Tài sản cố định “cùn mòn”
Theo báo cáo tài chính quý bán niên 2019 đã soát xét, tài sản dài hạn của REE lên tới 9.822,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài sản cố định của công ty này lại ở mức thấp, chỉ với 423 tỷ đồng, chiếm 4,3% tài sản dài hạn và chiếm chưa đến 2,4% tổng tài sản. Đây là điều khá nghịch lý với một doanh nghiệp ngành công nghiệp thường có quy mô tài sản cố định lớn.
Trong cơ cấu tài sản cố định của REE, tài sản cố định hữu hình có giá trị 393 tỷ đồng. Trong đó, nhà cửa kiến trúc có giá trị 205,6 tỷ đồng, máy móc thiết bị là 160,7 tỷ đồng, phương tiện vận tải 45,8 tỷ đồng, thiết bị văn phòng 2,4 tỷ đồng, còn lại là các tài sản khác. Ngoài ra, REE còn có một phần tài sản cố định vô hình có giá trị hơn 30 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là quyền sử dụng đất.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính của REE, giá trị tài sản hữu hình và vô hình trên bảng cân đối kế toán được thể hiện theo nguyên giá, trừ đi khấu hao lũy kế. Trong đó, nguyên giá bao gồm giá mua cộng thêm những chi phí có liên quan trực tiếp để đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng hoạt động.
Thực chất, nếu tính nguyên giá thời điểm ban đầu đầu tư, thì tổng giá trị tài sản cố định chưa trích khấu hao lên đến 1.732,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối tài sản này sau quá trình sử dụng đang dần “cùn mòn” gần hết, chỉ còn khoảng 25% giá trị so với ban đầu.
Về nguyên tắc trích khấu hao, REE thực hiện trích khấu hao theo phương pháp đường thẳng, trong đó thời gian hữu dụng ước tính của nhà cửa, vật kiến trúc là từ 5 đến 50 năm, giá trị quyền sử dụng đất 36 đến 50 năm. Các tài sản cố định khác được thực hiện trích khấu hao trong khoảng thời gian từ 3 đến 7 năm.
Nguồn lực ở đâu?
Trong bối cảnh tài sản cố định đã hao mòn rất nhiều, việc đầu tư gia tăng nguồn lực cho khối tài sản này của REE lại tỏ ra khá cầm chừng. Tại báo cáo tài chính bán niên, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của REE chỉ là 342 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần cho hoạt động đầu tư 6 tháng đầu năm 2019 dù âm tới gần 962 tỷ đồng, nhưng phần được Công ty dành chi ra cho việc mua sắm và xây dựng tài sản cố định chỉ là 196,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Tuy giá trị tài sản cố định nhỏ, nhưng REE có một nguồn lực bất động sản đầu tư có giá trị ở mức khá, với 1.552 tỷ đồng, trong đó nguyên giá là 2.213 tỷ đồng. Một phần lớn giá trị bất động sản đầu tư đáng quan tâm của REE là Tòa nhà Quang Trung (Hà Nội) đang được cho đối tác thuê. Song đối tác thuê đang đề nghị thanh lý sớm hợp đồng và các bên vẫn đang làm việc với nhau về vấn đề này.
Với trạng thái tài sản hiện nay, nguồn lực chính của REE nằm ở nhóm tài sản là đầu tư tài chính dài hạn, với giá trị tại ngày 30/6/2019 lên tới 7.186,7 tỷ đồng, riêng đầu tư vào công ty liên kết lên tới 6.370 tỷ đồng. Khoản đầu tư tài chính dài hạn theo đó chiếm tới hơn 73% tài sản dài hạn, gấp 4,6 lần bất động sản đầu tư và gấp 17 lần tài sản cố định.
Đây cũng có thể coi là một trong những nguồn lực mạnh nhất cho REE trong kinh doanh. Vì thế, việc một số doanh nghiệp ngành điện nước suy giảm kinh doanh trong thời gian gần đây đã làm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của REE.
REE đầu tư vào 20 công ty liên kết
Danh mục đầu tư vào các công ty liên kết của REE là 20 công ty, trong đó có 6 công ty thủy điện, 2 công ty nhiệt điện, 1 công ty điện gió, 8 công ty cung cấp nước, 2 công ty bất động sản và 1 công ty cơ điện. Tỷ lệ sở hữu của REE tại các công ty liên kết này dao động từ khoảng 20% đến trên 40%.