Khó khăn tăng vốn điều lệ
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, tính đến ngày 31/7/2018, tổng vốn huy động của Ngân hàng đạt 1.123.540 tỷ đồng, tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng dư nợ, đảm bảo an toàn thanh khoản, cơ cấu vốn có xu hướng tăng tiền gửi kỳ hạn dài, an toàn và hiệu quả.
Tổng dư nợ cho vay và đầu tư đạt 1.185.855 tỷ đồng, trong đó: Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 73,4%, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung chủ yếu vào nông nghiệp - nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo Thông tư 02 là 1,96%, thấp hơn 0,35% so với cùng kỳ năm 2017; đến ngày 31/7/2018, lợi nhuận trước thuế đạt 3.600 tỷ đồng.
Ông Khánh nhận định: “Về cơ bản, Agribank sẽ hoàn thành và hoàn thành trước thời hạn các chỉ tiêu đề ra trong Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, còn 2 mục tiêu quan trọng nếu không có sự hỗ trợ tích cực của các bộ ngành và Chính phủ thì chắc chắn Agribank sẽ khó có thể vượt qua”.
Cụ thể, thứ nhất, vấn đề bổ sung vốn điều lệ. Agribank hiện là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn điều lệ dựa vào ngân sách nhà nước cấp là chính.
Từ năm 2011 đến nay, Agribank mới được cấp 8.300 tỷ đồng, vốn điều lệ của Ngân hàng đang là 30.000 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước dẫn đến năng lực tài chính hạn chế, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt thấp, ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Dự kiến thời điểm NHNN ban hành Quyết định cổ phần hóa là vào ngày 1/10/2018, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 31/12/2018. Với điều kiện các công việc được triển khai tối ưu, không bị trì hoãn thì nhanh nhất cũng phải đến năm 2020, Agribank mới có thể thực hiện IPO
Thứ hai là vấn đề cổ phần hóa. Thực hiện Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 792/TTGSNH1 ngày 17/3/2017 của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - NHNN về triển khai cổ phần hóa Agribank, đến nay, cơ bản công tác chuẩn bị cổ phần hóa đã được Ngân hàng chủ động thực hiện và có thể triển khai ngay khi có Quyết định cổ phần hóa và kế hoạch, lộ trình được NHNN phê duyệt.
Tuy nhiên, do sự khác biệt về quy mô tài sản, mạng lưới, con người…, quá trình triển khai cổ phần hóa Agribank sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Dự kiến thời điểm NHNN ban hành Quyết định cổ phần hóa là vào ngày 1/10/2018, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 31/12/2018. Với điều kiện các công việc được triển khai tối ưu, không bị trì hoãn thì nhanh nhất cũng phải đến năm 2020, Agribank mới có thể thực hiện IPO.
Đồng quan điểm về vấn đề tăng vốn, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank nhận định: “Việc tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nhất là khi nếu tính tỷ lệ an toàn vốn theo Basel, một số nhà băng có thể vi phạm tỷ lệ an toàn”.
Những phương án giải quyết “sát sườn”
Đề xuất các phương án giải quyết bài toán tăng vốn, ông Thành cho rằng, Chính phủ nên bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thông qua việc cho phép các nhà băng này giữ lại cổ tức hàng năm để tăng vốn.
Bên cạnh đó, đối với vấn đề liên quan đến cơ chế bán vốn, thoái vốn cũng như là phát hành cổ phiếu riêng lẻ, ông Thành chia sẻ, Vietcombank vừa qua đã được Chính phủ, NHNN cho phép phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, qua tiếp xúc với nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Ngân hàng nhận thấy có những điểm rất khó.
“Ví dụ, giá cổ phiếu bán ra phải đảm bảo không thấp hơn giá định giá và lại không thấp hơn giá thị trường; mua lô lớn, nhà đầu tư phải giữ trong vòng một năm mới được bán cho nhà đầu tư khác, đây là điều thực sự khó khăn”, ông Thành nói.
Trong khi đó, ông Khánh kiến nghị, để đảm bảo triển khai kịp thời công tác cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Agribank mong muốn sớm hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP, sớm ban hành quyết định cổ phần hóa Agribank để có thể triển khai các công việc tiếp theo.
Bởi thực tế tại Agribank khác với nhiều doanh nghiệp khác, do quỹ đất lớn nhưng nhỏ lẻ và đã được sử dụng vào mục đích làm trụ sở của Ngân hàng.
Bên cạnh đó, hiện nay, Agribank phải dành 73,5% tổng dư nợ để cho vay nông nghiệp - nông thôn, lĩnh vực có chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao, trong khi khách hàng đa số thuộc diện đối tượng ưu tiên lãi suất theo quy định của NHNN, chỉ ở mức 6,5%/năm.
Ngân hàng hầu như sử dụng vốn thương mại với lãi suất huy động bình quân đầu vào là 5,6%/năm, chưa tính các khoản dự trữ, nếu không được cấp bù thì thực sự “quá tải”.
“Trong khi chưa cấp bù lãi suất, Agribank kiến nghị Chính phủ, NHNN và các bộ ngành quan tâm, ưu tiên cho Ngân hàng trở thành nhà băng phục vụ các dự án uỷ thác đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn”, ông Khánh nhấn mạnh.
Cụ thể, ông Khánh đề xuất, ưu tiên cho Agribank được nhận vốn nhàn rỗi từ các quỹ của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước như bảo hiểm xã hội, quỹ hỗ trợ sắp sếp đổi mới doanh nghiệp...
Hoặc chỉ đạo các quỹ này tổ chức đấu thầu công khai việc nhận tiền gửi, vừa đảm bảo khách quan công bằng và tăng hiệu quả sử dụng vốn của các quỹ nhà nước, vừa hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Từ phía cơ quan quản lý, NHNN cho biết, đối với việc nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu theo Basel II, NHNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ chấp thuận về chủ trương Kế hoạch vốn và Phương án tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước của từng năm tài chính giai đoạn 2018 - 2020 và cơ chế tăng vốn để bù đắp mức thiếu hụt vốn dự kiến theo từng năm tài chính của các nhà băng theo các thứ tự ưu tiên. Đồng thời, giao Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp:
Thứ nhất, nghiên cứu xử lý các vướng mắc về pháp lý, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các Nghị quyết của Quốc hội hoặc bổ sung vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước (ngoại trừ các ngân hàng thương mại mua bắt buộc) và đưa nhu cầu bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước vào danh mục đầu tư công trung hạn;
Trình Chính phủ sửa đổi phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015, đã được sửa đổi, bổ sung).
Thứ hai, lập dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm có khoản mục cấp bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm các ngân hàng thương mại mua bắt buộc). Thứ ba, bố trí nguồn và cấp vốn để các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện phương án tăng vốn sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.