Từ 6/8/2020, tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng tại NHNN là 0,5%/năm, giảm 0,5 điểm phần trăm so với trước đó.

Từ 6/8/2020, tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng tại NHNN là 0,5%/năm, giảm 0,5 điểm phần trăm so với trước đó.

Thận trọng nới lỏng tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động thái giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc chiều ngày 6/8/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được cho là tạo yếu tố tâm lý là chính, nhưng về lâu dài không phải là không có rủi ro, nên cần thận trọng.

Hạ lãi suất chủ yếu tạo yếu tố tâm lý

Trước năm 2020, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam dựa vào cả nhu cầu của nước ngoài và tiêu dùng trong nước, khi đóng góp đến hơn 75% tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2019 trên cơ sở tăng trưởng cao về xuất khẩu và tiêu dùng tư nhân.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), trong thời gian tới, hai động lực này khó có thể ngay lập tức quay lại các mức trước khủng hoảng, khi mà nhu cầu của nước ngoài vẫn còn yếu vì nhiều quốc gia trên thế giới còn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và hoạt động du lịch chững lại.

Ðồng thời, tiến trình phục hồi trong nước khó có thể kéo dài do phần lớn doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ còn áp dụng các kế hoạch đầu tư và tiêu dùng thận trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nhận định từ các chuyên gia kinh tế cho biết, làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại sẽ khiến khả năng hấp thụ tín dụng vốn đã yếu trong 6 tháng đầu năm sẽ càng khó cải thiện.

Do đó, khả năng cao lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp bởi thanh khoản trong hệ thống vẫn đang khá dư thừa.

Trong khi đó, nhu cầu hấp thụ vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh có giới hạn, khả năng các dự án bất động sản mở bán rầm rộ cũng không cao khi Chính phủ khuyến cáo hạn chế tập trung đông người để ngăn chăn dịch bệnh lây lan.

Do vậy, động thái hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của NHNN mới đây là điều được dự đoán trước.

Cụ thể, NHNN đã ban hành quyết định hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng tại NHNN: Ðối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,5%/năm (giảm thêm 0,5 điểm phần trăm), tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0% (không đổi). Các mức điều chỉnh có hiệu lực kể từ ngày 6/8/2020.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp VPBank cho rằng, động thái trên của NHNN chủ yếu tạo tâm lý để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cụ thể hơn, ông Tạ Thu Tín, Phó giám đốc Khối Quản trị tài chính và nguồn vốn SCB cho biết, với quy mô huy động hiện tại (tính đến tháng 7, toàn hệ thống ngân hàng huy động khoảng 8,5 triệu tỷ đồng) và tỷ lệ dự trữ bắt buộc đang áp dụng (3% đối với huy động VND dưới 12 tháng và 1% đối với huy động VND kỳ hạn từ 12 tháng trở lên), tổng số tiền dự trữ bắt buộc hệ thống ngân hàng đang gửi tại NHNN vào khoảng 130.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Tín, với việc giảm 0,5 điểm phần trăm, hệ thống ngân hàng sẽ giảm thu nhập lãi từ tiền gửi dự trữ khoảng 650 tỷ đồng, mức giảm này là khiêm tốn so với quy mô thanh khoản hiện tại và không tác động nhiều đến chi phí huy động cũng như cho vay của các ngân hàng, đồng thời giúp NHNN tiết giảm chi phí điều hành tương ứng.

“Việc điều chỉnh giảm lãi suất áp dụng cho tiền gửi dự trữ bắt buộc vừa không gây tác động lớn đến hệ thống ngân hàng, vừa khẳng định NHNN tiếp tục định hướng điều hành giảm mặt bằng lãi suất thị trường”, ông Tín nói.

Nới lỏng chính sách tiền tệ và hệ lụy

Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Phòng Quản lý cân đối vốn và kế hoạch tài chính VietinBank nhận định, NHNN hạ lãi suất nhằm mục đích đảm bảo tính tương thích giữa lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng do trong thời gian qua, thanh khoản thị trường liên ngân hàng duy trì trạng thái dư thừa.

“Ðây là động thái kịp thời của NHNN nhằm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường. Thông qua đó, các tổ chức tín dụng cũng nắm bắt được định hướng, chủ trương của NHNN để tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm tiết giảm chi phí vốn, tạo điều kiện cho việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay, đồng hành cùng các doanh nghiệp, cá nhân và hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế”, vị này nói.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Quyền Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect nêu quan điểm, khác với 2 đợt cắt giảm lãi suất điều hành diễn ra vào nửa đầu năm 2020, lần này NHNN chỉ giảm lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND.

