Canon vẫn “sống khoẻ” tại thị trường Việt Nam
Đều đặn hàng năm, cứ vào dịp tháng 2 - 3 và tháng 11 - 12, Hãng Canon (Nhật Bản) có 2 đợt giới thiệu sản phẩm (gồm các máy ảnh, máy in và máy quay phim cầm tay). Trong đó, dòng máy ảnh bao gồm dòng máy chuyên nghiệp DSLR (máy ảnh kỹ thuật số ống kính rời) và máy compact du lịch.
So với trước đây, Canon đã ra mắt nhiều sản phẩm hơn nhằm đáp ứng tốt hơn những nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Đầu tháng 3 vừa qua, Canon đã công bố danh sách các sản phẩm mới nhất mà Hãng sẽ tung ra thị trường trong năm nay. Danh sách này gồm 4 dòng máy ảnh compact là PowerShot N100, PowerShot S200, PowerShot SX600 HS, IXUS 265 HS và máy in cầm tay Legria Mini X.
Năm 2013 vẫn được coi là năm thành công lớn với Canon tại thị trường Việt Nam, khi ghi nhận mức tăng trưởng hơn 160% (xét theo doanh thu) so với năm 2012. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường GFK, với việc chiếm 62% thị phần máy ảnh chuyên nghiệp, 42% thị phần máy ảnh compact, Canon trở thành thương hiệu máy ảnh dẫn đầu tại Việt Nam.
Có vẻ như vận may vẫn mỉm cười với Canon tại Việt Nam, bởi trên thị trường toàn cầu, Hãng này đang phải đối mặt với doanh số sụt giảm, buộc phải hạ thấp các chỉ tiêu kinh doanh, cho dù vẫn đều đặn tung ra các sản phẩm mới.
Đó cũng là lý do vì sao, thị trường Việt Nam đang có một vai trò vô cùng quan trọng đối với Canon tại khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
“Khi lựa chọn Canon, các khách hàng Việt Nam đều có tỷ lệ quay lại cao với thương hiệu này. Điều đó chứng minh chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Canon không đổi. Năm nay, chúng tôi quyết tâm giữ vững ngôi vị hàng đầu và phát triển vững mạnh thêm cho các dòng sản phẩm máy ảnh chủ lực của mình”, ông Nick Yoshida, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Canon Marketing Vietnam vui vẻ nói.
Thế nhưng, không phải hãng nào cũng may mắn như Canon. Báo cáo của GFK về thị trường công nghệ điện tử Việt Nam cho thấy, tổng doanh thu năm 2013 của các sản phẩm điện tử, điện máy đã đạt 113.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2012.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này lại đến từ điện thoại, với doanh thu hơn 40.400 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2012; máy tính bảng (tablet) chiếm vị trí thứ 2, với 26.600 tỷ đồng, tăng 8,3%. Đáng chú ý là phân khúc máy ảnh đã tăng trưởng âm so với năm trước. Đây có thể là dấu hiệu bước đầu “báo tử” đối với mảng máy ảnh trước làn sóng phát triển như vũ bão của các dòng điện thoại smartphone.
Dồn lực cho dòng máy ảnh cao cấp
Trên thị trường toàn cầu, Canon đã quyết định từ bỏ phân khúc dòng máy ảnh kỹ thuật số giá rẻ. Thay vào đó, Hãng tập trung nguồn lực cho ống kính máy ảnh và dòng DSLR, cao cấp và đắt tiền hơn.
Ông Nick Yoshida cho hay: “Chúng tôi chú trọng đầu tư phát triển vào các dòng máy ảnh theo đúng phong cách của mình, đó là chất lượng hình ảnh và sử dụng tiện lợi”.
Chiến lược này của Canon đang bộc lộ rõ qua những sản phẩm mới ra mắt gần đây nhất. Các dòng ống kính rời DSLR EOS mới, như 70D cũng như các dòng máy compact du lịch gọn nhẹ, như PowerShot SX600 HS, PowerShot G16, IXUS 265 HS đều có sự đầu tư phát triển công nghệ kết nối không dây, thuận lợi cho người sử dụng.
“Nhờ cải tiến kịp thời, thậm chí đi trước nhu cầu của người sử dụng và chú trọng vào chất lượng sản phẩm, nên chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ từ khách hàng tại thị trường trong nước và quốc tế”, ông Nick Yoshida chia sẻ.
