Tâm điểm là nới room

Tâm điểm là nới room

(ĐTCK) Sáng nay (3/11), Diễn đàn VBF diễn ra tại Hà Nội. Nhiều kiến nghị đã được đưa ra với các cơ quan Chính phủ. Đối với thị trường vốn, tâm điểm được dự báo là vấn đề nới room nước ngoài.

Tâm điểm là nới room ảnh 1

Cần nới room cho NĐT nước ngoài và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa

Khác với thường lệ, năm nay, giới đầu tư không đưa ra nhiều kiến nghị gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2013, nhưng kỳ vọng của họ vẫn giống như nhiều kỳ VBF trước, đó là cần có thêm những hành động để thúc đẩy thị trường vốn phát triển hơn.

Tâm điểm nới room

VBF cuối kỳ 2013 đang diễn ra vào ngày hôm nay (3/12). Đọc qua các kiến nghị gửi trước tới Diễn đàn, có một điểm khá “lạ” là cơ quan quản lý nhận được nhiều lời khen hơn là chê như thường lệ.

Giới đầu tư nhìn nhận, việc Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho phép áp dụng tỷ lệ giao dịch ký quỹ 50 - 50%, cùng với tăng biên độ giao dịch trên hai sàn, giảm 20% phí lưu ký chứng khoán…, trong thời gian qua là những điểm hỗ trợ cho sự phát triển của TTCK. Giới đầu tư cũng nhận thấy những tín hiệu tích cực trong Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, bởi nếu các quy định mới được thông qua, sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho thị trường.

Tuy nhiên, còn một số câu hỏi mà giới đầu tư đang chờ câu trả lời từ phía đại diện Chính phủ Việt Nam tại phiên họp VBF này.

Thứ nhất, bao giờ Dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định 55/2009/QĐ-TTg sẽ được phê duyệt, để triển khai trên thực tế?

Thứ hai, nội dung của Quyết định được phê duyệt bao gồm các quy định chi tiết nào, có thay đổi gì so với nội dung dự thảo mà Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành?

Thứ ba, theo những nội dung được đề cập trong Dự thảo, khá nhiều điểm còn mang tính nguyên tắc, nên khi được Chính phủ phê duyệt, liệu phương án nới room cho NĐT nước ngoài sẽ có hiệu lực ngay, hay phải đợi các hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBCK?

Cũng liên quan đến tâm điểm nới room, một kiến nghị đáng chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước đang mong đợi các cấp quản lý của Việt Nam sớm có câu trả lời, cũng như có lộ trình hành động cụ thể, đó là bao giờ tiến trình cổ phần hóa DNNN được làm nóng trở lại? Ngoài ra, nên giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở các ngành không nhạy cảm đối với an ninh quốc gia.

Theo đó, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo thúc đẩy quá trình cổ phần hóa. Cùng với đó, khẩn trương rà soát để giảm danh sách các ngành nhạy cảm. Tại các công ty cổ phần thuộc diện không nhạy cảm, Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, giới đầu tư kiến nghị, Việt Nam nên tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước thông qua thúc đẩy lộ trình bán cổ phần Nhà nước.

Với những DN thuộc diện này, trước mắt, có thể giảm sở hữu Nhà nước tại các công ty niêm yết về dưới mức 50%, nhưng vẫn trên mức 35%, sau đó có thể xem xét giảm thêm.

Sở dĩ cần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN diễn ra nhanh hơn, bởi theo quan điểm của giới đầu tư, khu vực DN này sử dụng nguồn vốn không hiệu quả, gây lãng phí và ngăn chặn cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

 

Chờ “điểm nổ” chính sách

Trong phần kiến nghị mà giới đầu tư trong và ngoài nước gửi tới VBF năm nay, số lượng các đề xuất liên quan đến sửa đổi, bổ sung chính sách giảm mạnh so với thông lệ nhiều kỳ VBF những năm trước đây. Điều này phản ánh “món nợ” chính sách đã được các cơ quan quản lý tích cực “thanh toán”.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, trong khi không đặt nặng việc ban hành nhiều chính sách mới, giới đầu tư lại đặc biệt quan tâm tới hoàn thiện chính sách để giải quyết những “nút thắt” lớn, mà nếu được tháo gỡ sẽ tạo sức lan tỏa rõ nét cho sự phát triển của TTCK, đơn cử câu chuyện nới room và cổ phần hóa nêu trên. Nói cách khác, giới đầu tư đang chờ “điểm nổ” chính sách.

Không phải ngẫu nhiên mà Ban tổ chức quyết định lấy chủ đề cho VBF cuối kỳ năm 2013 tương tự như VBF giữa kỳ năm nay là “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế -Từ chương trình tới hành động”. Điều này phản ánh, cùng với chờ “điểm nổ” chính sách, giới đầu tư đang kỳ vọng sẽ được chứng kiến những bước chuyển mạnh hơn trong tổ chức thực hiện những chính sách hiện có, để các cơ chế không còn nằm trên giấy, mà sẽ phát huy hiệu quả rõ nét trong thúc đẩy TTCK phát triển lành mạnh, bền vững.

>>ASEAN chuẩn bị cho một thị trường vốn không biên giới

>>Thị trường vốn muốn vững, phải minh bạch

>>Doanh nghiệp lớn là trụ cột của thị trường