Tái cơ cấu giai đoạn cuối, ngân hàng hút vốn ngoại

Lĩnh vực ngân hàng hứa hẹn sẽ còn một số thương vụ đình đám liên quan đến việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại tổ chức tín dụng Việt Nam khi tái cơ cấu ngành vào giai đoạn cuối và các ngân hàng phải áp chuẩn quốc tế Basel II.

Lên kế hoạch gọi vốn ngoại

Mở màn năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ từ 7.899 tỷ đồng lên hơn 8.767 tỷ đồng thông qua chào bán cho khối ngoại trong ngày 13/3. Trước đó, OCB được cổ đông thông qua chào bán riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn điều lệ cho Ngân hàng Aozora của Nhật Bản. Toàn bộ lượng vốn thu về sẽ được bổ sung nguồn vốn kinh doanh đầu tư và cho vay.

Lãnh đạo cấp cao của OCB cho biết, giá cổ phiếu chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của Ngân hàng tại cuối quý gần nhất. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Sau khi phát hành cho ngân hàng Nhật Bản, OCB sẽ tiếp tục chào bán riêng lẻ hơn 31,6 triệu cổ phiếu.

Trước đó, cổ đông chiến lược nước ngoài của OCB là Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương 18,68% vốn điều lệ của OCB sau 10 năm đổ vốn vào đây. Hiện ngoài cổ đông Aozona, OCB có thêm một cổ đông ngoại sở hữu 4,98% là một quỹ của Vina Capital. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch OCB cho biết, sau khi hoàn tất bán vốn cho nhà đầu tư ngoại, Ngân hàng sẽ chọn thời điểm thích hợp để niêm yết.

SHB, SCB cho biết, sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính. VPBank, MB cũng có kế hoạch bán thêm vốn cho nhà đầu tư ngoại. Trong đó, MB dự kiến bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nam A Bank đặt mục tiêu tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay, trong đó có kế hoạch gọi vốn ngoại. Một nhà phân tích lĩnh vực tài chính nhận định, nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục chảy mạnh qua mua bán, sáp nhập (M&A). Trong đó, dịch vụ tài chính, gồm fintech, tài chính tiêu dùng, ngân hàng... luôn nhận được sự chú ý.

Mở đến mức nào?

Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định.

Chủ trương của Chính phủ và NHNN cũng đẩy mạnh thu hút vốn nước ngoài tham gia tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém gồm: CB, OceanBank, GPBank. Hiện một số nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia tái cơ cấu những nhà băng này. Ông Nobiru Adachi, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust cho biết, J.Trust đã nghiên cứu, tính toán kỹ các chỉ số tài chính của CB và đã gửi bản chào tham gia mua lại để tái cơ cấu ngân hàng này đến NHNN.

Tương tự, ông Han Chang-woo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Maruhan bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong tiến trình tham gia tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt là Oceanbank. NHNN cho biết, đã hoàn thiện, trình Thủ tướng phương án chuyển nhượng, cơ cấu lại OceanBank sau bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài…

Một chuyên gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng, việc tuân thủ chuẩn mực Basel II kể từ năm 2020 sẽ khiến nhiều ngân hàng nhỏ phải tính đến M&A, bởi việc tăng vốn đáp ứng chuẩn BaseI II không dễ. Vì vậy, M&A trong lĩnh vực ngân hàng được dự báo sẽ sôi động hơn, giá trị các thương vụ sẽ cao hơn. Đáng chú ý là, quá trình tái cơ cấu ngành sẽ đi vào giai đoạn cuối, trong đó những ngân hàng yếu kém, đang kiểm soát đặc biệt như DongA Bank sẽ được NHNN đẩy mạnh tái cơ cấu.

Theo nội dung Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các tổ chức tín dụng từ EU có cơ hội sở hữu tới 49% cổ phần tại ngân hàng thương mại Việt Nam (tối đa 2 ngân hàng, ngoại trừ 4 ngân hàng lớn có sở hữu nhà nước chi phối). Song theo đánh giá của giới chuyên gia, khả năng ngân hàng, tập đoàn tài chính EU rót vốn sở hữu 49% ngân hàng Việt khó xảy ra.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital nhận định, trong bối cảnh nhiều ngân hàng nỗ lực tăng huy động vốn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, Chính phủ nên cho phép room ngoại tại nhà băng tăng từ 30% lên 49% để hút vốn ngoại, đẩy mạnh tái cơ cấu, đáp ứng chuẩn quốc tế.

Tin bài liên quan