Tâm tư về tăng trưởng 2019

Tâm tư về tăng trưởng 2019

(ĐTCK) Bên cạnh các ý kiến lạc quan, cũng có các tâm tư lo lắng về sự “án binh bất động” của các sở, ban ngành chức năng ở những địa phương.

Ðứng trước những dự báo về sự chững lại của kinh tế Mỹ, sự chấm dứt của các gói nới lỏng tiền tệ ở các nền kinh tế lớn, các biến động địa chính trị khó lường sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, giới doanh nghiệp kỳ vọng, trong năm 2019, Chính phủ sẽ có những nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh phát huy nội lực, để không chỉ vượt qua khó khăn mà còn tiếp tục tăng trưởng.

Phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vừa qua đang củng cố niềm tin của giới doanh nghiệp về một năm mà hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc để thúc đẩy tăng trưởng.

Tổng bí thư đã nhấn mạnh, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình, chủ động tích cực triển khai thực hiện các chương trình kế hoạch công tác với những cơ chế, chính sách, biện pháp mạnh mẽ phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Ðảng đã đề ra. Tinh thần chung là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018.

Tổng giám đốc CTCP Xây dựng Coteccons Nguyễn Sỹ Công bày tỏ: “Tôi tin Chính phủ năm nay sẽ làm tốt hơn năm trước”. Theo ông Công, các dự án bất động sản mà năm ngoái đã bị chậm giãn tiến độ, năm nay sẽ vào guồng trở lại, đóng góp vào doanh thu của Coteccons.

Tại TP.HCM, bước sang thềm năm mới, thông tin về việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho tuyến metro, về các dự án bất động sản siêu sang được nhà đầu tư nước ngoài mua hết room ngay trong lần mở bán đầu tiên, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay… đã ảnh hưởng tích cực đến doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Nhưng bên cạnh các ý kiến lạc quan, lắng nghe trong cộng đồng doanh nghiệp, Ðầu tư Chứng khoán cũng ghi nhận các tâm tư lo lắng về sự “án binh bất động” của các sở, ban ngành chức năng ở những địa phương xảy ra các vụ án liên quan đến giao, đấu giá, sử dụng đất công như Ðà Nẵng, TP.HCM.

Một nữ tổng giám đốc công ty bất động sản niêm yết chia sẻ, công ty chị có dự án cao ốc xây thô gần 20 tầng tại TP.HCM, nhưng vẫn chưa được đóng tiền chuyển quyền sử dụng đất.

Gửi đi nhiều văn bản kiến nghị, công ty chị nhận được văn bản kết luận của lãnh đạo Thành phố cho đóng tiền chuyển quyền sử dụng đất, nhưng kèm theo điều kiện phải cam kết nếu sau này cơ quan tài chính xem xét lại yêu cầu đóng thêm thì doanh nghiệp sẽ đóng bổ sung.

“Nếu như vậy thì chúng tôi không thể hạch toán khoản chi phí phát sinh vào đâu. Công ty đại chúng thì không thể nói với cổ đông về một khoản chi phí phát sinh thêm ở một dự án đã hoàn thành”, nữ tổng giám đốc này nói.

Một doanh nghiệp bất động sản khác tại TP.HCM thì cho biết, họ gặp khó khăn khi xin giấy xác nhận hồ sơ thiết kế của dự án đúng với bản doanh nghiệp nộp tại Sở Xây dựng Thành phố để có căn cứ pháp lý khi làm việc với khách hàng. Chuyện tưởng rất nhỏ, nhưng cũng làm tắc lại một dự án.

Thị trường bất động sản tại TP.HCM đang chững lại, kéo theo các lĩnh vực khác có liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn.

Không khó để nhận ra sự chậm trễ trong khâu thủ tục phê duyệt, cấp phép dự án bất động sản ở TP.HCM khi nhìn vào một số dự án lớn.

Trong khi hai dự án VinCity ở Hà Nội là Tây Mỗ và Ðại Mỗ đã mở bán thì khách hàng và các môi giới vẫn đang mong mỏi Dự án VinCity quận 9, TP.HCM sớm có bảng giá. Sự chậm trễ này không hẳn là do chủ quan của chủ đầu tư.

Giới doanh nghiệp kỳ vọng việc dự án ở TP.HCM chậm triển khai hơn các địa bàn khác sẽ sớm được khắc phục nhằm khơi thông dòng mạch phát triển.

Tin bài liên quan