Tái cơ cấu thị trường tài chính,  kéo vốn nhàn rỗi vào nền kinh tế

Tái cơ cấu thị trường tài chính, kéo vốn nhàn rỗi vào nền kinh tế

(ĐTCK) Tại Việt Nam, hiện có khoảng 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi đang "ngủ yên" trong dân, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong bối cảnh thị trường khát vốn như hiện nay, cần có giải pháp "đánh thức" lượng vốn đầy tiềm năng này để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. 

Thị trường tài chính đang mất cân đối

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VIEF 2018) với chủ đề “Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam – Thách thức và Giải pháp” vừa diễn ra, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thẳng thắn thừa nhận bức tranh thị trường tài chính Việt Nam vẫn trong tình trạng mất cân đối, dù gần đây đã có sự cải thiện cả về quy mô và lượng vốn hóa.

Tính tới thời điểm hiện tại, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là khả năng cung ứng vốn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò là kênh dẫn vốn của nền kinh tế.

Cùng với đó, thị trường vốn vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, trong khi các ngân hàng cũng đang thiếu vốn và chưa thể cung cấp những gói vay dài hạn. Hệ thống luân chuyển dòng vốn chưa hiệu quả, thể hiện qua sự bất hợp lý trong việc phân bổ nguồn lực giữa các ngành kinh tế...

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hiện nay, tỷ trọng vốn ngắn hạn chiếm 70% tổng vốn cho vay trên thị trường vốn, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thấp, chỉ là 1,25%. Về kỳ hạn trái phiếu, trước đây chỉ kéo dài khoảng 3 năm, giờ phát hành 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm.

Số liệu được ông Fiachra MacCana, Giám đốc điều hành Khối Khách hàng tổ chức, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), đưa ra cũng thể hiện ngành ngân hàng Việt Nam đang thiếu vốn.

Nhiều ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) năm 2017 theo chuẩn Basel I là từ 10-16%, gây khó khăn trong việc áp dụng chuẩn Basel II.

Vay thế chấp giai đoạn 2015-2017 tăng từ 24,6 tỷ USD lên 43,8 tỷ USD, nhưng tỷ trọng so với GDP chỉ ở  mức 19,6%. Đây là tỷ lệ thấp nếu so với các nước lân cận như Malaysia (42,4%), Thái Lan (46,8%), Singapore (54,2%)...

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, thực trạng này khiến thị trường nội địa luôn thiếu hụt nguồn vốn dài hạn, hệ thống tài chính bị chi phối và phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, mà những thương vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như Vinamilk, Sabeco… là ví dụ điển hình. 

Tái cấu trúc, thiết lập sự cân bằng 3 thị trường vốn

Để giải quyết tình trạng trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải thực hiện song song 2 giải pháp: Tăng vai trò của thể chế phi ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng thời giải quyết sự mất cân đối của thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Trong bối cảnh vốn mỏng của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, giới quan sát cho rằng, việc tạo nguồn vốn dài hạn để thiết lập sự cân bằng của hệ thống tài chính là giải pháp hữu hiệu nhất, trong đó tập trung phát triển các định chế phi tài chính thông qua các giải pháp huy động vốn đa dạng, tạo dư địa dồi dào cho nguồn vốn dài hạn.

Với định hướng này, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, chiến lược của thị trường tài chính Việt Nam là tái cấu trúc, thiết lập sự cân bằng giữa 3 "chân kiềng" là thị trường tín dụng, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu.

Theo ông Dũng, thị trường trái phiếu chính phủ của Việt Nam hiện rất phát triển và trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, thị trường vốn cần có chính sách phù hợp để cân bằng thị trường tín dụng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu.

Hiện nay, Việt Nam mới có khoảng 2.000 nhà đầu tư tổ chức - con số rất khiêm tốn nếu so với các nước trong khu vực. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, dù là cá nhân hay tổ chức. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, các mô hình quỹ đầu tư... song song với đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thị trường tài chính Việt Nam trong những năm qua tuy chưa đạt kết quả như kỳ vọng, nhưng điều đáng ghi nhận là thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ đã có những bước tiến mạnh mẽ.

"Theo ước tính, vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2017 tăng trưởng trên 70% và trở thành kênh cung cấp vốn quan trọng cho nền kinh tế. Với thị trường tiền tệ, tính chung, tỷ lệ tín dụng trên GDP đạt khoảng 130%", bà Hồng nói.

Tích cực là vậy, song đây đều là nguồn vốn ngắn hạn, nên nhu cầu vốn trung và dài hạn vẫn rất lớn, tạo sức ép cho các tổ chức tín dụng.

Để khắc phục những điểm yếu này, bà Hồng cho biết, NHNN đã và đang tập trung cân đối nguồn vốn để kiểm soát rủi ro, nhất là tại các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản và chứng khoán, đồng thời chính sách lãi suất cũng khuyến khích vốn dài hạn để cải thiện nguồn vốn này.

