138.290 tỷ đồng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42
Tại Hội nghị “Sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH 14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg”, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết,
Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 519.000 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017 và tăng 6,3% so với năm 2016; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 720.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017 và tăng 21,1% so với năm 2016.
Nghị quyết 42 góp phần tích cực trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, tính đến cuối tháng 6/2018, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 là 2,46%.
Quy mô các TCTD tiếp tục tăng, tính đến cuối tháng 6/2018, tổng tài sản đạt 10,42 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2017 và tăng 22,6% so với năm 2016. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đến cuối tháng 6/2018 đạt 6,67 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2017 và tăng 29% so với năm 2016.
Đối với việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, tính từ năm 2012 đến hết tháng 6/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 785.930 tỷ đồng nợ xấu, riêng 6 tháng đầu năm 2018 xử lý ước đạt 58.800 tỷ đồng chủ yếu do các TCTD tự xử lý là 56.740 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2015-2017, các TCTD xử lý nợ xấu chủ yếu thông qua việc bán nợ (bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD - VAMC chiếm tỷ trọng 38,64% tổng nợ xấu được xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm tỷ trọng 21,36%), sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm tỷ trọng 21,52%).
Riêng kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 tính từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 30/6/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu,
Trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 70.230 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21.590 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46.460 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 33,59%).
Nợ cơ cấu lại: Nợ xấu tiềm ẩn
Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Nguyễn Văn Du cũng cho biết, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế trong quá trình xử lý nợ xấu như việc thực hiện cơ cấu lại đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gặp khó khăn về nguồn vốn, chưa tương xứng với tốc độ phát triển và quy mô hoạt động.
Để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II, tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng này là khá lớn, trong khi nguồn lực nhà nước còn hết sức hạn chế.
“Tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn/tổng công ty nhà nước”, ông Du chia sẻ.
Đối với câu chuyện nợ xấu, nợ đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn ở mức cao, dù đã giảm.
Các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.
Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu còn nhiều bất cập nên dự phòng rủi ro vẫn là nguồn chủ yếu để xử lý nợ xấu. Việc phối hợp triển khai các giải pháp về xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được thực hiện quyết liệt, đầy đủ.
Việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp nhiều bất cập như thực hiện nội dung liên quan đến việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42; vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua; công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu…
Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
NHNN vừa công bố dự thảo chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058, trong đó yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các TCTD đang triển khai, thực hiện có hiệu quả Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, yêu cầu các TCTD có vi phạm về sở hữu cổ phần thực hiện rà soát, đánh giá và xây dựng các giải pháp, kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm xử lý tình trạng sở hữu cổ phần vượt quy định.
“Nghiêm túc thực hiện việc thoái vốn đối với các khoản đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần mà pháp luật không cho phép; thực hiện thoái vốn đầu tư trong các lĩnh vực không hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro...”, dự thảo chỉ thị nhấn mạnh.
Đối với VAMC, dự thảo chỉ thị yêu cầu tăng cường phối hợp với các TCTD để rà soát, phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ đã bán cho VAMC.
Đồng thời, tìm kiếm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm và thiết lập, vận hành sàn giao dịch mua bán nợ.
Đặc biệt, dự thảo chỉ thỉ yêu cầu người đứng đầu Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Ban điều hành các TCTD chỉ đạo sát sao công tác triển khai Nghị quyết 42 và Đề án 1058, trong đó lưu ý tổ chức áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đảm bảo mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được phê duyệt; đồng thời chủ động, tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra.
"Chúng ta đang khẩn trương xây dựng, ban hành và ủy quyền cho người đứng đầu các TCTD phê duyệt các đề án cơ cấu lại, nhưng vì nhiều nguyên nhân, vẫn còn những TCTD chưa hoàn thành việc phê duyệt. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Người đứng đầu của các TCTD phải tiếp tục hoàn thiện chỉ đạo của NHNN theo đúng Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ để sớm hoàn hiện trình NHNN, cũng như để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án đó", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.