây, làm sao nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán.

 

Sở dĩ kiểm toán đạt được tỷ lệ này là vì chúng tôi tăng cường phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương thông qua quy chế phối hợp. Bản thân tôi có thư trực tiếp tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Khi cấp ủy, chính quyền vào cuộc thì hiệu quả sẽ tốt hơn lên.

 

Ví dụ, tôi có vào TP HCM nói chuyện với anh Lê Thanh Hải có một lúc. Sau đó anh Hải chỉ đạo thì trong vòng một tháng, TP HCM nộp hơn 1.000 tỷ đồng đọng từ năm 2007- 2010. Nếu mình không nhắc nhở, thành ủy, tỉnh ủy không biết thì cũng như không thôi.

 

Đối với bộ ngành trung ương cũng thế, với tinh thần xây dựng. Nhắc nhở thì vẫn nhắc nhở nhưng vẫn phải phối hợp thực hiện.

 

Ngay giá điện, quan điểm của tôi là phải đi theo thị trường. Nếu không điều chỉnh giá, không cho theo thị trường thì Tập đoàn Điện lực sẽ phá sản, không ai muốn đầu tư vào sản xuất nguồn điện nữa, mà Việt Nam thì rất thiếu. Mình phải điều chỉnh giá chứ chẳng nhẽ cứ mua điện của Trung Quốc, điện của các nhà máy ngoài ngành với giá cao hơn nhiều. Điều chỉnh giá mới khuyến khích các đơn vị đầu tư đồng thời giải quyết được cân đối mặt tài chính cho tập đoàn điện.

 

Ngoài ra, tôi còn gửi báo cáo kiểm toán cho các đoàn đại biểu Quốc hội để cùng phối hợp giám sát. Những vấn đề này sang Bộ Tài chính lại tôi sẽ tiếp tục áp dụng. Ví dụ tỉnh anh nợ ngân sách bao nhiêu thì tôi báo cho anh, cho đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh biết luôn.

 

Bên cạnh đó, phải đề cao kỷ luật kỷ cương. Thời gian ở kiểm toán, tôi cũng xử lý dứt điểm các mâu thuẫn nội bộ, xử lý kỷ luật hơn 10 người nhưng đều tâm phục khẩu phục vì việc kỷ luật làm đúng quy trình.

 

Năm vừa rồi, Kiểm toán Nhà nước chuyển nhiều trường hợp sang cơ quan điều tra. Sang Bộ Tài chính, liệu ông có định tiếp tục cách làm này?

 

Tôi vẫn nói với anh em, mình phải chuyển từ tư duy bị động sang chủ động trong phòng chống tham nhũng. Bị động là trước kia anh em làm kết luận xong để đấy, thậm chí có những cái không minh bạch. Nhưng sau này nó vỡ vụ án nọ vụ án kia, bao giờ công an điều tra cũng sang hỏi vì anh đã kiểm toán rồi. Cán bộ kiểm toán lúc đó lại lúng túng.

 

Tôi nói, phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Việc kiểm toán, thanh tra để phát hiện dấu hiệu còn xử lý đến đâu là trách nhiệm cơ quan điều tra. Do đó phải xác định rõ ranh giới. Sang Bộ tài chính tinh thần của tôi cũng sẽ tiếp tục như thế, phải phối hợp tốt với cơ quan điều tra. Cả hệ thống phải nhịp nhàng chứ “ông chằng bà chuộc” thì không thể yên tâm.

 

Khi mới chuyển sang công việc mới người ta thường chọn cách “dĩ hòa vi quý”. Cá nhân ông liệu có giữ được sự quyết liệt trong điều hành như khi làm Tổng Kiểm toán?

 

Quyết liệt thì lúc nào cũng cần thiết. Qua kinh nghiệm công tác, tôi thấy phải cởi mở tấm lòng với những người quanh mình, đặc biệt các lãnh đạo xung quanh. Họ hiểu mình thì họ dễ ủng hộ mình hơn. Còn quyết liệt thì ở đâu cũng phải làm quyết liệt. Đúng thì phải quyết thôi.

 

Ông từng nhiều năm làm công tác chuyên môn tại các tổng công ty, sau đó kinh qua nhiều chức vụ như thứ trưởng, chủ tịch, bí thư tỉnh ủy… Nay trên cương vị mới, điều hành những vấn đề về tài chính, ngân sách quốc gia, ông sẽ nói gì trước cử tri cả nước?

 

Tuy kinh qua nhiều lĩnh vực nhưng quá trình công tác vẫn gắn với kinh tế tài chính, kiểm toán... Thời gian tôi làm chủ tịch UBND tỉnh cũng là điều hành về ngân sách. Đó là thuận lợi, rồi sự đồng thuận của Chính phủ, Quốc hội.

 

Nhưng thách thức cũng  lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Thứ hai là sang tài chính là lĩnh vực khác hẳn, có bộ máy tổ chức từ Trung ương cho đến tận huyện. Từng bước tôi sẽ nắm dần, nhưng trước mắt là tập trung các giải pháp cho dự toán ngân sách năm nay.

 

Tính cách của tôi đã làm là quyết tâm, dốc lòng vì công việc. Tôi tự tin và không ngại khó, làm ở đâu cũng vậy, ban đầu thì có thể chưa biết hết, nhưng cứ quyết tâm, cứ dốc lòng với công việc thì ắt sẽ tìm ra giải pháp.