Để gia tăng nguồn vốn dài hạn thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách môi trường pháp lý, chính sách minh bạch để gia tăng vai trò của các định chế phi ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho thị trường.

Theo ông Fiachra MacCana, để nâng cao tính minh bạch, điều quan trọng là thông tin về việc mua bán cổ phiếu cần phải được cung cấp đầy đủ, rõ ràng ra thị trường, hoạt động truyền thông cần chính xác, nhanh chóng và tin cậy để nhà đầu tư thực sự yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam. 

60 tỷ USD tiền nhàn rỗi cần được "đánh thức"

Ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia tài chính trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có nguồn nội lực lớn chưa được khai thác, thể hiện ở con số 60 tỷ USD tích lũy tài sản trong dân. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa được nguồn lực lớn này vào nền kinh tế, giải quyết sự mất cân bằng và tình trạng khát vốn của nền kinh tế.

“Cần phải có giải pháp để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, đồng thời, tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường cổ phiếu, trái phiếu của Việt Nam phát triển”, ông Alatabani gợi mở và cho rằng, đây chính là 1 trong 2 đề bài thách thức cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Với đề bài còn lại, theo khuyến nghị của chuyên gia tài chính trưởng WB, là biến Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn. Về lời giải cho đề bài này, ông Alatabani gợi ý, có thể cân nhắc tới quỹ đầu tư cho người về hưu đang được nhiều nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm, mô hình này có thể thực hiện thành công tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới.

Cũng đặt niềm tin mạnh mẽ vào nguồn nội lực, ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn của WB cho rằng, huy động nguồn vốn nhàn rỗi của người dân là một trong những giải pháp hiệu quả cho việc tái cơ cấu thị trường vốn Việt Nam.

“Vấn đề đặt ra là làm thế nào để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng... Ở đây, các nguồn tích lũy tiết kiệm cần được đầu tư vào đâu là câu hỏi cần được trả lời”, ông Ketut Kusuma đặt vấn đề và cho rằng, việc huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân hiệu quả sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của thị trường.

Để thực thi giải pháp này, ông Ketut Kusuma đưa ra một số khuyến nghị như tăng cường tính minh bạch trong khung thông tin, tiếp tục công cuộc cải cách thị trường trái phiếu chính phủ, thúc đẩy hệ thống đầu tư tư nhân mở rộng quỹ đầu tư hưu trí, quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu rộng rãi trong công chúng, mở rộng quy mô của các quỹ nhà nước, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ lương hưu.

Gợi mở thêm về giải pháp mở rộng thị trường vốn, ông Ketut Kusuma cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi tiềm năng của thị trường này là rất lớn, trong đó trọng tâm tăng trưởng nằm ở khối doanh nghiệp tư nhân.

Kiên quyết để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được công nhận là thị trường mới nổi

Để hiện thực hóa mục tiêu nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trong 2 năm tới, cần kiên trì xây dựng thị trường chứng khoán bền vững, lành mạnh. Chính phủ sẽ chỉ đạo và ban hành chiến lược về phát triển thị trường chứng khoán để có thể tái cơ cấu mạnh mẽ.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngoài các đơn vị xếp hạng tín nhiệm, cần có trung tâm chứng khoán doanh nghiệp đưa vào giao dịch để tạo thanh khoản. Hiện Chính phủ đã ban hành Quyết định 1191 về phát hành trái phiếu chính phủ và giao cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện, trong đó có Dự thảo Nghị định 90 về phát triển thị trường chứng khoán. Thông điệp của Chính phủ là kiên quyết để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được công nhận là thị trường chứng khoán mới nổi.

Ông Vương Đình Huệ - Phó thủ tướng Chính phủ

Phát triển quỹ hưu trí tự nguyện, tạo nguồn cho vốn dài hạn

Để phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam, cần giải quyết được 3 vấn đề. Thứ nhất là thuế: để thúc đẩy nhà đầu tư tham gia cần có ưu đãi thuế, trong đó ưu đãi đầu vào cho các nhà đầu tư cá nhân. Thứ hai là nâng cao nhận thức sản phẩm: Cần sự tham gia của nhiều bên. Thứ ba là cần có cơ chế cho sản phẩm.

Tại Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chưa quen đầu tư dài hạn, trong khi để tham gia quỹ hưu trí đòi hỏi đầu tư trong 20-40 năm. Điều này chắc chắn khiến họ e ngại. Do đó, cần có cơ chế cho nhà đầu tư, chẳng hạn cho phép rút vốn sớm để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt thông thường như trả học phí, mua nhà...

Bà Nguyễn Thị Thái Thuận - Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ VinaWealth

Tin bài liên quan