Về cơ bản, lãi suất này không ảnh hưởng nhiều đến cung tiền của nền kinh tế. Ngoài ra, từ đầu tháng 7, đã có một đợt chủ động giảm lãi suất từ một số ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Do đó, lần giảm lãi suất này không ảnh hưởng lớn đến cung cầu tín dụng của thị trường.

Cũng theo bà Hiền, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ còn kéo dài đến ít nhất đến năm 2021 và Việt Nam cũng không thể đi một con đường khác trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, có 2 rủi ro đáng chú ý trong thời điểm này.

Rủi ro thứ nhất là việc kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá thịt lợn vẫn đang neo ở mức cao. CPI đang có xu hướng lùi dần về ngưỡng 4% trong tháng 6 và tháng 7 nhờ các biện pháp quyết liệt về quản lý, điều hành giá của Chính phủ như nhập khẩu thịt lợn để giảm áp lực trong nước, giảm giá điện trong quý II hay kiểm soát giá dịch vụ công. 

“Thời điểm này bình ổn được giá thịt lợn, trong bối cảnh giá dầu khó có khả năng tăng mạnh về cuối năm sẽ cơ bản sẽ kiềm chế được lạm phát. Theo đó, chúng tôi dự báo lạm phát bình quân năm nay vào  khoảng 3,5%,  nghĩa là đủ dư địa cho việc áp dụng nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó khi những bất ổn về thời tiết như lũ lụt thất thưởng ở Trung Quốc và Việt Nam sẽ tạo áp lực lên giá thịt lợn nói riêng, giá thực phẩm nói chung trong những tháng cuối năm”, bà Hiền phân tích.

Rủi ro thứ hai là chất lượng tín dụng. Nợ xấu của các ngân hàng niêm yết đang có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2020 do các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Ngoài ra, chất lượng các khoản vay mới trước áp lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng là vấn đề cần lưu ý. 

“Rủi ro về chất lượng sẽ có độ trễ, nhưng tác động tiêu cực sẽ kéo dài ”, bà Hiền nhấn mạnh.

Cần tìm động lực mới để thúc đẩy quá trình phục hồi

Ông Quách Mạnh Hào, chuyên gia tài chính - ngân hàng nêu quan điểm: “Quyết định về lãi suất lần này cho thấy NHNN không còn nhiều lựa chọn và đã sử dụng hết những gì có thể từ kho công cụ của mình. Nó mang tính tâm lý/chính trị hơn là kinh tế. Nói cách khác, công cụ tiền tệ đã không còn tác dụng, Chính phủ cần có các chính sách tác động trực tiếp tới người tiêu dùng và doanh nghiệp, các thị trường cụ thể. Ðiều kiện hiện tại khó có thể có một công cụ nào đảm bảo ‘một dùng cho tất cả’ nền kinh tế được”.

Chuyên gia của WB cũng nhấn mạnh trong Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam được công bố vào cuối tháng 7 vừa qua: “Chính phủ lúc này cần tìm mọi cách để kích thích kinh tế trong vài tháng tới, sao cho không gây hại về bền vững tài khóa và bền vững nợ trong lâu dài”.

Cụ thể, WB khuyến nghị Chính phủ cần tập trung vào chính sách tài khóa, là công cụ truyền thống để kích thích khôi phục kinh tế trong thời gian tới. Ðối với Việt Nam, chính sách đó không nhất thiết là phải chi nhiều hơn, mà nên đẩy nhanh tốc độ triển khai giải ngân ngân sách đầu tư đã phê duyệt.

Theo tính toán của WB, nếu Chính phủ nâng cao tốc độ triển khai ngân sách được phê duyệt cho năm 2020 từ 65% lên 75%, thì tỷ lệ đầu tư công trên GDP sẽ tăng thêm 1,5 điểm phần trăm, qua đó trực tiếp bơm khoảng 4 tỷ USD vào nền kinh tế.

“Nhà nước cần chủ động nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, điều đó có nghĩa là phải chi tiêu tốt hơn và tạm thời sử dụng dư địa tài khóa đã gây dựng được trong 3 năm qua. Các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư, không chỉ bằng cách gỡ bỏ những trở ngại hành chính liên quan đến một số dự án lớn, mà còn phải khuyến khích triển khai hạ tầng công cộng ở cấp địa phương. Chính phủ cũng nên hỗ trợ một cách khôn ngoan cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp đang hoạt động ở các ngành nghề gặp khó khăn như vận tải, du lịch...”, Báo cáo của WB nhấn mạnh.

Tin bài liên quan