Tỷ phú Trung Quốc Vương Kiến Lâm. (Nguồn: AFP)
Tài sản của Vương Kiến Lâm, người sáng lập tập đoàn bất động sản và giải trí Wanda Group đã tăng vọt từ 13,2 tỷ USD lên mức 30 tỷ USD, trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc năm 2015 của Forbes.
Trong bối cảnh tăng trưởng ì ạch của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, thành tựu đáng kể này có được là nhờ thành công của hai trong số các công ty con của Wanda Group.
Ông Vương cho rằng lực tác động từ thị trường và khả năng sáng tạo mới là những yếu tố gây dựng nên các công ty lớn tại Trung Quốc, chứ không phải là các mối quan hệ cá nhân.
“Có tiền thì thật tốt,” ông phát biểu trong ít phút ngắn ngủi xuất hiện tại buổi công bố danh sách. “Hầu hết những người có tiền, đặc biệt là những người cực kỳ giàu có, đều là những người tốt.”
Theo tỷ lệ tích lũy trung bình của ông Vương vào năm ngoái, thì chỉ trong 7 phút đứng trên sân khấu, ông đã có thể giàu lên tới hơn 200.000 USD.
Bên ngoài Trung Quốc, Vương Kiến Lâm được biết đến với một chuỗi các thương vụ mua lại công ty nước ngoài, bao gồm nhà tổ chức cuộc thi thử sức bền Ironman, tập đoàn marketing thể thao Infront của Thụy Sỹ và cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá Atletico Madrid của Tây Ban Nha.
Ông được cả thế giới chú ý đến vào năm 2012 khi mua lại chuỗi rạp chiếu phim AMC Entertainment của Mỹ với giá 2,6 tỷ USD.
Ông Vương đã từ hạng 4 vươn lên hạng nhất trong danh sách của Forbes, một trong số những danh sách xếp hạng người giàu có nhất Trung Quốc.
Ông đã đánh bật Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ khổng lồ Alibaba, người đã tụt xuống vị trí thứ hai với 21,8 tỷ USD do giá cổ phiếu của công ty này sụt giảm tại New York.
Forbes cho biết 100 người giàu nhất Trung Quốc có tổng giá trị là 450 tỷ USD, tăng gần 20% trong vòng một năm - nhanh hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng GDP 6,9% hiện tại của nước này, bất chấp bối cảnh thị trường chứng khoán của Trung Quốc đang vấp phải nhiều khó khăn.
Sáu trong số 10 người giàu nhất Trung Quốc thuộc vào ngành công nghệ, trong đó có Mã Hoa Đằng thuộc công ty Tencent (thứ ba), Lôi Quân của Xiaomi (thứ tư) và Robin Li của công cụ tìm kiếm Trung Quốc Baidu, người tụt 4 hạng từ vị trí thứ 2 xuống thứ 6.
“Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua thời kỳ biến đổi về mặt cấu trúc,” người soạn ra danh sách, biên tập viên cấp cao của Forbes Russell Flannery cho biết, và nói thêm rằng những người giàu đã tìm ra “những cơ hội mới từ sự chuyển biến này”.