Ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Những nhiệm vụ cấp bách

(ĐTCK) Chương trình cải cách DNNN đã được thực hiện trong suốt gần 30 năm qua và đẩy nhanh qua các thời kỳ 2001 - 2005 và từ 2011 đến nay. 

Theo đó, số lượng DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn giảm từ 12.000 DN năm 1986 xuống còn 1.200 DN vào đầu năm 2014. Kế hoạch cho 2 năm 2014 - 2015 là cổ phần hóa 432 DN. Nhiệm vụ này đang rất cấp bách khi 9 tháng đầu năm mới cổ phần hóa được 71 DN. 

Hoàn thiện khung pháp lý

Xác định cải cách DNNN là 1 trong 3 trọng tâm cải cách tổng thể nền kinh tế, tháng 7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, trong đó cải cách thể chế, hoàn thiện khung pháp lý, cho thực hiện tái cơ cấu, kiểm tra, giám sát hoạt động của DNNN là giải pháp quan trọng.

Thực hiện kế hoạch trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 nghị định, quyết định quan trọng phục vụ cho công tác sắp xếp đổi mới DNNN, như tiêu chí danh mục phân loại DNNN, quy định về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu, quy chế công bố thông tin cổ phần hóa DNNN… Mới đây nhất là Quyết định 51/2014/QĐ-TTg về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN và hướng dẫn thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hiện Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với cơ quan soạn thảo để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ 3 dự thảo nghị định, quyết định khác, đồng thời thẩm tra 2 đề án do các Bộ trình.

Chính phủ đã ban hành Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của 12/14 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (Dầu khí, Dệt may, Hóa chất, Điện lực, Công nghiệp Than Khoáng sản, Công nghiệp Cao su, Đường sắt, Hàng không, Hàng hải, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước). Điều lệ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã hoàn thiện các bước cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các Bộ, địa phương phê duyệt đề án tái cơ cấu của tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Dự báo, năm 2014 sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp được cổ phần hóa

Không chỉ dừng lại ở 432 DN

Hiện Việt Nam đã cổ phần hóa được 4.100 DNNN, bao gồm cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và  các DN độc lập của các bộ, ngành, địa phương. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong 2 năm 2014 - 2015, cần hoàn thành cổ phần hóa 432 DNNN, trong đó có Tập đoàn Dệt may và Tổng công ty Hàng không, Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) và 54 tổng công ty nhà nước và các DN thuộc các bộ, ngành, địa phương.

Không chỉ dừng lại ở 432 DN, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các DNNN khác theo tiêu chí mới ban hành về phân loại sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, đến nay có thêm khoảng 100 DNNN được đưa vào diện phải tái cấu trúc. 9 tháng đầu năm, cả nước sắp xếp được 92 DN, trong đó cổ phần hóa 71 DN. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái  3.488 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, gấp 3,6 lần năm 2013. Trong 71 doanh nghiệp được cổ phần hóa có Tập Đoàn diệt may và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và 19 tổng công ty nhà nước thuộc Bộ, địa phương.

Với kế hoạch cổ phần hóa đồ sộ mà Chính phủ triển khai, đến nay đã có 257 DNNN đang xác định giá trị, trong đó 136 DN đã được công bố và khả năng thời gian tới có 150 DN sẽ được phê duyệt và tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Kết quả như vậy là chuyển biến mạnh so với các năm gần đây. Tình hình này cho phép dự báo năm 2014 cổ phần hóa khoảng 150- 200 DN và năm 2015 sẽ cổ phần hóa các DN còn lại theo mục tiêu đề ra.

Những nhiệm vụ cấp bách

Sau Hội nghị giao ban tái cơ cấu DNNN tổ chức tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh để đạt, vượt mức kế hoạch năm 2014, song song với tái cơ cấu DN một cách toàn diện, từ mô hình tổ chức, quản lý, ngành nghề sản xuất - kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư, nguồn nhân lực, thị trường...

Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt sâu rộng về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước trong các năm 2014 - 2015, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần khẩn trương và kiên quyết hoàn thành. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có kết quả cổ phần hóa, thoái vốn thấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; có biện pháp phù hợp để khắc phục, góp phần hoàn thành mục tiêu chung.

Đồng thời, các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần bám sát đề án tái cơ cấu, phương án sắp xếp DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ và khẩn trương nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Những DN có điều kiện thì thực hiện IPO theo quy định hiện hành. Những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có), hoặc các cổ đông tự nguyện khác, nhằm thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa sở hữu, tạo hàng hóa sẵn sàng cho TTCK.

Để gắn chặt quá trình cổ phần hóa DNNN với việc niêm yết trên TTCK, Thủ tướng yêu cầu quy định cụ thể về thời gian thực hiện niêm yết trên TTCK trong quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của từng DN; việc thoái vốn nhà nước tại DN phải được tiến hành chặt chẽ, có kế hoạch, theo lộ trình, bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý các khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty tại công ty tài chính, ngân hàng thương mại gắn với việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại bảo đảm hiệu quả chung.

Không dừng lại ở các DN đã có kế hoạch cổ phần hóa, Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN ban hành tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát, bổ sung DN cần cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và lộ trình triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.

Đối với một số DN hoạt động trong lĩnh vực công ích như môi trường đô thị, cấp, thoát nước, nếu các nhà đầu tư trong nước có nhu cầu nắm giữ đa số vốn điều lệ thì khuyến khích, với điều kiện DN cam kết cung cấp tốt các dịch vụ công ích này.

Các Bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới DN. Bảo đảm thời hạn trình các đề án còn lại theo chương trình kế hoạch mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Một lần nữa, cần nhấn mạnh rằng, các bộ, ngành, địa phương, DN có kết quả tái cơ cấu còn thấp hoặc chưa đạt yêu cầu cần nghiêm túc xem xét, làm rõ trách nhiệm của mình và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, có biện pháp xử lý, khắc phục để thực hiện có kết quả trong những tháng cuối năm 2014 và năm 2015.

Cũng nên xem xét xử lý hành chính đối với lãnh đạo DN không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN.

Trong rất nhiều giải pháp để thực hiện các yêu cầu về tái cơ cấu DNNN, vai trò của truyền thông rất quan trọng. Bởi vậy, cần đẩy mạnh truyền thông và công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong sắp xếp, tái cơ cấu DN cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh được giao.

Tin bài liên quan