Ngoài ra, điều khiến Canon tự tin hơn với chiến lược tập trung công nghệ để phát triển cho phân khúc sản phẩm máy chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp như hiện nay, vì nhu cầu cho nhiếp ảnh chuyên nghiệp đang tăng nhanh tại Việt Nam.
Samsung, Sony… cũng không ngồi yên
Trong khi đó, cuối năm 2012, Hãng Samsung (Hàn Quốc) đã tung ra dòng sản phẩm Samsung Galaxy Camera 1 là máy ảnh compact chạy hệ điều hành Android. Tuy nhiên, mới ra mắt hơn 3 tháng tại thị trường Việt Nam, dòng sản phẩm này đã sụt giá gần 1/3, từ 12,8 triệu đồng xuống còn 8,8 triệu đồng.
Theo nhiều nhà phân phối, bán lẻ, nhu cầu của khách hàng đối với dòng máy ảnh này không cao xuất phát từ hai lý do.
Thứ nhất, những chức năng mà Galaxy Camera cung cấp không vượt trội hơn những dòng điện thoại cao cấp có khả năng chụp ảnh tốt, trong khi mức giá của máy lại khá cao.
Thứ hai, thương hiệu của Samsung trong lĩnh vực máy ảnh số vẫn chưa đủ sức cạnh tranh, với các đối thủ “sừng sỏ” hơn, như Canon, Nikon, Sony… Tuy nhiên, sau đó, Samsung đã tiếp tục tung ra chiếc máy ảnh Samsung Galaxy Camera 2, chạy hệ điều hành Android. Samsung đã trình làng sản phẩm này tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng quốc tế CES 2014 (ở Las Vegas, Mỹ) và tiếp tục mang đến Triển lãm Nghe nhìn và gia dụng (SEA Forum 2014) tại Bali (Indonesia) trong tháng 2/2014, trước khi bán ở Việt Nam. So với Samsung Galaxy Camera đời đầu, model mới vẫn giữ nguyên cảm biến và kích thước, chỉ có một vài thay đổi về cấu hình máy.
Riêng Hãng Sony (Nhật Bản) lại dồn lực vào mảng thiết bị di động đang thống trị thị trường, với át chủ bài là dòng sản phẩm smartphone Xperia.
Sau khi chứng kiến các đối thủ Canon và Nikon ra mắt một loạt máy ảnh mới, Sony cũng đã tỏ ra không thua kém.
Đại diện Sony Electronics Việt Nam cho hay, một khi nhu cầu thị trường về máy ảnh du lịch giá thấp giảm đi, thì Sony sẽ tập trung vào các dòng máy ảnh compact nhỏ, gọn cao cấp, với chất lượng hình ảnh xuất sắc cùng những tính năng chỉ có thể tìm thấy trên thiết bị chuyên dụng.
Trong đó, đáng chú ý là các dòng DSC-RX1R, DSC-RX100 II và WX với nhiều tính năng vượt trội, như zoom quang học cực lớn, tăng cường ổn định hình ảnh trong một thân máy nhỏ, gọn…
Bên cạnh việc phát triển các dòng máy ảnh kỹ thuật số compact cao cấp, Sony đang đặc biệt chú trọng vào các dòng máy ảnh có thể thay đổi ống kính. Sau thành công của A100, chiếc DSLR đầu tiên, Sony đã quyết định mở rộng dòng máy ảnh số ống kính đơn Alpha của mình bằng sản phẩm thứ hai mang tên A700, với cảm biến ảnh 12,2 Megapixel, hệ thống ổn định ảnh và cổng ra HDMI.
Đây là một phần trong nỗ lực của Sony nhằm bắt kịp hai đối thủ Canon và Nikon trong mảng máy ảnh DSLR, vốn đang là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực máy ảnh. Dù đang là hãng sản xuất máy ảnh lớn thứ hai thế giới (sau Canon), nhưng nếu xét riêng trong mảng sản phẩm DSLR, Sony lại đứng thứ 3 (sau cả Nikon).
Hiện tại, người tiêu dùng thích chi tiền cho smartphone và tablet hơn là máy ảnh độc lập chất lượng cao. Song những động thái của các nhà sản xuất máy ảnh nêu trên cho thấy, họ luôn cố gắng xóa tan quan điểm bi quan về việc smartphone đang gây thương tổn thị trường máy ảnh.