Những gì mà chúng ta nghiễm nhiên công nhận kể từ sự sụp đổ của Bức tường Berlin - như sự lan tỏa của nền dân chủ và các thị trường mở, sự phát triển của toàn cầu hóa, tăng trưởng thương mại nhanh hơn tăng trưởng GDP, sức ảnh hưởng của Mỹ trong các tổ chức có vai trò tác động lên trật tự kinh tế thế giới thông qua các quy định, chính sách - hiện đang gặp nhiều thách thức.
Nhiều người tự hỏi, nền kinh tế lớn nhất thế giới và quốc gia thương mại đứng thứ hai toàn cầu này có đang rời bỏ cách tiếp cận đa phương đối với thương mại và rút lui khỏi tham vọng giảm các rào cản thương mại toàn cầu hay không?
Tự do thương mại thúc đẩy toàn cầu hóa
Chưa rõ nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp diễn như thế nào, nhưng dường như Mỹ có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận song phương đối với các hiệp định thương mại trong tương lai. Đối với những người ủng hộ thị trường mở và tự do thương mại, chắc hẳn sẽ thắc mắc, khi nào sẽ đến thời điểm của toàn cầu hóa?
Tại HSBC, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong giai đoạn có nhiều thay đổi như hiện nay là giúp khách hàng hiểu được các cơ hội, cũng như các nguy cơ của thế giới ngày càng biến đổi, với nhiều diễn biến phức tạp.
Điều đó có nghĩa cần đạt được 2 vấn đề. Đầu tiên, tìm các phương án giúp đẩy mạnh thông tin thương mại quốc tế đến với khách hàng, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế. Tiếp đó, giúp khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tài trợ thương mại với chi phí hợp lý và hiệu quả hơn, nhằm tăng tính cạnh tranh trong một môi trường toàn cầu vốn đã mang tính cạnh tranh cao.
Ông Douglas J Flint
Gần đây, tự do thương mại trở thành yếu tố chính thúc đẩy việc thực hiện 2 vấn đề này. Tuy nhiên, thách thức mà chúng ta đang đối mặt chính là: trong bối cảnh tự do thương mại không thể đẩy xa hơn nữa, chúng ta làm thế nào để đẩy mạnh dòng chảy giao thương, khi mà sự quyết tâm của các quốc gia trong việc hợp tác cùng nhau để dỡ bỏ các hàng rào thương mại bị suy yếu do xu hướng hoạt động độc lập ngày càng gia tăng?
Câu trả lời, theo tôi, là tập trung vào 3 ưu tiên chính. Thứ nhất, chúng ta phải đảm bảo rằng, các quy định tài chính tạo ra sự khích lệ, khuyến khích các ngân hàng thực hiện tài trợ thương mại, hoặc ít nhất đảm bảo rằng, họ không bị nản lòng khi thực hiện điều này. Điều không may là, đến thời điểm hiện tại, đa phần sự khuyến khích tập trung xoay quanh lĩnh vực nợ chính phủ và tài chính nhà ở.
Thứ hai, chúng ta phải nỗ lực tận dụng lợi ích từ việc số hóa trong lĩnh vực tài trợ thương mại để tăng tính hiệu quả, đồng thời giảm chi phí cho khách hàng.
Thứ ba, chúng ta phải phát triển các chuẩn mực chung nhằm tạo điều kiện cho điều này xảy ra một cách toàn diện và xuyên suốt, hơn là diễn ra manh mún, thiếu tính hệ thống.
Hiệp ước Basel III và các quy định
Các quy định tài chính được cải thiện chặt chẽ hơn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những thay đổi này được thực hiện nhằm hạn chế các hoạt động có thể gây ra, hoặc góp phần gây ra khủng hoảng. Chúng ta dành ít thời gian hơn cho việc đánh giá hoạt động nào cần được đẩy mạnh thông qua các quy định.
Các quy định về tài trợ thương mại có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với sản lượng thương mại toàn cầu, cũng như tăng trưởng kinh tế thế giới. Tất cả chúng ta đều biết rằng, tài trợ thương mại mang tính ngắn hạn, có tính thanh khoản và có rủi ro thấp, khi tỷ lệ vỡ nợ rất thấp.
Điều này đúng ngay cả trong thời điểm khủng hoảng tài chính. Song điều này đã không được xem xét trong lần đầu đánh giá lại chi phí vốn, với nguy cơ các sản phẩm thương mại có rủi ro thấp có thể được quy định tương tự như các sản phẩm có độ phức tạp nhiều hơn.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, dòng chảy thương mại toàn cầu đang đi theo những cách thức rất khác biệt
Việc phân bổ vốn không phù hợp có thể gây tác dụng ngược, khi khuyến khích các ngân hàng rời xa lĩnh vực tài trợ thương mại và tập trung vào các sản phẩm mang lại lợi nhuận cao, nhưng cũng có rủi ro cao nhằm điều chỉnh sự phân bổ vốn theo yêu cầu. Điều này có thể tác động xấu lên việc cho vay đối với các doanh nghiệp, tài trợ chuỗi cung ứng và tài trợ cơ sở hạ tầng, đồng thời có thể ảnh hưởng lên các thị trường mới nổi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhờ vào nỗ lực của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) và hỗ trợ của ngành ngân hàng, các nhà xây dựng luật châu Âu đã đề ra một tiền lệ tích cực, khi ghi nhận khoản tài trợ thương mại rủi ro thấp và có tính thanh khoản vào CRD 4, bỏ qua giới hạn 1 năm về kỳ hạn, mang lại sự phản ánh trung thực hơn về thanh khoản và áp dụng hệ số chuyển đổi phù hợp hơn. Đó là lý do tại sao việc đánh giá lại mức vốn yêu cầu theo rủi ro, có thể được hoàn tất trong tháng 1/2017, tạo thêm mối băn khoăn cho mảng tài trợ thương mại toàn cầu.
