Việc khách hàng quên đóng phí bảo hiểm, để quá thời hạn đóng phí bảo hiểm nên khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra không được bồi thường là câu chuyện không hiếm với bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, ở mảng phi nhân thọ việc chủ các tài sản sở hữu không kịp thời tái tục và đóng phí khi hết hạn hợp đồng để “ lỡ một ly” đi tiền tỷ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Việc đóng phí với các hợp đồng bảo hiểm khi đến hạn hoặc đến kỳ tái tục được thể hiện rất rõ trong hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng và công ty bảo hiểm.
Khi khách hàng sắp đến kỳ đóng phí, đến hạn chưa đóng phí, hợp đồng hết liệu lực cần tái tục…, công ty bảo hiểm cũng như đại lý chăm sóc khách hàng sẽ có nhiều hình thức nhắc khách hàng. Tuy nhiên, việc đóng phí, tái tục hợp đồng là nghĩa vụ mọi khách hàng khi mua bảo hiểm phải thực hiện để có thể nhận được quyền lợi của mình.
Trên thực tế, với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc huỷ hợp đồng do bên tham gia không đóng phí bảo hiểm theo đúng như cam kết đã được quy định rất rõ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 35, Luật Kinh doanh bảo hiểm “đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí nhiều lần, bên mua không thể đóng phí bảo hiểm vào kỳ hạn thì sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày gia hạn hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm.
Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong các hợp đồng bảo hiểm, tuy vậy nhiều người tham gia chưa tìm hiểu đầy đủ về hợp đồng và ghi nhớ điều này để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng phí trong quá trình tham gia, nên khi gặp rủi ro có thể gây thiệt hại tài chính cho người tham gia.
Đó là đối với bảo hiểm nhân thọ, với bảo hiểm phi nhân thọ vì đặc thù hợp đồng ký mỗi năm một nên khi hết hạn hợp đồng (thời hạn hợp đồng có ghi rất rõ trong hợp đồng bảo hiểm) nên việc quyết định tái tục hay mua hợp đồng bảo hiểm khác cần quyết định nhanh chóng vì rủi ro là không lường trước.
Thị trường bảo hiểm đã không ít chứng kiến các vụ khiếu nại giữa các bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm khi có sự kiện bồi thường xảy ra, bên bảo hiểm không giải quyết bồi thường vì bên đươc bồi thường đã hết hạn hợp đồng không tái tục hay bên nợ phí bảo hiểm… Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kể loại hình bảo hiểm nào như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ… hay bảo hiểm xe cơ giới.
Với bảo hiểm xe cơ giới, câu chuyện mất tiền vì không tái tục hợp đồng cũng không phải là hiếm. Theo các công ty bảo hiểm, với bảo hiểm xe cơ giới, cụ thể là "Bảo hiểm vật chất xe", phí thường được thanh toán 1 lần ngay sau khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết.
Trong trường hợp có được sự đồng ý của công ty bảo hiểm, phí bảo hiểm thanh toán theo kỳ, tuy nhiên thời hạn nộp phí và số phí bảo hiểm đóng theo từng kỳ phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Khách hàng có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của mình.
Theo Khoản 2, Điều 35, Luật Kinh doanh bảo hiểm “đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí nhiều lần, bên mua không thể đóng phí bảo hiểm vào kỳ hạn thì sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày gia hạn hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm.
Theo điều 21, thông tư 50/2017/TT/BTC ngày 15/05/2017 quy định cho phép khách hàng được nợ phí bảo hiểm, nhưng phải có điều kiện ràng buộc. Đó là bên mua bảo hiểm phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán, tất nhiên điều này phải được thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp khách hàng nợ phí và có tài sản bảo đảm, công ty bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thực hiện theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Điều này đồng nghĩa với việc tài sản bảo đảm phải có giá trị ít nhất bằng số phí bảo hiểm còn phải nộp và phải có tài liệu chứng minh thuộc sở hữu của bên mua bảo hiểm và chưa được dùng để thế chấp, cầm cố hoặc đảm bảo thực hiện các trách nhiệm khác của bên mua bảo hiểm. Còn nếu nợ phí có bảo lãnh thanh toán thì tổ chức thực hiện bảo lãnh phải có chức năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh và phải có hợp đồng về bảo lãnh thanh toán phí bảo hiểm.
“Trong trường hợp tái tục bảo hiểm khách hàng có thể được hưởng 1 số ưu đãi về phí bảo hiểm và miễn giảm thủ tục đánh giá rủi ro, tuy nhiên thời hạn đóng phí của Hợp đồng tái tục vẫn phải tuân thủ theo nội dung hợp đồng”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ.