Tâm lý thận trọng bao trùm giới đầu tư, chứng khoán chìm trong sắc đỏ

Tâm lý thận trọng bao trùm giới đầu tư, chứng khoán chìm trong sắc đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall chìm trong sắc đỏ trong phiên ngày thứ Sáu (18/9), đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp lao dốc khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước cuộc họp định kỳ của Fed vào tuần tới.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm phiên đêm qua cộng 4 điểm cơ bản lên gần 1,37%, gây áp lực lên nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt thị trường khiến Nasdaq có ngày tồi tệ nhất từ cuối tháng 7.

Cổ phiếu Facebook giảm 2,2%, cổ phiếu Alphabet giảm 2%, cổ phiếu Apple mất 1,8% và cổ phiếu Microsoft lùi 1,7%.

Trong khi đó, mối lo tăng thuế doanh nghiệp dẫn đến ảnh hưởng đến thu nhập cũng đè nặng lên tâm lý thị trường khi các thành viên đảng Dân chủ chủ chốt đang cực kỳ nỗ lực đưa thuế thu nhập doanh nghiệp lên mức 26,5% từ mức 21% hiện tại.

Mặt khác, theo báo cáo của Đại học Michigan công bố hôm thứ Sáu, mặc dù tâm lý người tiêu dùng Mỹ ổn định trong tháng 9 này vẫn có xu hướng trì hoãn chi tiêu trong khi lạm phát dù hạ nhiệt vẫn ở mức cao. Cụ thể, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng lên mức 71 điểm trong tháng 9 từ mức 70,3 điểm của tháng trước đó, mức tăng này thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Lạm phát vẫn sẽ là một vấn đề lớn trong cuộc họp định kỳ kéo dài hai ngày vào tuần tới của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed. Giới đầu tư sẽ dồn sự tập trung để tìm kiếm dấu hiệu về thời điểm thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Mỹ.

Ủy ban tư vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm thứ Sáu bác bỏ kế hoạch triển khai mũi tiêm bổ sung vắc-xin ngừa Covid-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất do hai hãng dược phẩm Moderna Pfizer đề xuất. Cổ phiếu Pfizer giảm 1,3%, cổ phiếu BioNTech giảm 3,6%, cổ phiếu Moderna giảm 2,4%.

Cả ba chỉ số chính của phố Wall đều kết thúc một tuần đầy biến động trong sắc đỏ. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, các chỉ số Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures cũng không khá khẩm hơn.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số Dow Jones giảm 166,44 điểm (-0,48%), xuống 34.584,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 40,76 điểm (-0,91%), xuống 4.432,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 127,96 điểm (-0,91%), xuống 15.043,91 điểm.

Trong tuần, Dow Jones giảm 0,57%, S&P 500 mất 0,07% và Nasdaq Composite giảm 0,47%.

Chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm hôm thứ Sáu, đóng cửa tuần thứ ba liên tiếp trong sắc đỏ. Hầu hết các chỉ số khu vực đều chịu áp lực trong tuần này do lo ngại về tăng trưởng toàn cầu chậm lại và những quy định nghiêm ngặt mà Chính phủ Trung Quốc đang đặt ra để kiểm soát các doanh nghiệp.

Tuần tới, Fed, Ngân hàng Trung ương Anh đều sẽ có cuộc họp chính sách quan trọng trong khi Đức tổ chức các cuộc bầu cử.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 63,84 điểm (-0,91%), xuống 6.963,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 161,48 điểm (-1,03%), xuống 15.490,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 52,40 điểm (-0,79%), xuống 6.570,19 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 giảm 0,93%, DAX giảm 0,77%, CAC 40 giảm 1,40%.

Trái ngược với Phố Wall, chứng khoán châu Á khép lại tuần này trong sắc xanh. Chứng khoán Nhật Bản tăng với nhóm cổ phiếu chip lớn đã nâng đỡ thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc tăng trước kỳ nghỉ Tết Trung thu nhờ các cổ phiếu tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe.

Chứng khoán Hồng Kông hồi phục, đà tăng dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi doanh số bán lẻ lạc quan của Mỹ thúc đẩy thị trường, mặc dù giới đầu tư tránh mua bán quá lớn trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 ngày.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 176,71 điểm (+0,58%), lên 30.500,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,87 điểm (+0,19%), lên 3.613,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 252,91 điểm (+1,03%), lên 24.920,76 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 10,42 điểm (+0,33%), lên 3.140,51 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 tăng 0,39%, Shanghai Composite giảm 2,41%, Hang Seng giảm 4,90%, KOSPI tăng 0,47%.

Giá vàng đi ngang trong phiên giao dịch cuối tuần dù đồng USD tiếp tục mạnh lên và lợi suất trái phiếu tăng trong khi giới đầu tư vẫn đưa ra nhiều đồn đoán về thông điệp Fed sẽ đưa ra trong cuộc họp tuần tới. Vàng có hai tuần giảm giá liên tiếp.

Kết thúc phiên 17/9, giá vàng giao ngay tăng 0,10 USD (+0,005%), lên 1.753,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 5,20 USD (-0,30%), xuống 1.749,40 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,84%, giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 2,26%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 15 chuyên gia trên phố Wall, tâm lý tiêu cực bao trùm khi chỉ có 1 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 7 người cho rằng giá vàng sẽ giảm và 7 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 757 người tham gia, 45% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 39% cho rằng giá vàng giảm và 16% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu trong phiên ngày thứ Sáu, chấm dứt chuỗi 5 phiên liên tiếp tăng giá khi các công ty năng lượng ở Vịnh Mexico của Mỹ bắt đầu lại hoạt động sản xuất trở lại sau khi các cơn bão dữ dội đi qua khiến khu vực này phải đóng cửa sản xuất trong vài tuần nay.

Kết thúc phiên 17/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,64 USD (-0,9%), xuống 71,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,33 USD (-0,43%), xuống 75,34 USD/thùng.

Trong tuần, dầu Brent tăng 3,3% và dầu thô WTI tăng 3,2%, được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm.

Tin bài liên quan