Tài trợ thương mại có thể chịu áp lực khi việc phân bổ vốn lại một lần nữa theo xu hướng không ghi nhận tính rủi ro thấp của các sản phẩm rủi ro tài trợ thương mại. Do vậy, điều cấp bách hiện nay là phải tiếp tục ủng hộ, thậm chí hỗ trợ các quy định phân bổ về tài trợ thương mại theo bộ quy định mới nhất của Basel, tương đồng với quy định trước đây của Liên minh châu Âu (EU) với CRD 4, vì khó có thể cùng lúc chịu ảnh hưởng bởi hạn chế của các quy định với tình trạng việc bảo hộ công nghiệp xảy ra ở mọi nơi.
Vì sao phải “số hóa” thương mại?
Tôi cho rằng, số hóa trong lĩnh vực thương mại là ưu tiên hàng đầu. Ưu tiên thứ hai là làm sao nắm bắt được các lợi ích có được từ việc số hóa tài trợ thương mại.
Công nghệ đang định hình thương mại một cách mạnh mẽ, nó quy định cách chúng ta giao thương như thế nào, những gì và ở đâu. Mạng Internet và sự di chuyển tự do của các dữ liệu sẽ quyết định thương mại trong thế kỷ 21. Truy dấu hàng hóa và dịch vụ là điều có thể thực hiện theo cách chưa từng diễn ra trước đó.
Tiến tới hệ thống thương mại không sử dụng giấy sẽ giúp giảm đáng kể các yếu tố kém hiệu quả và làm cho hoạt động thương mại an toàn hơn, giảm rủi ro bị gian lận và mất cắp dữ liệu
Một mô hình thương mại mới đang hình thành dựa trên xuất khẩu dịch vụ và dòng chảy của các linh kiện sản xuất. Các chuỗi cung ứng đang được định hình lại, những tiến bộ trong công nghệ vận tải và cơ sở hạ tầng có khả năng mở ra các hành lang thương mại mới. Mặc dù vậy, các quy trình hiện hữu đang điều tiết tài trợ thương mại phần lớn vẫn chưa được công nghệ chạm đến.
Thương mại tiếp tục tạo ra hàng trăm triệu chứng từ mỗi năm và đa phần trong đó đang được giải quyết thủ công. Điều này tạo ra sự trì hoãn, phát sinh lỗi và chi phí tăng đáng kể. Khoảng 50% chi phí của ngân hàng phát sinh từ việc xử lý và kiểm tra chứng từ bằng tay cho các tín dụng thư.
Thông qua sử dụng công nghệ mới, ví dụ như Blockchain cho tín dụng thư, chúng ta có thể nhìn thấy trước một thế giới, trong đó bao gồm một hệ thống lưu trữ các chứng từ được chia sẻ giữa tất cả các bên.
Lợi ích từ việc này là hết sức to lớn, chẳng hạn: hợp tác soạn thảo chứng từ trong một môi trường an toàn, chắc chắn về mặt pháp lý, quy trình xử lý thông tin nhanh trên nền tảng chia sẻ giúp loại bỏ những mâu thuẫn và giảm thiểu nhu cầu đối chiếu, cho phép tự động phát hành các chứng từ, khả năng kiểm tra chứng từ tốt hơn…
Tiến tới hệ thống thương mại không sử dụng giấy sẽ giúp giảm đáng kể các yếu tố kém hiệu quả và làm cho hoạt động thương mại an toàn hơn, giảm rủi ro bị gian lận và mất cắp dữ liệu. Nó sẽ giúp chúng ta cảm thấy yên tâm hơn và công việc thực hiện nhanh hơn. Trên thực tế, ngành dịch vụ tài chính đã có nhiều hoạt động giúp nhận diện tiềm năng của việc số hóa.
Tại HSBC, chúng tôi đang thực hiện việc số hóa đối với các dịch vụ tài chính liên quan đến thương mại cho khách hàng là các tổ chức lớn, cung cấp dịch vụ trực tiếp và đơn giản hóa hơn. Chúng tôi đang xây dựng nền tảng cho phép các khách hàng tự phục vụ, giúp giảm thiểu các cuộc gọi và di chuyển không cần thiết. Chúng tôi cũng đang phát triển ứng dụng truy dấu các giao dịch thương mại, cho phép khách hàng theo dõi hàng hóa của họ luân chuyển trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, chúng tôi hợp tác với các ngân hàng khác để củng cố mô hình Blockchain mà tôi đã đề cập ở trên và đóng góp một số sáng kiến liên ngành do SWIFT và ICC đứng đầu.
