Trong thời gian qua, các thị trường tài chính vẫn bị ám ảnh bởi cụm từ “Grexit”, tức là khả năng Hy Lạp sẽ rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, đây sẽ là “thảm họa” đối với riêng Hy Lạp, Eurozone chỉ chịu thiệt hại về tài chính và suy giảm danh tiếng đối với chính sách nhất thể hóa của Liên minh châu Âu (EU). Vấn đề khiến EU đau đầu và ở trong tình thế khó khăn hiện nay, phải là Ukraine, mà cụ thể là kế hoạch cân bằng giữa Nga và Ukraine.
Cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đã gây ra rất nhiều thiệt hại. Theo hãng tin BBC, thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine đạt được hồi tháng 2 vừa qua đã bị phá vỡ tuần trước tại Mariupol, một thành phố cảng quan trọng tại miền Đông Nam Ukraine, nơi giao tranh lại tiếp tục nổ ra giữa quân đội nước này và lực lượng ly khai.
Trong khi đó, số liệu kinh tế mới nhất cho thấy, sản lượng công nghiệp của Ukraine đã giảm 21,1% trong tháng Ba vừa qua, so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng trung ương nước này ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng giảm tương ứng tới 15% trong quý I năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Dự trữ ngoại hối tại thời điểm tháng 3/2015 của Ukraine có lúc tụt dốc khủng khiếp, chỉ còn khoảng 5 tỷ USD.
Việc Ukraine có thể ổn định hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận ngừng bắn nói trên. Tin tốt duy nhất đối với EU hiện tại là chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatseniuk là một chính phủ theo đuổi đường lối cải cách tích cực nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước này. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn và sự đồng thuận từ EU.
Theo nhà phân tích Wolfgang Münchau thuộc Tạp chí Financial Times, một quốc gia không có lựa chọn nào khác là phải cải cách, khi nước đó thiếu hụt các cơ sở hạ tầng cơ bản để hiện đại hóa nền kinh tế. Chính phủ Ukraine rõ ràng đã đặt quyết tâm xây dựng cơ sở hạ tầng đó và đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, những thiệt hại kinh tế từ cuộc nội chiến ở miền Đông nước này và sự quản lý kinh tế sai lầm của các chính phủ tiền nhiệm đã đẩy Ukraine vào tình thế phải phụ thuộc vào viện trợ tài chính từ nước ngoài.
Có hai khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất, Ukraine sẽ cần đàm phán để tái cấu trúc lại các khoản nợ. Chuyên gia về Ukraine tại Georgetown University, Anna Gelpern cho rằng, gia hạn trả nợ sẽ không đem lại nhiều ý nghĩa, trước hết Ukraine cần phải giảm được giá trị danh nghĩa của số nợ hiện nay.
Việc tái cấu trúc nợ là nhân tố tiềm ẩn lớn thứ hai của Ukraine sau việc kêu gọi các gói hỗ trợ tài chính hiện nay. Tất nhiên, điều này là rất phức tạp khi cần phải có sự đồng thuận từ phía các chủ nợ quốc tế không phải là Nga như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và EU. Vì vậy, bản thân EU cần phải có sách lược phù hợp khi đến thời điểm Ukraine mất khả năng thanh toán nợ đối với Nga.
Thứ hai, Ukraine sẽ cần hỗ trợ tài chính nhiều hơn từ EU, không chỉ là những khoản vay mà còn các khoản tiền trợ cấp. Tới nay, EU đã xóa nợ 1,6 tỷ euro cho Ukraine và hỗ trợ nước này 250 triệu euro cho quá trình ổn định tài khóa. Tất nhiên, con số trên có vẻ “bé nhỏ” so với 240 tỷ euro tổng trị giá 2 chương trình cho vay EU dành cho Hy Lạp, bởi quốc gia này là thành viên EU và Eurozone.
Châu Âu không nên quên rằng, Ukraine là một nước lớn hơn trên phương diện dân số, sản lượng kinh tế và yếu tố địa chính trị. Đối với EU, sự ổn định của Ukraine sẽ không chỉ đem lại một môi trường đầu tư tốt, mà còn củng cố vị thế địa chiến lược “có một không hai” của khu vực này.