Tái cơ cấu ngân hàng, nhận diện những lực cản

Tái cơ cấu ngân hàng, nhận diện những lực cản

(ĐTCK) Sau một vài thương vụ hợp nhất, sáp nhập thành công, tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sắp tới sẽ phải tiếp tục triển khai với những bước đi nào đang là câu chuyện được dư luận quan tâm.

Tái cơ cấu ngân hàng, nhận diện những lực cản ảnh 1Sáp nhập Habubank vào SHB là thương vụ sáp nhập tự nguyện đầu tiên trong ngành ngân hàng

 

Đầu đã xuôi…

Ngày 6/12/2011, ba ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) có tổng vốn điều lệ ước khoảng 10.600 tỷ đồng và tổng tài sản 154.000 tỷ đồng là trường hợp đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố hợp nhất tự nguyện kể từ khi chủ trương tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng được triển khai vào tháng 10/2011. Được biết, thời gian trước đó, 3 ngân hàng này gặp khó khăn về thanh khoản chủ yếu do dùng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Do vậy, khi nguồn vốn ngắn hạn không còn dồi dào, cả 3 đơn vị đã mất khả năng thanh toán tạm thời.

Ngày 7/8 vừa qua, NHNN đã ký quyết định chấp thuận sáp nhập Habubank vào SHB, hoàn tất thương vụ sáp nhập tự nguyện đầu tiên trong ngành ngân hàng. Theo đó, cái tên Habubank không còn tồn tại. SHB sau khi sáp nhập Habubank có tổng vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng (tương đương với quy mô của các nhà băng trong khối G12).

Đó là những bước đi đầu tiên trong hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng - một trong ba trụ cột tái cấu trúc nền kinh tế - đã được NHNN triển khai dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, sau các bước đi này, một số ý kiến cho rằng, tiến trình tái cấu trúc ngân hàng có vẻ như đang chùng xuống. Vậy đâu là lực cản đối với hoạt động tái cơ cấu và sắp tới, NHNN sẽ tiếp tục có những động thái gì để “tiếp lửa” cho tiến trình này?

Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực tài chính - ngân hàng của một công ty kiểm toán quốc tế nhận định, giảm số lượng ngân hàng là bước đi đúng đắn trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống. Đặc biệt, với đặc thù hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, một ông chủ có thể tham gia sở hữu nhiều ngân hàng, năng lực điều hành, quản trị tại nhiều đơn vị còn yếu kém…, việc thu hẹp về số lượng và qua đó nâng cao chất lượng các ngân hàng là tiến trình không thể đảo ngược. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia cũng trải qua quá trình bùng nổ về số lượng ngân hàng và phải tái cơ cấu với những bước đi mà Việt Nam đang đi. Điển hình như thời cao điểm, Malaysia có 59 ngân hàng, nay cắt giảm còn khoảng 10 đơn vị; Thái Lan từng có 90 ngân hàng, nay còn khoảng 15 đơn vị.

Đồng quan điểm trên, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, sáp nhập là phương án phổ biến khi ngành ngân hàng cần được tái cấu trúc. Tuy nhiên, ông Kimura phân tích, nếu hai ngân hàng yếu hợp nhất với nhau thì có khả năng sẽ tạo ra một đơn vị lớn, nhưng “rất yếu”, bởi tổng hòa những tồn tại trong từng đơn vị sẽ tạo ra những hệ lụy rất khó giải quyết. Do đó, quá trình này nên là một ngân hàng yếu được sáp nhập với một ngân hàng mạnh, để ngân hàng sau sáp nhập có thể hưởng lợi nhờ thế mạnh về tiềm lực tài chính, quản trị, nhân sự… của đơn vị mạnh hơn.

Với băn khoăn về sự chùng lại của tiến trình tái cấu trúc, theo tìm hiểu của ĐTCK, trên thực tế, tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn đang được NHNN âm thầm tiến hành thông qua việc hỗ trợ các ngân hàng yếu kém về thanh khoản trong ngắn hạn cũng như định hướng dài hạn. Tuy nhiên, đúng là đang có những sự thận trọng nhất định của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, bởi những vấn đề nội tại của các ngân hàng dự kiến sẽ được yêu cầu sáp nhập, hợp nhất và một số ẩn số khách quan.

 

Lực cản tái cơ cấu

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khuyến nghị: “Để tái cơ cấu hệ thống NHTM thành công, về lý thuyết, thông lệ quốc tế và cả thực tiễn Việt Nam đã chỉ ra rằng, cần làm rõ các ẩn số có liên quan đến mô hình/định dạng hệ thống NHTM sau tái cơ cấu, nguồn lực tài chính cho tái cơ cấu, vai trò của công ty mua bán nợ quốc gia trong quá trình tái cơ cấu, cơ quan đầu mối và phối hợp trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, mối liên hệ giữa tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và phương pháp đánh giá hiệu quả của quá trình tái cơ cấu”.

Về lực cản khách quan, ông Tomoyuki Kimura nhận xét: “Điều kiện thị trường Việt Nam hiện không thuận lợi nên sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng trong nước không nhiều. Còn nếu muốn dùng tiền công để giải cứu các ngân hàng riêng lẻ thì cần phải có sự minh bạch. Tại sao ngân hàng này cần được cứu mà không phải ngân hàng kia? Bởi rõ ràng, không có bữa trưa nào là miễn phí”.

Còn vị phó tổng giám đốc công ty kiểm toán cho rằng: “Với các ngân hàng yếu kém thuộc diện phải sáp nhập, sự đụng chạm đến lợi ích của ông chủ ngân hàng cũng là nguyên nhân khiến họ trì hoãn quá trình sáp nhập. Bên cạnh đó là những băn khoăn về cơ chế hỗ trợ của cơ quan quản lý với ngân hàng sau sáp nhập chưa rõ ràng khiến các ngân hàng nhận sáp nhập cũng ngần ngại”.

Về lý thuyết, kinh doanh ngân hàng là ngành kinh doanh có điều kiện, nếu có nhiều ngân hàng, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn, được phục vụ tốt hơn. Nhưng nhìn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay khi các ngân hàng giống nhau về sản phẩm, dịch vụ, địa bàn hoạt động chồng chéo… đã có những tác động không tốt đến thị trường cũng như nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi tình trạng lách trần lãi suất, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bảo lãnh khống… đang diễn ra khá thường xuyên, gây nhức nhối cho toàn xã hội.

“Những ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém trong quản trị, điều hành… nếu có biến mất cũng không làm tổn hại nền kinh tế, không ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Do vậy, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được NHNN tiến hành thông qua việc giảm số lượng ngân hàng, tạo dựng những tập đoàn tài chính mạnh mẽ, cung cấp vốn lớn, đầu tàu cho nền kinh tế là việc nên làm và cần được đẩy nhanh”, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.