Đây là tất cả các bước quan trọng trên con đường tiến đến số hóa và chúng ta cần phải tiếp tục làm việc, vừa hợp tác vừa độc lập, nhằm tạo ra công nghệ mới, với các ứng dụng thực tiễn. Mặc dù vậy, ngành dịch vụ tài chính không thể tự số hóa hoạt động thương mại.
Các chuẩn mực chung
Điều chúng ta rất cần hiện nay là các chuẩn mực chung quy định ứng dụng của công nghệ. Đây cũng là ưu tiên thứ ba trong việc số hóa thương mại.
Nếu số hóa giúp đẩy mạnh thương mại toàn cầu thì các chuẩn mực chung sẽ cho phép thực hiện việc số hóa một cách đồng bộ. Sẽ có ít tranh cãi hơn khi tất cả các bên đều hoạt động dưới cùng một chuẩn mực. Với các chuẩn mực chung, các bên trung gian và công nghệ độc quyền sẽ là không cần thiết, từ đó giúp cho hoạt động thương mại trở nên đơn giản hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.
Tôi cho rằng, để có được sự đồng thuận, dù là với một phương án đơn giản nhất, cũng không hề đơn giản, đặc biệt với ngành công nghiệp, bởi những khác biệt về văn hóa, cũng như các thông lệ khác nhau. Tuy nhiên, nhu cầu thực hiện điều này phụ thuộc vào chúng ta.
Yêu cầu thay đổi vốn đã tồn tại, bắt nguồn từ các khách hàng, các nhà xây dựng luật và trong nội bộ ngành. Công nghệ để thực hiện điều này cũng đã có sẵn, chẳng hạn các công nghệ không độc quyền như Blockchain, có thể làm thay đổi hoàn toàn những ứng dụng đột phá trong việc số hóa tài chính thương mại. Bản chất của thế giới ngày nay cũng yêu cầu sự thay đổi tương tự, khi các rào cản thương mại ngày càng tăng và có ít lựa chọn dành cho tự do thương mại.
Trong những thời điểm và hoàn cảnh như vậy, chúng ta cần phải tìm những hướng đi mới làm gia tăng thương mại toàn cầu, thông qua tăng năng suất và hiệu quả của công việc tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp. Nhưng tất nhiên, không một doanh nghiệp đơn lẻ nào có thể thực hiện được điều này. Công việc này cần một nỗ lực hợp tác lớn trong ngành, giữa các chính phủ, ICC và các tổ chức khác. Và tất nhiên, HSBC mong muốn thực hiện vai trò của mình.
Phần thưởng sẽ là rất lớn
Nếu chúng ta có thể thực hiện những thay đổi cần thiết, phần thưởng sẽ là rất lớn. Cho dù niềm tin của chúng ta là gì đi nữa, tiềm năng của thương mại toàn cầu về cơ bản là vô cùng lớn. Sẽ có khoảng 5 tỷ người gia nhập vào tầng lớp trung lưu đến năm 2050, tất cả họ đều có nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ.
Trung tâm thương mại toàn cầu sẽ tập trung ở phía Nam và Đông, mở ra nhiều thị trường mới. Sản lượng kinh tế thế giới sẽ tăng gấp 3 trong cùng kỳ, với chất xúc tác là các thị trường mới nổi. Dịch vụ sẽ ngày càng định hướng thương mại. Và sự di chuyển tự do của dữ liệu sẽ quyết định tăng trưởng thương mại, tạo ra nhiều cơ hội mà chúng ta chưa nắm bắt được.
Chúng ta sẽ thấy một Trung Quốc năng động hơn và hướng đến toàn cầu hóa, sẽ là tác nhân thúc đẩy thương mại toàn cầu. Sức ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đang lan tỏa khắp châu Á - Thái Bình Dương, đáng chú ý nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, bao gồm 7 trong số 12 thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đầu tư từ Trung Quốc cũng sẽ làm gia tăng mạnh mẽ năng lực cơ sở hạ tầng tại các thị trường mới nổi.
Sáng kiến “Một con đường, một vành đai” càng giúp cải thiện nền tảng cơ sở hạ tầng ổn định tại châu Á và khuyến khích các dòng chảy thương mại “nam - nam” khởi sắc giữa châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Nhìn xa hơn, chúng ta có lý do để lạc quan về viễn cảnh tự do thương mại trong dài hạn.
Câu trả lời cho các vấn đề kinh tế và xã hội lớn của thế giới yêu cầu một sự toàn cầu hóa rộng hơn và tự do thương mại nhiều hơn. Tất cả những điều này, cuối cùng, sẽ dẫn đến một kỷ nguyên mới cho thương mại toàn cầu và để tận dụng triệt để điều này, chúng ta phải nhanh chóng thích nghi với những thực tế mới và thực hiện nhiều thay đổi cấp bách.